Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến cáo người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo, như hỗ trợ để sớm được chủ sử dụng lao động lựa chọn, xuất cảnh nhanh...
Thông tin về chỉ tiêu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc) Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, từ ngày 5/3 đến ngày 6/8/2024, đơn vị này đã phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) tổ chức kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề cho 44.983 người lao động đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.
Trong kỳ tuyển chọn lần này, Hàn Quốc công bố chỉ tiêu tuyển chọn là 15.734 người, trong đó ngành sản xuất chế tạo 11.246 người; ngành xây dựng 200 người; ngành nông nghiệp 895 người; ngư nghiệp 3.033 người.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, việc đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, chỉ là điều kiện cần để gửi hồ sơ giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc, không đảm bảo chắc chắn sẽ được sang Hàn Quốc làm việc.
Do việc bảo mật thông tin, cũng như quy trình tuyển chọn ngẫu nhiên, nên không có cá nhân, tổ chức nào tác động được vào quy trình này.
Người lao động cần cảnh giác trước các hành vi lừa đảo, như hỗ trợ để sớm được chủ sử dụng lao động lựa chọn, xuất cảnh nhanh. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, người lao động cần tiếp tục duy trì công việc và sinh hoạt bình thường, tránh tâm lý chờ đợi, nóng ruột muốn xuất cảnh nhanh, dễ dấn đến bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo.
“Trong giai đoạn cuối năm 2024, Trung tâm sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ gửi hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động trúng tuyển trong kỳ thi vừa qua, để kịp thời giới thiệu chủ sử dụng lao động gia tăng cơ hội được tuyển chọn cho người lao động Việt Nam. Theo thống kê, đến nay đã có 15.367 người lao động trúng tuyển” - Trung tâm lao động ngoài nước thông tin.
Bộ LĐTBXH cho biết, theo thông tin từ phía HRD Korea, từ nay đến cuối năm 2024, phía Hàn Quốc sẽ chưa tổ chức thêm các kỳ thi tiếng Hàn mới. Vì vậy, người lao động có ý định đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cần lưu ý kỹ về quy trình, quy định, và các thông tin đặc thù của Chương trình.
Từ đó cần xây dựng phương án, bố trí thời gian học tiếng Hàn phù hợp. Đặc biệt, cần cẩn trọng trong việc đăng ký học tiếng tại các Trung tâm không có uy tín, đưa ra các thông tin không rõ ràng, thiếu minh bạch về Chương trình EPS như bao đỗ, hỗ trợ xuất cảnh nhanh, thu học phí cao.
Theo Bộ LĐTBXH, năm 2023, Việt Nam đã đưa được hơn 15.000 lao động sang nước này làm việc, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Số lượng lao động Việt Nam hiện đang đứng đầu trong 16 nước đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. 2 năm trở lại đây, thị trường Hàn Quốc thu hút nhiều lao động Việt Nam với trên 15.000 người xuất cảnh mỗi năm. Theo kế hoạch năm 2024, Việt Nam đưa hơn 15.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Những tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc tiếp tục là một trong 3 thị trường tiếp nhận số lao động Việt Nam đi làm việc lớn nhất với hơn 5.500 lao động. Lao động sang Hàn Quốc phần lớn theo chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (Chương trình EPS) và hợp tác lao động kỹ thuật theo thị thực E7, thời hạn làm việc trên 5 năm.
Đây cũng là một trong những thị trường lao động có chi phí xuất cảnh phù hợp và môi trường làm việc khá tốt. Đặc biệt, ngày 1/1/2025 tới đây, Hàn Quốc sẽ áp dụng mức lương tối thiểu tăng thêm 1,7%. Lương tối thiểu giờ vượt 10.000 won/giờ. Mức lương này áp dụng thống nhất trong tất cả doanh nghiệp, không phân biệt loại hình. Với việc tăng lương tối thiểu của Chính phủ Hàn Quốc, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc cũng được hưởng lợi nhờ chính sách này.