Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý nhược cơ là yếu, liệt các cơ trong cơ thể: yếu cơ vùng đầu mặt cổ; yếu cơ tay chân, trong những cơn nhược cơ bệnh nhân thậm chí không nhấc được tay lên...
Theo Sức khỏe đời sống, BS. Hoàng Lan cho biết, nhược cơ (Myasthenia gravis) là bệnh lý thần kinh cơ mạn tính đặc trưng với tình trạng yếu cơ xảy ra từng đợt hoặc liên tục với nhiều. Đây không phải là một bệnh lý phổ biến, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng gấp đôi nam giới, thường gặp ở phụ nữ trẻ dưới 40 tuổi hoặc trên 70 tuổi và nam giới trên 50 tuổi.
Nhược cơ được xếp vào bệnh tự miễn, do sự tồn tại các tự kháng thể chống lại thụ thể acetylcholin trên màng tế bào cơ tại các vùng tiếp nối thần kinh cơ hậu Synap. Điều này dẫn đến các tín hiệu do dây thần kinh dẫn truyền tới không được tế bào cơ tiếp nhận. Tình trạng suy giảm sức cơ là một quá trình mạn tính, tiến triển và nặng dần lên về cuối ngày.
Bệnh nhược cơ còn được ghi nhận có liên quan đến các bệnh lý tuyến ức trong 75% bệnh nhân. Một số bệnh tự miễn khác như: viêm đa cơ, viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp gặp trong 10% tổng số trường hợp.
Các giai đoạn tiến triển của bệnh nhược cơ
Giai đoạn 1: Nhược cơ khu trú một nhóm cơ, thường ở mắt 15%.
Giai đoạn 2: Nhược cơ toàn thân lành tính, chỉ xâm phạm các cơ ngoại vi, không rối loạn nuốt và khó thở chiếm 60%. Nhược cơ toàn thân lành tính, chỉ xâm phạm các cơ ngoại vi, kèm rối loạn nuốt nhưng không rối loạn hô hấp.
Giai đoạn 3: Nhược cơ toàn thân nặng, cấp, thiết lập nhanh với liệt các cơ ngoại vi và có rối loạn hô hấp, tương ứng với cơn nhược cơ. Thể tiến triển chiếm 15% nhược cơ.
Giai đoạn 4: Thiết lập nặng dần của nhược cơ đã có từ lâu, tiến triển của những thể nhược cơ khác.
Như vậy, nhược cơ nặng là bắt đầu giai đoạn 2b. Cơn nhược cơ nặng cần được hồi sức hô hấp khi có một trong các dấu hiệu sau: suy hô hấp cấp do liệt cơ hô hấp nếu thấy lồng ngực xẹp khi thở vào mà cơ hoành vẫn di động bình thường là liệt cơ liên sườn, nếu vùng thượng vị không phồng khi thở vào nhưng cơ ức đòn chũm, cơ thang co kéo là liệt cơ hoành, còn mất phản xạ nuốt và ứ đọng đờm dãi là liệt màn hầu. Liệt cơ hô hấp dẫn tới xẹp phổi và nghe phổi có nhiều rale ẩm. Suy hô hấp còn do nuốt sặc và do tác dụng phụ của các thuốc kháng cholinesterase vì thuốc này gây co thắt phế quản và tăng tiết đờm dãi.
Triệu chứng bệnh nhược cơ
Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý nhược cơ là yếu, liệt các cơ trong cơ thể, biểu hiện như sau: Yếu cơ vùng đầu mặt cổ: sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, liệt mặt, nuốt khó, nhai khó, đùn nước bọt, thay đổi giọng nói, đầu thường rũ xuống, nét mặt thường buồn rầu, mệt mỏi; Yếu cơ tay chân, trong những cơn nhược cơ bệnh nhân thậm chí không nhấc được tay lên; Yếu các cơ hô hấp: khó thở, suy hô hấp cấp.
Các triệu chứng yếu cơ thường xuất hiện vào cuối ngày, hoặc sau khi vận động nhiều và thuyên giảm khi người bệnh nghỉ ngơi. Các cơ thường bị ảnh hưởng 1 bên, không đối xứng và có các biểu hiện rối loạn khác nhau. Phản xạ thần kinh và cảm giác của người bệnh thường không bị tổn thương.
Điều trị thế nào?
Ðiều trị triệu chứng: Nếu đang dùng các thuốc kháng cholinesterase mà nhược cơ nặng lên thì có thể ngừng tạm thời thuốc đó và cho thở máy, sau đó điều chỉnh liều.
Chưa điều trị thì dùng thuốc kháng cholinesterase. Các thuốc này làm giảm sự phân hủy acetylcholine và gây tích lũy ở tấm vận động.
Ðiều chỉnh nước và điện giải: Bệnh nhược cơ nặng dễ bị mất nước vì tăng tiết nên phải bù dịch và năng lượng. Dùng kháng sinh chống bội nhiễm lưu ý loại kháng sinh gây block thần kinh cơ.
Chú ý loại bỏ các nguyên nhân làm cơn nhược cơ nặng lên.
Ðiều trị tự miễn: Lọc huyết thanh bằng máy tách tế bào hay bởi màng lọc 2 -3 lần có khi 3 -5 lần/ tuần, có hiệu quả trên 2/3 trường hợp. Hiệu quả có thể thấy trong vòng 24 giờ, tuy nhiên thường rõ ràng sau ngày thứ 2.
Các thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamide và methotrexate thường dùng trong nhược cơ nặng khi điều trị corticoid không hiệu quả.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức: Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức biện pháp tích cực khi có u hay loạn sản ở các bệnh nhân nhược cơ. Thực hiện phẫu thuật sau gây tê tại chỗ. Cắt bỏ tuyến ức toàn bộ mang lại hiệu quả lâu dài.
Thủ phạm gây nhược cơ chân và cách khắc phục
Nhược cơ bắp chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến và phương pháp điều trị nhược cơ bắp chân.
1. Không hoạt động các cơ trong thời gian dài
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây yếu cơ. Bạn có thể đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường các cơ bị yếu. Tập yoga nhẹ nhàng, bơi, chạy bộ là những hoạt động khác có thể tăng cường cơ bắp. Nếu bạn khó tập luyện, hãy hỏi ý kiến bác sĩ vật lý trị liệu sớm nhất có thể.
2. Chèn ép dây thần kinh cột sống
Dây thần kinh bị chèn ép cũng là một nguyên nhân gây nhược cơ bắp chân. Bạn cần tư vấn bác sĩ vật lý trị liệu về tình trạng này. Mát-xa nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu sẽ tăng cường lưu thông máu, giúp vận chuyển các dưỡng chất thiết yếu đi khắp cơ thể.
3. Bệnh thần kinh cơ
Bệnh này có thể gây yếu cơ. Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng nên tập luyện nhẹ nhàng như nâng chân thẳng, tập yoga đơn giản. Tuy nhiên, nên tư vấn bác sĩ trước khi thử những bài tập này.
4. Yếu chân
Yếu chân có thể do một số thuốc gây ra. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ đề nghị bạn tuân thủ nghiêm ngặt những bài tập đặc biệt.
5. Thiếu hụt vitamin D
Theo các nhà nghiên cứu, thiếu vitamin D được cho là gây yếu cơ chân. Tia bức xạ của mặt trời giúp cơ thể nhận được vitamin này. Do vậy, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời buổi sáng sớm trong 10-15 phút có thể giúp chân khỏe hơn. Nên ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều vitamin D như cá thu, cá hồi, cá mòi, sữa, nước ép cam hay ngũ cốc.
6. Mất nước
Mất nước là một trong những nguyên nhân chính gây yếu cơ chân và chuột rút. Nên uống nước và nước hoa quả để chống mất nước và tăng cường cơ bắp. Ngoài ra, bạn có thể uống sữa vì sữa giàu canxi, cần thiết cho cơ chắc khoẻ.
7. Hoạt động quá nhiều
Đây là nguyên nhân khác gây yếu cơ nên tránh. Nên nghỉ ngơi thường xuyên để phục hồi sức khoẻ và giúp cơ chắc khoẻ.
8. Dùng thuốc
Một số bệnh như tiểu đường, thiếu máu có thể gây yếu cơ, chuột rút ở chân. Chế độ ăn cùng với các thuốc bác sĩ kê đơn có thể có lợi rất nhiều cho người bệnh.
(Nguồn Boldsky/Univadis)