Nghiên cứu cho thấy, bản thân con ốc sên có thể sử dụng làm dinh dưỡng do có các thành phần dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nhưng đó phải là ốc sên được nuôi và kiểm soát môi trường sống. Ốc sên sống ngoài tự nhiên có rất nhiều ký sinh trùng nguy hiểm bám vào.
Viêm màng não vì ăn ốc sên
Vừa qua, chỉ vì một phút cao hứng, anh N.T.K. (26 tuổi, ở Bạc Liêu) đã phải tới Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Trước đó, trong một bữa nhậu, các bạn nhậu đã thách đố anh K nuốt thử ốc sên sống.
Người nhà đã phải đưa anh đến bệnh viện cấp cứu khi anh đã lên cơn sốt cao, người lừ đừ và đau nhức cơ toàn thân. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh mắc bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm kí sinh trùng. Những ca bệnh tương tự do ăn ốc sên không đúng cách cũng đã từng xảy ra.
TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, ốc sên chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có thể là một món ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, để có thể trở thành thực phẩm, ốc sên phải được nuôi trong môi trường đảm bảo. Bản thân ốc sên không có độc nhưng chúng thường ăn cỏ cây. Do đó, chúng là ký chủ của nhiều loại ký sinh trùng gây bệnh, truyền ấu trùng giun sán cho người ăn.
“Chúng là loài ăn tạp, có thể ăn bất cứ thứ gì chúng gặp được nên có thể chúng ăn cả nấm độc, cây độc, hay thậm chí là rau quả vừa mới phun thuốc trừ sâu chúng cũng có thể ăn. Khi đó, ốc sên sẽ là trung gian truyền bệnh cho con người nếu sử dụng làm thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống.
Ốc sên không phải là món dễ ăn với nhiều người, đó là chưa kể một số người có cơ địa nhạy cảm. Khi ăn ốc sên nhiễm ấu trùng sáng sẽ dễ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, hơn nữa có thể gây tổn thương gan, xuất huyết bàng quang, thậm chí gây tử vong.
Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, các loại ốc nói chung đều dễ nhiễm ký sinh trùng do chúng sống trong môi trường ẩm ướt, ăn tạp, lại có lớp vỏ cứng, dễ trở thành nơi làm tổ của ký sinh trùng. Các ấu trùng giun sán ký sinh trên ốc sên nếu không được xử lý sẽ vào đường tiêu hóa, theo máu đến các cơ quan gây nên viêm não.
Loại bỏ ký sinh trùng trong ốc, ngêu, sò
Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn , nếu có nhu cầu ăn thịt ốc sên thì chỉ nên ăn phần thịt của ốc sên, bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa của chúng và tuyệt đối không ăn ốc sên được chế biến ở dạng sống hoặc chín tái để tránh bị nhiễm ký sinh trùng.
Ngày xưa người ta thường bắt ốc sên nấu cám nuôi lợn do ôc sên có nhiều dinh dưỡng. Ốc sên chỉ mới được sử dụng làm thực phẩm thời gian gần đây. Tuy là món ăn bổ dưỡng nhưng ốc sên chứa nhiều nguy cơ nhiễm độc nếu không kiểm soát được môi trường sống của chúng.
Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, tất cả những sinh vật sống dưới nước (nghêu, sò, ốc, hến, cá…) đều có thể bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn, vi sinh vật chứ không riêng gì ốc sên. Nghêu, sò, ốc còn là vật chủ trung gian của hàng loạt các loại nang sán, ấu trùng, ký sinh trùng: vi khuẩn tả, lỵ, thương hàn, amip, Coliforms, E.coli…; các loại ký sinh trùng, ấu trùng của các loại giun, sán…
Do đó, nếu không chế biến đúng cách thì nghêu, sò, ốc sẽ là nguồn lây nhiễm rất nhiều bệnh nguy hiểm cho sức khỏe: sán lá gan/lá phổi gây viêm, áp xe gan phổi, viêm não, màng não
“Tuy khuẩn tả, E.coli sẽ bị chết ở nhiệt độ khoảng 70 độ C, nhưng nếu thời gian nấu không đủ lâu (dưới mười phút) thì vi khuẩn ở dạng bào tử vẫn lưu lại và sống trong thực phẩm, sẽ phát triển và gây bệnh khi vào cơ thể con người.
Với những loại nang sán, ấu trùng, ký sinh trùng thì càng khó chết hơn, đặc biệt khi chúng ở dạng bào tử. Do đó, không ăn các món ốc còn sống, gỏi ốc mà phải nấu chín, sơ chế đúng cách. Đối với ốc sên thì đặc biệt chỉ ăn loại ốc được nuôi trong môi trường được kiểm soát”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.