Không chỉ Covid-19, nhiều dịch bệnh đang lưu hành với độc lực cao cũng có nguy cơ bùng phát ở thời điểm hiện tại, nếu không được tích cực phòng chống.
Nỗi lo sốt xuất huyết
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho hay, thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 200 ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tới nay, dịch bệnh không chỉ tại các quận, huyện ngoại thành mà đã len lỏi vào các khu vực trung tâm như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm… Gần đây nhất, quận Ba Đình ghi nhận 2 trường hợp mắc sốt xuất huyết là thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT.
Thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính,…
Điều đáng nói, theo chu kỳ bùng phát 4 năm 1 lần của dịch sốt xuất huyết, năm 2021 nằm trên điểm rơi này và được nhiều chuyên gia dự báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số triệu chứng của người mắc sốt xuất huyết rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như: sốt, đau mỏi cơ dẫn đến việc người dân lo lắng không tới cơ sở y tế để thăm khám, hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19 dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Cần lưu ý, khoảng 5% bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ có biểu hiện nặng và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
GS.TS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, nguy cơ dịch chồng dịch hoàn toàn có thể xảy ra nếu sốt xuất huyết quay lại đúng theo chu kỳ được dự báo. Điều này rất nguy hiểm bởi so với những lần trước, hiện nay, nhiều cơ sở y tế đang phải phong toả để phòng chống dịch Covid-19, áp lực của hệ thống y tế đã lớn sẽ còn lớn hơn.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Nguy cơ từ viêm não Nhật Bản
Một trong những dịch bệnh nguy hiểm đang trong mùa cao điểm, đó là Viêm não Nhật Bản. Đây là căn bệnh diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi. Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, tính từ đầu tháng 5 đến nay, Trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản. Không may mắn, trong số các bệnh nhi đã và đang điều trị có khoảng 70% số trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề của bệnh.
Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi.
Viêm não Nhật bản là bệnh nặng, có thể diễn biến rất nhanh, tỷ lệ tử vong và di chứng cao do đó nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như sốt, đau đầu, buồn nôn, đặc biệt với trẻ có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng về sau.
Ngoài những dịch bệnh nói trên, trong những tháng hè, các dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm gia cầm…cũng đều có nguy cơ bùng phát.
BS.Vũ Minh Điển, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, sốt xuất huyết, cúm gia cầm, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản là những dịch bệnh có virus mang độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh và vẫn đang lưu hành, chúng ta không được phép chủ quan.
“Nếu chỉ mải phòng chống dịch Covid-19 mà bỏ quên các nguy cơ căn nguyên bệnh khác, tình trạng dịch chồng dịch hoàn toàn có thể xảy ra”, BS Vũ Minh Điển khuyến cáo.