Rét đậm, rét hại tại Lào Cai, Nghệ An với nhiệt độ phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi xuống thấp hơn 0 độ C; trong khi sóng biển và gió mạnh gây nhiều thiệt hại tại Kiên Giang, Phú Quốc.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại các địa phương, tính đến 8h ngày 20/12, rét đậm, rét hại và sóng lớn trên biển đã gây thiệt hại tại nhiều địa phương.
Tại Lào Cai, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng biến tính khiến nhiệt độ giảm sâu. Đặc biệt, sau băng giá, thị xã Sa Pa đã xuất hiện sương muối với cường độ mạnh, phủ trắng núi rừng.
Khu vực đỉnh Fansipan, do trời quang mây, ban đêm bức xạ nhiệt mặt đất lớn gây nhiệt độ giảm sâu xuống dưới 0 độ C. Lớp không khí ở sát đất bị lạnh đi nhanh chóng ngưng kết lại tạo thành sương muối. Sương muối xảy ra với cường độ mạnh, phủ trắng cây cỏ, đường đi và cây rừng. Đây là đợt sương muối thứ hai xuất hiện tại đỉnh Fansipan từ đầu tháng 11/2022 đến nay.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân các khu vực vùng núi trong toàn tỉnh Lào Cai, đặc biệt tại nơi có độ cao từ 2.000 m trở lên so với mực nước biển cần đề phòng băng giá, sương muối xuất hiện gây hại.
Tỉnh Nghệ An đang xảy ra rét đậm, rét hại diện rộng với nhiệt độ phổ biến từ 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi xuống thấp hơn 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại lớn nhất trong vòng 2 năm qua tại địa phương.
Tại xã Na Ngoi (huyện miền núi Kỳ Sơn) đã xuất hiện băng tuyết phủ trắng cây cối và mái nhà. Các ngành, địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại diện rộng và kéo dài; trong đó chú trọng thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh.
Từ đêm 17/12 đến trưa 19/12, tỉnh Kiên Giang đã chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc mạnh, một số địa phương xuất hiện gió to, sóng lớn trên biển, gây nhiều thiệt hại về tài sản. Ước tính ban đầu, tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 3,8 tỷ đồng.
Tại thành phố Phú Quốc, gió mạnh làm sập 9 căn nhà, tốc mái 40 căn, đổ ngã 550 bụi tiêu, một số cây ăn trái như sầu riêng, ổi, xoài, vú sữa... Gió mạnh làm tốc mái một số nhà dân ở hai huyện Kiên Hải và Kiên Lương. Trong đó, tại huyện Kiên Hải, gió mạnh kết hợp sóng lớn làm chìm hai tàu cá, hai xuồng câu mực và sạt lở 35 m đất ven biển; gây vỡ nhiều cửa kính tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hải.
Lãnh đạo các huyện, thành phố của tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại do thiên tai đã trực tiếp xuống hiện trường, bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân và chỉ đạo thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Hiện các huyện, thành phố đã tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân; đồng thời huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại chỗ để giúp dân khắc phục hậu quả.
Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc từ chiều 17/12 đến sáng 18/12, hàng nghìn chậu hoa cúc chuẩn bị bán cho vụ Tết của nhiều nhà vườn trên địa bàn thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) bị ngã đổ.
Tại nhà vườn của hộ ông H.V.P (Phường 9, thành phố Tuy Hòa), nhiều chậu hoa cúc có chiều cao hơn 1m được trồng trong các chậu lớn có đường khoảng 0,5m bị ngã đổ nằm sát đất. Ông P cho biết vụ Tết năm nay gia đình trồng 700 chậu hoa cúc nhưng gió mạnh từ tối 17/12 đến sáng 18/12 đã làm ngã đổ gần như toàn bộ số chậu hoa.
Gió mạnh cũng làm thiệt hại 7ha hoa màu, 54 cây xanh bị ngã đổ, 330m3 kênh mương trên địa bàn thành phố Tuy Hòa bị sập, hư hỏng. Phòng Kinh tế thành phố đang kiểm tra, rà soát và thống kê thiệt hại, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả.
Tại tỉnh Gia Lai, từ ngày 17/12 đến 19/12, gió lốc đã làm 16 nhà bị tốc mái, 1 trường học bị tốc mái.
Để chủ động ứng phó với rét hại, băng giá, sương muối, mưa lớn, gió mạnh, sóng lớn trên biển nhằm giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Trung Bộ; các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo chủ động theo dõi sát diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền và nhân dân; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh; tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt trong tình huống cần thiết để đảm bảo an toàn; hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản; che phủ, che chắn, tưới nước, bón phân, giữ ẩm đối với sản xuất lúa, rau màu, cây cảnh, cây lâu năm.
Các địa phương rà soát, điều điều chỉnh lịch gieo mạ, gieo sạ vào thời điểm rét đậm, rét hại; chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách vãng lai, khách du lịch, tăng cường cảnh báo trên các tuyến đường có khả năng xảy ra băng giá, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; tổ chức các đoàn công tác chuyên môn xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh.
Thông tấn xã Việt Nam Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, và các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của rét đậm, rét hại và gió mạnh, sóng lớn trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.