Thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 41.905 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 5 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc tuy giảm, song Bộ Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan, dịch bệnh đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm.
Dịch sốt xuất huyết thường đạt cao điểm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Những ngày qua, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng mạnh tại nhiều địa phương. Đáng lo ngại nhiều ca biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), trong tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm như suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc… nguy cơ tử vong cao.
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội cho thấy, sốt xuất huyết liên tục tăng từ tháng 7 đến nay, mỗi tuần có gần 200 người mắc, các huyện ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Đan Phượng, Hà Đông, Thạch Thất, Phúc Thọ... Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 1.579 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Tại Hải Phòng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phan Huy Thục cho biết, trong tháng 7 vừa qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 4.307 ca mắc sốt xuất huyết Dengue. Tính trong 7 tháng đầu năm 2024, TP Hải Phòng ghi nhận 7.118 ca mắc sốt xuất huyết, tăng cao đột biến, gấp hơn 64 lần số ca mắc cùng kỳ năm trước.
Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng do virus lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh. Triệu chứng phổ biến nhất là sốt cao, nhức đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn và phát ban… Phần lớn sẽ khỏi sau 1-2 tuần. Một số người bị sốt xuất huyết nặng cần được chăm sóc tại bệnh viện.
Qua giám sát và xét nghiệm trên người bệnh cho thấy có cả 4 tuýp huyết thanh gây sốt xuất huyết, trong đó tuýp DEN-2 chiếm 88% tổng số ca mắc năm 2023 và 70% tổng số ca nhiễm năm 2024.
Hơn nữa, dịch sốt xuất huyết ngày càng diễn biến phức tạp khi không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư. Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, giai đoạn sốt, kéo dài từ 3-7 ngày, đặc trưng bởi triệu chứng sốt cao liên tục kèm theo các biểu hiện liên quan như mệt mỏi, nhức đầu, cơ thể đau nhức, đau khớp và các cơ, đau 2 hốc mắt, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, tiêu chảy… Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban nhỏ dưới da và xuất hiện các triệu chứng xuất huyết nhẹ khác như chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng.
Giai đoạn nguy hiểm, kéo dài từ 3 - 4 ngày sau giai đoạn sốt. Lúc này, triệu chứng sốt bắt đầu thuyên giảm rõ rệt, thậm chí hết sốt hẳn. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chỉ số tiểu cầu trong máu giảm xuống thấp, tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện các triệu chứng xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu lợi, tiểu ra máu… Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, người bệnh còn gặp các triệu chứng xuất huyết nguy hiểm như xuất huyết nội tạng (xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa…), suy đa cơ quan, viêm não, viêm gan, viêm cơ tim…
Giai đoạn phục hồi, kéo dài trong khoảng 1 - 2 ngày sau giai đoạn nguy hiểm. Ở giai đoạn này, các triệu chứng do sốt xuất huyết gây ra từ từ thuyên giảm, tình trạng sức khỏe ổn định hơn, thể trạng trở nên tốt hơn, hết sốt, lấy lại cảm giác thèm ăn và lợi tiểu…
Cũng theo BS Đỗ Duy Cường, có những nhóm có nguy cơ cao diễn biến nặng khi sốt xuất huyết. Cụ thể, nhóm trẻ em dưới 4 tuổi, đặc biệt dưới 12 tháng tuổi; Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu; Người thừa cân, béo phì; Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể sinh bất cứ lúc nào.
Thời gian nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Do đó, xét nghiệm sốt xuất huyết cần được thực hiện ngay khi có các triệu chứng của bệnh như sốt cao, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể, nổi mẩn đỏ trên da (đặc biệt là trên cổ, tay, chân), chảy máu chân răng hoặc lợi, ở phụ nữ có thể xuất hiện rong kinh bất thường.
Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết chính xác nhất khi được thực hiện trong vòng 3 ngày đầu tiên của bệnh và độ chính xác của xét nghiệm sẽ giảm dần sau đó. Tốt nhất, người bệnh nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết vào ngày thứ 3 kể từ khi bị sốt.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sốt xuất huyết, trọng tâm là điều trị các triệu chứng. Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết có thể được điều trị tại nhà. Khi điều trị tại nhà, người bị sốt xuất huyết nên nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời gian mắc bệnh, đặc biệt cần uống thật nhiều nước.
Dùng thuốc giảm đau và hạ sốt như paracetamol có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid như aspirin và ibuprofen vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, một biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết.
Theo TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày. Do đó, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh SXH bằng cách bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt, như: Sử dụng quần áo che phủ càng nhiều phần cơ thể càng tốt; dùng màn chống muỗi khi ngủ cả ban đêm và ban ngày; dùng cửa sổ chắn muỗi; dùng thuốc chống muỗi...
Cùng với phòng ngừa muối đốt, cần ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi bằng cách: xử lý chất thải rắn đúng cách và loại bỏ nước tù, đọng trong môi trường; đậy nắp, đổ và vệ sinh các thùng chứa nước; sử dụng thuốc diệt muỗi thích hợp…
Dự kiến tháng 9/2024 Việt Nam sẽ có vaccine sốt xuất huyết. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa cấp phép cho vaccine sốt xuất huyết do Công ty Takeda (Nhật Bản) sản xuất có tên là Qdenga. Đây là vaccine sốt xuất huyết đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam.