Cảnh giác bệnh ho gà

Hà Phương 01/08/2021 16:30

Ho gà là căn bệnh đã xuất hiện và từ hàng chục năm trước đây. Mặc dù nhiều căn bệnh cùng thời với nó đã bị triệt tiêu nhờ có vaccine nhưng ho gà vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay với mức độ nguy hiểm khác nhau ở từng cơ thể người bệnh.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 30-50 triệu người mắc bệnh ho gà, trong đó có khoảng 300.000 người bị tử vong, đa số là trẻ em dưới 1 tuổi và ở các nước chậm phát triển.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Từ khi vaccine phòng bệnh ho gà được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh do không tiêm vaccine phòng bệnh; thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, mặc dù dịch bệnh ho gà đã được khống chế, nhưng căn bệnh này vẫn chưa được thanh toán hoặc loại trừ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nên nguy cơ có thể có những ổ dịch nếu không làm tốt công tác phòng ngừa như duy trì tiêm vaccine đạt tỉ lệ cao (đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống...), không thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), ho gà là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh gây nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Khi bị vi khuẩn gây bệnh ho gà tấn công vào cơ thể, bệnh nhân có thể lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình mà không hề hay biết. Nguyên nhân là vì những triệu chứng ban đầu của bệnh khiến chúng ta nhầm lẫn với cảm, ho thông thường. Ho gà ở trẻ sơ sinh thường diễn biến nặng, tỷ lệ tử vong cao.

Ho gà là bệnh có khả năng lây nhiễm cao trong giai đoạn đầu nhiễm bệnh, khi đó 80% những người tiếp xúc cùng hộ gia đình có thể bị lây bệnh. Người là ổ chứa duy nhất. Trường hợp người mang trùng là không phổ biến và tập trung ở nhóm vị thành niên, người lớn. Đây là nguồn lây nhiễm chủ yếu cho trẻ nhỏ. Bệnh lây nhiễm mạnh nhất trong thời gian 2 tuần đầu kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị kháng sinh phù hợp, bệnh nhân có thể không gây lây nhiễm.

Triệu chứng mắc bệnh

Theo các chuyên gia y tế, thời kỳ nung bệnh của bệnh ho gà là từ 2-30 ngày (trung bình 5-12 ngày). Thời kỳ khởi phát thường từ 3-14 ngày với các biểu hiện: Sốt nhẹ, từ từ tăng dần, kèm theo đó là các triệu chứng viêm long đường hô hấp như ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn. Thời kỳ toàn phát thường kéo dài 1-2 tuần: Xuất hiện những cơn ho gà điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ, cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn: Ho, thở rít vào và khạc đờm.

Khi đó bệnh nhân thường ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Kèm theo đó là thở rít vào, thường xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít. Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn ho gà.

Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh. Kèm theo có thể thấy một số triệu chứng sau: Sốt nhẹ hoặc hoặc không sốt, mặt và mi mắt nặng, loét hãm lưỡi, nghe phổi trong cơn ho có thể thấy một số ran phế quản (ran rít, ngáy).

Để phân biệt ho gà và các bệnh ho thường khác, BS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, điều đầu tiên là phải dựa vào đặc điểm của cơn ho. “Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, khi xuất hiện ho gà, trẻ sẽ ho một tràng dài, sau đó hít một hơi tiếp tục lại ho một tràng như vậy. Thậm chí, sau cơn ho thì nôn ọe, có nước dãi chảy ra, đôi khi còn có xuất huyết ở củng mạc mắt. Đó là biểu hiện bệnh đối với những trẻ có đủ sức khỏe. Tuy nhiên ở những trẻ sơ sinh, khi sức khỏe còn yếu, cơn ho không giống người lớn như có thể biểu hiện cơn ho bằng những cơn ngừng thở, cả người trẻ sẽ tím tái do thiếu oxy nặng”, theo BS Dũng.

Bệnh ho gà gây ra các biến chứng sau: Viêm phế quản, dãn phế quản, viêm phổi-phế quản; biến chứng thần kinh, trong đó viêm não là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, tỷ lệ tử vong cao; biến chứng cơ học: Lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng; các biến chứng khác: Xuất huyết võng mạc, kết mạc mắt, rối loạn nước điện giải, bội nhiễm các vi khuẩn khác.

Trước nguy cơ bệnh ho gà có thể bùng phát thành dịch, để chủ động phòng chống căn bệnh này, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Lịch tiêm chủng ho gà cho trẻ theo Chương trình tiêm chủng mở rộng như sau: Trẻ sơ sinh tiêm vaccine ho gà vào 3 thời điểm 2, 4 và 6 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại sau 1 năm, 3 năm và 5 năm.

Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi.

Cho trẻ ăn uống đủ chất, dinh dưỡng hợp lý. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác bệnh ho gà