Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, người dân cũng cần cảnh giác với nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong mùa mưa lũ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cao điểm mùa mưa bão năm nay ở Trung Bộ là tháng 10, 11 và có thể kéo dài đến tháng 12. Dù không hứng chịu liên tiếp 4-5 cơn bão trong một tháng như năm 2020, miền Trung vẫn có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn nối nhau vào Biển Đông trong thời gian tới.
Ngoài nỗi lo mất mát về người, tài sản do sự tàn phá của bão lũ, sức khỏe người dân cũng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề do các dịch bệnh sau mùa mưa lũ.
Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, đầu tiên là việc môi trường bị ô nhiễm nặng nề sau bão lũ bởi xác động, thực vật bị phân hủy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh.
Úng ngập khiến nước tràn khắp nơi, đặc biệt nước từ các hố ga, nhà vệ sinh công cộng, khu vực chứa nước thải sinh hoạt, hóa chất, dầu xăng, nước thải từ các khu công nghiệp và những dòng nước bẩn này mang hàng tỷ mầm bệnh “trộn” vào các bể nước ăn, bể tắm, nhà cửa, khu vực công cộng… Ngoài ra còn có thuốc trừ sâu, diệt cỏ từ những khu vực canh tác sẽ phát tán ra môi trường. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi đột ngột, điều kiện sinh hoạt bị đảo lộn, thiếu nước sạch để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, quần áo, giường chiếu không được khô ráo… cũng góp phần phát sinh bệnh tật.
Sau bão lũ, có hai nhóm bệnh lớn dễ bùng phát trong các khu vực dân cư. Thứ nhất là nhóm bệnh phát sinh trực tiếp từ các nguồn bệnh trong vùng bão lũ. Bao gồm một số bệnh da liễu như nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân (dân gian gọi là “nước ăn chân”); mẩn ngứa; viêm da…Tiếp theo là các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn. Viêm gan virus A, E, một số các bệnh như đau mắt đỏ, viêm tai giữa nhiễm khuẩn… cũng dễ xảy ra trong các khu vực bị ngập lụt.
Thứ hai là nhóm các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát sinh mạnh sau bão lũ. Đây là các bệnh rất dễ lây và bùng phát dịch trên diện rộng. Điển hình trong số này là bệnh sốt xuất huyết, sốt do virus thường và sốt rét. Nguồn nước tù đọng, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và virus sinh sôi nảy nở chính là nguyên nhân gây bệnh cho người.
Đặc biệt, với tình trạng dịch Covid-19 đang diễn ra trên diện rộng, các triệu chứng của sốt xuất huyết có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19. Nhiều người cho rằng mình bị nhiễm Covid-19 sau khi nhận thấy các triệu chứng như sốt cao và đau đầu. Tại Ấn Độ, đã có báo cáo chẩn đoán sai đến từ các bệnh viện cấp ba của thành phố Hyderabad liên quan đến việc nhầm sốt liên tục do Covid-19 thay vì sốt xuất huyết.
Những ngày mưa kéo dài cũng rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị. Đặc biệt hơn, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, khi mọi người ở cùng nhau trong những nơi trú ẩn với các nhóm người đông khiến mầm bệnh có thể dễ dàng lây lan.
Ở một góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - chuyên gia tâm lý tại Viện Tâm lý Việt Pháp cho rằng, ngoài những mối nguy hiểm hiện hữu lên sức khỏe thể chất, mưa lũ và thảm họa thiên nhiên còn ảnh hưởng xấu lên sức khỏe tinh thần. Cơn bão và lũ lụt tạo thêm sự lo lắng, trầm cảm và căng thẳng. Cơn bão và lũ lụt có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần hiện có hoặc dẫn đến phát sinh những vấn đề rối loạn thần kinh mới.
Hiện tại, người dân đã quá căng thẳng do dịch Covid-19, lại thêm căng thẳng do mùa bão lũ đến càng dễ bộc lộ các rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, lo lắng hoặc buồn phiền... Một số người có thể phát triển các vấn đề liên quan đến những rối loạn tâm thần do căng thẳng kéo dài.
Theo các chuyên gia y tế, người dân vùng thiên tai cần lưu ý chuẩn bị trước những vật dụng cần thiết như khẩu trang, nước rửa tay, đồ ăn, khăn lau khử trùng, nhiệt kế…; theo dõi chặt chẽ thời tiết và nắm rõ các địa điểm tránh trú an toàn khi thiên tai xảy ra theo chỉ đạo của chính quyền các cấp.
Bình tĩnh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng khi thiên tai xảy ra trong khu vực cách ly có ca lây nhiễm Covid-19.
Dọn dẹp vệ sinh môi trường trước và sau khi thiên tai xảy ra tránh bùng phát dịch bệnh khác. Luôn chấp hành đầy đủ khuyến cáo 5K của ngành y tế lúc di chuyển và tại nơi sơ tán.