Nếu smartphone xuất hiện một trong các dấu hiệu dưới đây, rất có thể thiết bị của bạn đã bị nhiễm mã độc và đang bị tin tặc theo dõi, lấy cắp thông tin từ xa.
So với nền tảng iOS của Apple, nền tảng Android của Google bị đánh giá là kém an toàn hơn khi tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật hơn và thường xuyên là mục tiêu nhắm đến của các tin tặc, các loại mã độc và ứng dụng gián điệp.
Một lý do khiến tin tặc nhắm đến nền tảng Android nhiều hơn iOS vì sự phổ biến của nền tảng này, khi Android vẫn đang là nền tảng di động có lượng người dùng nhiều nhất thế giới.
Vậy làm cách nào để tự bảo vệ mình trước sự xâm nhập của các loại mã độc và ứng dụng gián điệp? Và làm sao để có thể nhận diện nếu thiết bị đã bị lây nhiễm mã độc hay chưa?
Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn có thể nhận diện smartphone có đang bị nhiễm mã độc và ứng dụng gián điệp hay không, từ đó đưa ra những phản ứng phù hợp giúp bảo vệ các dữ liệu riêng tư và cá nhân của mình.
Những dấu hiệu cho thấy smartphone có thể đã bị nhiễm mã độc và ứng dụng gián điệp
Nếu mắc phải một trong những dấu hiệu dưới đây, rất có thể thiết bị chạy Android của bạn đã bị nhiễm mã độc hoặc các ứng dụng gián điệp:
Thiết bị hoạt động ngày càng chậm và ì ạch, dù không nâng cấp phiên bản Android: các loại mã độc và ứng dụng gián điệp thường chạy ngầm trên thiết bị, do vậy, nếu các ứng dụng gián điệp đã xâm nhập vào bên trong hệ thống sẽ chiếm một khoản không nhỏ tài nguyên hệ thống (CPU, bộ nhớ RAM...) để các ứng dụng này chạy ngầm liên tục nhằm theo dõi người dùng.
Trong trường hợp cảm thấy smartphone trở nên ngày càng chậm và ì ạch, dù bạn không hề nâng cấp phiên bản Android mới, hoặc ngay cả khi đã tiến hành gỡ bỏ một vài ứng dụng nhưng vẫn không cải thiện được thì có thể nghĩ đến khả năng thiết bị của mình đã bị nhiễm phần mềm gián điệp.
Pin thường xuyên tụt nhanh dù ít sử dụng: ngoài việc khiến smartphone hoạt động ì ạch vì chiếm dụng CPU và RAM, các tiến trình hoạt động ngầm của mã độc cũng sẽ khiến pin trên smartphone tụt nhanh hơn.
Người dùng nên truy cập vào mục "Quản lý pin" trên thiết bị Android để biết chi tiết những ứng dụng nào sử dụng nhiều pin nhất. Nếu đó là một ứng dụng khả nghi, bạn nên nhanh chóng gỡ bỏ ra khỏi thiết bị.
Trong nhiều trường hợp, pin trên smartphone bị sụt nhanh có thể do pin đã bị chai sau một thời gian dài sử dụng. Để loại trừ khả năng pin tụt nhanh do bị chai, bạn đọc có thể nhờ đến ứng dụng AccuBattery. Đây là ứng dụng quản lý pin hữu ích, cho phép hiển thị tình trạng pin (tốt, xấu) cũng như mức độ chai của pin trên các thiết bị di động. Ngoài ra, ứng dụng còn có các chức năng quan trọng như quản lý quá trình sử dụng pin trên thiết bị, mức độ tiêu thụ pin chi tiết của từng ứng dụng…
Ứng dụng tương thích với nền tảng Android 5.0 trở lên, bạn có thể tìm và tải AccuBattery từ kho ứng dụng Google Play...
- Tự động nhận/gửi dữ liệu khi có kết nối Internet: nếu thiết bị có kết nối Internet, cho dù bạn không sử dụng bất kỳ ứng dụng kết nối Internet nào (duyệt web, xem video trên Youtube hay sử dụng Facebook...) cũng như không có quá trình nâng cấp nào trên thiết bị, mà vẫn có dữ liệu được gửi/nhận trên thiết bị, thì rất có thể thiết bị chạy Android đã dính phải ứng dụng gián điệp và các ứng dụng này đang gửi/nhận dữ liệu bí ẩn từ bên ngoài mà người dùng không hay biết.
Để biết được thiết bị có đang nhận/gửi dữ liệu trên Internet hay không, bạn có thể nhờ đến ứng dụng Internet Speed Meter.
Đây là ứng dụng vừa cho phép quản lý tổng dung lượng sử dụng Internet (qua mạng Wifi hay 4G), vừa cho phép hiển thị tốc độ kết nối mạng hiện tại (tốc độ download/upload), dựa vào đó cho phép người dùng được biết thiết bị chạy Android có đang tự động gửi/nhận dữ liệu từ Internet hay không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ đến một ứng dụng khác với tên gọi Network Connections. Đây là ứng dụng nhỏ gọn và miễn phí, cho phép theo dõi được những tiến trình nào đang hoạt động trên Android có kết nối với máy chủ bên ngoài và có tiến trình nào bí mật gửi thông tin ra bên ngoài hay không. Dựa vào thông tin này sẽ giúp người dùng xác định được có ứng dụng gián điệp nào đang âm thầm hoạt động và gửi thông tin ra bên ngoài trên smartphone chạy Android của mình hay không.
Ứng dụng hiện tương thích với nền tảng Android 4.1 trở lên, người dùng có thể download ứng dụng về máy.
Giao diện chính của Network Connection sẽ hiển thị toàn bộ danh sách những tiến trình đang có kết nối Internet và địa chỉ IP của máy chủ mà các tiến trình đó đang kết nối đến. Nếu tại đây xuất hiện một tiến trình có kết nối Internet nhưng không rõ đến từ ứng dụng nào thì người dùng nên kiểm tra chi tiết địa chỉ IP của máy chủ mà tiến trình đang kết nối ra bên ngoài.
Trang web đôi khi tự động chuyển hướng: đây không phải là một dấu hiệu thường xuyên diễn ra, nhưng nếu nhận thấy có hiện tượng trình duyệt web tự động mở hoặc chuyển sang các trang web lạ thì nhiều khả năng smartphone đã bị nhiễm mã độc.
Thậm chí nhiều trường hợp người dùng bị chuyển hướng đến các trang web giả mạo để lấy cắp thông tin đăng nhập tài khoản email hay mạng xã hội... do vậy bạn phải cân nhắc và quan sát kỹ các trang web bị chuyển hướng đến để tránh bị đánh lừa.
Xuất hiện các quảng cáo toàn màn hình: nếu smartphone của bạn đôi khi xuất hiện các nội dung quảng cáo trên toàn màn hình, che lấp cả màn hình chính, dù bạn đang không chạy ứng dụng nào, thì rất có thể smartphone đã bị nhiễm mã độc quảng cáo (adware).
Loại mã độc này có thể không nguy hiểm như các loại mã độc gián điệp, nhưng gây ra nhiều phiền toái cho người dùng và được tin tặc sử dụng để lợi dụng người dùng nhằm kiếm tiền bất chính từ các nội dung quảng cáo.
Làm gì khi smartphone xuất hiện các dấu hiệu nhiễm ứng dụng độc hại?
Nếu phát hiện thiết bị có những dấu hiệu khả nghi đã bị nhiễm ứng dụng gián điệp, việc đầu tiên bạn nên cài đặt và sử dụng một ứng dụng bảo mật dành cho nền tảng Android để quét và kiểm tra thiết bị của mình. Một trong số các ứng dụng bảo mật được khuyến khích sử dụng là Bitdefender Antivirus Free của hãng bảo mật danh tiếng Bitdefender.
Mỗi khi người dùng cài đặt một ứng dụng mới vào thiết bị, BitDefender Antivirus sẽ tự động kiểm tra xem ứng dụng vừa cài đặt có "sạch" hay không trước khi cho phép hoạt động. Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng BitDefender Antivirus để quét toàn bộ thiết bị để kiểm tra sự hiện diện của mã độc sẵn có trên hệ thống trước đó.
Bạn đọc có thể tìm và tải Bitdefender Antivirus Free trên kho ứng dụng CH Play, hoặc download ứng dụng về máy (tương thích Android 3.0 trở lên).
Giải pháp an toàn và hiệu quả nhất để làm sạch mã độc trên smartphone đó là khôi phục lại thiết bị về trạng thái nguyên gốc (Khôi phục cài đặt của nhà sản xuất) để đưa thiết bị về trạng thái như khi mới xuất xưởng, điều này giúp xóa sạch những ứng dụng (trong đó có ứng dụng độc hại) đã xâm nhập vào hệ thống.
Tuy nhiên, để thực hiện điều này, người dùng cần phải sao lưu toàn bộ dữ liệu trên thiết bị của mình. Lưu ý rằng bạn chỉ sao lưu các dữ liệu như hình ảnh, danh bạ, tin nhắn... tuyệt đối không sao lưu các ứng dụng đã cài đặt trước đó, bởi lẽ nếu sao lưu cả ứng dụng, điều này sẽ vô tình lưu luôn cả ứng dụng độc hại, quá trình khôi phục trạng thái thiết bị sẽ xem như không có tác dụng.