Sức khỏe

Cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên tự tử bằng thuốc an thần

Dương Toàn 07/03/2024 06:42

Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng trẻ vị thành niên tự tử bằng thuốc an thần, giảm đau sau khi liên tiếp tiếp nhận 2 ca nữ sinh nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Cụ thể, bệnh nhân N.T.L. (15 tuổi), được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng TPHCM trong tình trạng bị nôn ói nhiều, nghi do ngộ độc thuốc Paracetamol.

Theo người nhà, trước đó, bệnh nhân đã uống 20 viên Paracetamol 500mg. May mắn, người nhà phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương. Tại đây, bệnh nhân được súc rửa dạ dày, tuy nhiên vẫn còn nôn ói nhiều nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc Paracetamol và chỉ định uống giải độc 4 lần mỗi ngày, truyền dịch và điện giải.

Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng trẻ cải thiện dần, tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, được khám và tư vấn tâm lý. Được biết, bệnh nhân là một học sinh giỏi, có ước mơ đi du học và thi vào ngành Y. Tuy nhiên, trong một phút nông nổi, vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng, bệnh nhân đã uống thuốc Paracetamol để tự tử.

Một trường hợp tương tự, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã tiếp nhận bệnh nhân D.N.B.N. (15 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) bị ngộ độc thuốc an thần Rotudin 30mg. Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân này học nội trú ở một trường thuộc địa bàn quận 12. Cách thời điểm nhập viện 3 giờ, cô giáo của trường gọi nữ sinh dậy học bài nhưng phát hiện trẻ lơ mơ, không trả lời, không sốt. Cô giáo phát hiện 1 hộp thuốc Rotudin 30 mg trên giường ngủ, trong thùng rác có 10 vỉ Rotudin, trong đó có 1 vỉ đã bóc hết (1 vỉ 10 viên). Ngay lập tức, cô giáo đưa nữ sinh đến bệnh viện cấp cứu với chẩn đoán ngộ độc thuốc an thần Rotundin.

Tình trạng lúc nhập viện, bệnh nhân mê sâu, không phản xạ ánh sáng, bụng mềm, không chướng, không ghi nhận vết bầm, không ban da, không dấu xuất huyết. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy, đồng thời rửa dạ dày, loại bỏ thuốc Rotudin ra khỏi cơ thể, sau đó truyền dịch và điện giải. Sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần: tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, tự thở khá, cai máy thở thành công, được khám và tư vấn tâm lý để hỗ trợ vượt qua cú sốc tinh thần.

BS Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lưu ý, bên cạnh việc học tập văn hóa, phụ huynh cần quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ ở lứa tuổi vị thành niên. Phụ huynh không nên quá tạo áp lực cho trẻ, cần khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho trẻ vui chơi, thư giãn phù hợp. Nhà trường nên phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện và hỗ trợ trẻ khi gặp các vấn đề tâm lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh báo tình trạng trẻ vị thành niên tự tử bằng thuốc an thần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO