Thời gian gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện trở lại, tấn công người dân tại nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên… Trong vòng một tháng qua, khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 3 em bé dưới 5 tuổi bị rắn độc cắn.
Theo các bác sĩ khoa Nhi BV Bạch Mai, các bé ở tầm tuổi 3-4, nhỏ nhất là 2 tuổi, nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, vết cắn ở mu bàn chân hoặc bắp cẳng chân sưng nề bầm tím. Các cháu bị rắn cắn khi đang chơi quanh sân nhà, gần bụi cỏ.
Một gia đình khi đưa con đến viện cấp cứu còn mang theo một con rắn lục đuôi đỏ là thủ phạm đã cắn bé để các bác sĩ có thể nhận định tình hình. Trẻ được truyền huyết thanh kháng nọc rắn. Rất may các bé được đưa đi viện kịp thời nên chỉ sau một tuần điều trị đã có thể xuất viện.
Để phòng ngừa rắn cắn, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, gạch vụn, đống đổ nát… Đây thường là những nơi cư trú của rắn.
Đa số bệnh nhân thường bị cắn vào tay, chân trong quá trình lao động. Vài phút sau khi bị rắn tấn công, vết cắn sẽ sưng nề nhanh, máu chảy liên tục không tự cầm được, đau nhức nhiều. 6 giờ sau phần tổn thương sưng nề lan rộng từ vết cắn có thể đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, đau nhức, tím, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ… Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu, thậm chí sốc phản vệ do nọc rắn.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn, không nên buộc ga-ro (buộc quá chặt) mà chỉ băng ép. Cần sớm rửa vết thương, cởi bỏ đồ trang sức ở chi bị cắn tránh gây chèn ép khi chi sưng nề, chú ý không để nạn nhân tự đi lại, bất động chi bị rắn cắn bằng nẹp.
Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, không chích rạch tại vết thương, nặn hút máu tại vết cắn để loại trừ bớt nọc độc… Sau đó, nạn nhân cần nhanh chóng tới bệnh viện để điều trị.
Để phòng rắn cắn, người dân cần phát quang bờ cây bụi rậm quanh nhà, không bắc giàn hoa, dây leo… ở sân trước nhà. Trồng sả hoặc rắc bột lưu huỳnh quanh nhà là những biện pháp xua đuổi rắn nên áp dụng, nhất là ở những vùng có nhiều rắn. Khi vào rừng hoặc những nơi nghi có rắn lục phải đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài, đi giày cao cổ và nên khua gậy xua đuổi rắn.
Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng giao Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai tổ chức tập huấn, đào tạo về lý thuyết và lâm sàng cho cán bộ y tế tại các tỉnh có nhu cầu; đồng thời tiếp tục nghiên cứu cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho người bệnh do từng loại rắn độc cắn.
Việt Nam là một trong những nước có nhiều loại rắn độc cắn người có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng và kịp thời. Trong việc điều trị rắn độc cắn, huyết thanh kháng độc nọc rắn góp phần rất quan trọng. Hiện nay Viện Văcxin và Sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được, trong đó có huyết thanh kháng độc nọc rắn lục đuôi đỏ.