Khoảng 1/3 các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang đối mặt gánh nặng kép về dinh dưỡng (tình trạng thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng, nhẹ cân), trong đó chủ yếu là trẻ em - đó là thông tin được đưa ra tại một báo cáo đăng trên Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) hôm 16/12. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế độ ăn uống kém dinh dưỡng và lười vận động.
Trẻ em một số quốc gia châu Phi vẫn phải chịu đựng tình trạng vật chất thiếu thốn.
Báo cáo ước tính gần 2,3 tỉ trẻ em và người lớn trên thế giới bị thừa cân trong khi hơn 150 triệu trẻ em chậm phát triển thể chất. Gánh nặng này nặng nề nhất tại các quốc gia châu Phi hạ Sahara và châu Á. Cả 2 dạng suy dinh dưỡng này đều liên quan đến các vấn đề sức khỏe và tử vong sớm, từ đó đè nặng lên hệ thống y tế và năng suất lao động của một nước.
“Chúng ta đang đối mặt với thực trạng dinh dưỡng mới. Suy dinh dưỡng không còn được xem là vấn đề của riêng nước nghèo hay béo phì không chỉ là mối bận tâm duy nhất của các nước thu nhập cao. Tất cả các dạng suy dinh dưỡng đều có điểm chung, đó là hệ thống thực phẩm không cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh, an toàn, giá cả phải chăng và bền vững”- ông Francesco Branca, Giám đốc Bộ phận Dinh dưỡng sức khỏe và phát triển (Tổ chức Y tế thế giới- WHO) nhận định.
Trước đó, đầu tháng 10, Quỹ Nhi đồng LHQ đã tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo tình trạng trẻ em toàn cầu năm 2019. Theo Báo cáo về tình hình trẻ em thế giới năm 2019, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân (tương đương với khoảng trên 200 triệu trẻ em); cứ 3 trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não, khiến trẻ có nguy cơ chậm phất triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong.
Từ đó, UNICEF kêu gọi các chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ, các bậc phụ huynh, gia đình và doanh nghiệp cần phải giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh bằng cách tăng quyền năng cho gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên để họ có nhu cầu và đòi hỏi thực phẩm dinh dưỡng. Đặc biệt, cần tạo áp lực để nhà cung cấp, cung ứng thực phẩm có hành động đúng đắn, thay vì trục lợi từ trẻ em.
Cũng theo UNICEF, tính tới thời điểm giữa năm 2019, tại các nước đang phát triển, có tới 1/3 trẻ em không được đáp ứng các điều kiện cơ bản về tinh thần và trí óc, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Cụ thể, gần 81 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 3-4 tuổi không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển cơ bản, trong đó con số cao nhất những trẻ em bị ảnh hưởng đến từ khu vực châu Phi cận Sahara, bao gồm Chad, Sierra Leone và Cộng hòa Trung Phi.
Theo TS Dana McCoy - tác giả chính của nghiên cứu - trên thực tế những đứa trẻ không đáp ứng được những mốc phát triển quan trọng không có nghĩa là chúng không thể có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc và hữu ích, nếu cuộc sống được cải thiện. “Trong bối cảnh tỷ lệ trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng và bệnh truyền nhiễm đang dần giảm xuống, cộng đồng quốc tế hiện nay nên bắt đầu tập trung vào những tiềm năng của trẻ, chứ không chỉ là sự tồn tại của chúng. Giờ đây, chúng ta đang tiến vào một thời đại mới, khi mà chúng ta không chỉ giúp bọn trẻ tồn tại, mà còn cần phải thực sự tập trung vào việc giúp chúng phát triển mạnh mẽ hơn”- vị chuyên gia lưu ý.
Theo WHO, gần một nửa số trẻ dưới 5 tuổi tử vong có liên quan đến suy dinh dưỡng.
Tính tới thời điểm giữa năm 2019, tại các nước đang phát triển, có tới 1/3 trẻ em không được đáp ứng các điều kiện cơ bản về tinh thần và trí óc, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Cụ thể, gần 81 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 3-4 tuổi không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển cơ bản, trong đó con số cao nhất những trẻ em bị ảnh hưởng đến từ khu vực châu Phi cận Sahara, bao gồm Chad, Sierra Leone và Cộng hòa Trung Phi.