Pháp luật

Cảnh giác hành vi lừa đảo quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiên tai

Đức Sơn 14/09/2024 07:58

Lợi dụng tinh thần “tương thân tương ái” của người dân đối với đồng bào bị thiên tai, một số đối tượng đã lập fanpage giả, thậm chí mạo danh tổ chức để kêu gọi ủng hộ từ thiện với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo giới chuyên gia, hành vi lừa đảo nêu trên gây ra nhiều hệ lụy xấu cần “mạnh tay” ngăn chặn và trừng trị nghiêm minh.

anh 1 bai duoi
Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi từ thiện, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh.

“Nở rộ” kêu gọi từ thiện trên mạng để lừa đảo

Nằm ở vùng tâm bão càn quét qua, Quảng Ninh phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra. Trong khi chính quyền và người dân oằn mình chống chọi, khắc phục hậu quả bão lũ thì xuất hiện tình trạng các đối tượng xấu kêu gọi từ thiện để lừa đảo.

Theo đó, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh lừa đảo kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ngành chức năng Quảng Ninh cho biết, các đối tượng lừa đảo bằng cách sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Không chỉ ở Quảng Ninh, tại tỉnh Phú Thọ, sau sự cố sập cầu Phong Châu khiến nhiều người mất tích, trên mạng xã hội xuất hiện trang fanpage giả mạo Ủy ban MTTQ huyện Lâm Thao để lừa đảo, bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Đại diện lãnh đạo MTTQ huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã khẳng định thông tin kêu gọi ủng hộ những người bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu trên fanpage là không chính xác.

Tại tỉnh Yên Bái cũng xuất hiện một số cá nhân sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra đăng tin trên trang Zalo, Facebook để lừa đảo bằng cách kêu gọi người hảo tâm gửi đồ ăn, đồ dùng thiết yếu, gửi tiền ủng hộ. Thậm chí, có trường hợp mạo danh, lấy số điện thoại của cán bộ, công chức, giáo viên trên địa bàn để gắn vào nội dung thông tin sai sự thật đăng trên mạng xã hội... Ngành chức năng tỉnh Yên Bái khẳng định đó là những thông tin sai sự thật.

Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) cũng vừa cảnh báo người dân khi tham gia không gian mạng cần cảnh giác với hình thức lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi.

anh 2 bai duoi
Fanpage giả mạo được các đối tượng xấu sử dụng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau vụ sập cầu Phong Châu. Ảnh: Sở TTTT tỉnh Phú Thọ.

Cần xử lý nghiêm minh

Trước sự xuất hiện tràn lan của các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, Cục An toàn thông tin khuyên người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ phòng chống bão lũ, người dân cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng. Đồng thời, theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức, địa chỉ uy tín tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả của bão lũ.

Bộ Công an vừa đưa ra khuyến cáo, hiện nay không chỉ các đối tượng gọi điện kêu gọi quyên góp mà các đối tượng còn tạo các trang giả mạo trên các nền tảng xã hội để kêu gọi từ thiện, người dân phải hết sức tỉnh táo, bảo vệ mình trước các hành vi lừa đảo. Trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Trong trường hợp người có tấm lòng hảo tâm, chia sẻ với những khó khăn của đồng bào trong vùng thiên tai thì nên quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, TS Lưu Hoài Bảo - Trưởng Bộ môn Tội phạm học và Khoa học điều tra tội phạm (Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, hành vi lợi dụng lòng thương người, tinh thần “tương thân tương ái” trong thiên tai, bão lũ để lừa đảo kêu gọi quyên góp từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi xấu cần được xã hội lên án mạnh mẽ.

Các hành vi trên không chỉ gây thiệt hại về mặt tài chính cho những người quyên góp mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của cộng đồng đối với các hoạt động từ thiện chân chính. Đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người đang bị thiệt hại thực tế không nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Hành vi lừa đảo nêu trên cần phải xử phạt nghiêm minh, tuỳ vào mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm để truy cứu trách nhiệm pháp lý phù hợp, khung hình phạt cao nhất có thể áp dụng là phạt tù chung thân.

TS Lưu Hoài Bảo cho rằng, để ngăn chặn hình thức lừa đảo nêu trên, ngoài việc người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và kiểm tra các hoạt động kêu gọi từ thiện, đặc biệt trên nền tảng trực tuyến và mạng xã hội.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng nhấn mạnh, đối với các hành vi lừa đảo từ thiện trong lúc thiên tai, bão lũ thì pháp luật cần “mạnh tay” xử phạt thật nặng để ngăn ngừa hệ lụy.

Theo ông Tuấn, hành vi nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phương thức kêu gọi ủng hộ, từ thiện. Trường hợp số tài sản chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể sẽ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Trường hợp lừa đảo, chiếm đoạt từ 200 triệu đồng trở lên hoặc phạm tội trong trường hợp lợi dụng thiên tai, dịch bệnh... có thể phạt tù từ 7 - 15 năm tù; Trường hợp chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên hoặc phạm tội trong trường hợp lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp... có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác hành vi lừa đảo quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiên tai