Cảnh giác ngộ độc rượu

THANH MAI 13/11/2022 09:46

Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc rượu mạn tính xảy ra với những người nghiện rượu. Ngộ độc cấp tính thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng.

Ngộ độc rượu methanol có thể khiến bệnh nhân hôn mê sâu.

Ngộ độc rượu do hàm lượng methanol cao

Ngày 10/11, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, mới đây bệnh viện đã tiếp nhận một nam bệnh nhân 37 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau chướng bụng, đau ngực, lơ mơ, khó thở, tím tái, nói nhảm sau khi uống rượu. Trước đó, anh dự đám cưới và có uống rượu mít ngâm, không nhớ số lượng, về nhà uống thêm một lon nước tăng lực. Đến tối, anh có các dấu hiệu bất thường, nhập viện cấp cứu. Bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị sốc phản vệ, ngộ độc rượu methanol, phải lọc máu.

Tình trạng ngộ độc rượu được bác sĩ cảnh báo nhiều lần. Trước đó, chiều ngày 7/11, sau khi dự đám tang tại ấp Ba Biển, xã Nam Yên, huyện An Biên (Kiên Giang), có 14 người nghi ngộ độc rượu methanol phải nhập viện điều trị. Trong đó, có 5 người bị nặng được chuyển từ Trung tâm y tế huyện An Biên lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp cứu điều trị. Trong số này, có 3 người trong tình trạng nguy kịch, bị tụt huyết áp, hôn mê sâu và phải thở máy, sử dụng thuốc vận mạch. Ngày 9/11, 2 trong số 5 bệnh nhân ngộ độc nặng đã không qua khỏi.

Theo BS Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, những bệnh nhân này được Trung tâm Y tế huyện An Biên chuyển đến với các biểu hiện ngộ độc methanol - cồn công nghiệp.

Rượu có methanol nguy hiểm như thế nào?

Báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho thấy: Rượu trắng là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc rượu cao nhất với 42,9%, rượu ngâm thuốc là 36%, rượu ngâm củ ấu là 16%, rượu ngâm động vật (ong đất, tắc kè, mật lợn) là 10,7%... Trong 1 “đơn vị rượu” thường có từ 8-14g rượu nguyên chất. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml từ 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml từ 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị/ngày được coi là lạm dụng rượu. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định trong thực tế không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả đối với sức khỏe nhất định.

BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) khuyến cáo, methanol là cồn công nghiệp có độc tính rất cao. Methanol dung nạp trong cơ thể được chuyển hóa thành formaldehyde và formic acid, gây toan chuyển hóa máu (tăng acid máu), tổn thương đa cơ quan như não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác, gan, thận... Người ngộ độc methanol có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, ý thức lơ mơ, mù hoặc mù vĩnh viễn, hôn mê sâu, suy đa tạng (suy thận, suy gan...), thậm chí tử vong.

Những người gầy yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, người mắc bệnh tim mạch, thận, bệnh về hô hấp... không nên sử dụng rượu bia. Nếu buộc phải uống, nên uống ít nhất có thể và nên uống sau khi ăn. Sau khi uống, nếu vẫn tỉnh và nhận biết được, cần ăn uống thêm thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng. Không tự ý ngâm rượu khi không biết rõ thành phần.

Cũng theo BS Nguyễn Trung Nguyên, rượu chứa cồn công nghiệp nguy hiểm bởi khởi đầu loại này có tác dụng tương tự như rượu thông thường (sản xuất từ cồn thực phẩm ethanol) nhưng khi vào cơ thể, cồn này được chuyển hóa trở thành các axit gây tổn thương các tế bào đặc biệt là ở mắt, não hay hoại tử các tế bào não, tế bào thần kinh thị giác ở mắt nên gây mù vĩnh viễn. Khi có biểu hiện ngộ độc với các triệu chứng như mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê thì đã nặng. Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống. Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau.

Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua. Về hệ thần kinh, lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.

Khi mới bị ngộ độc, người bệnh lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, đau mắt, song thị, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Đồng tử giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu.

Khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu cao và tư thế nghiêng an toàn. Nếu bệnh nhân không tỉnh, ứ đọng hầu họng nhiều, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật... thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiên an toàn sau đó nhanh chóng gọi người đến hỗ trợ, gọi xe cấp cứu tới xử lý và đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác ngộ độc rượu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO