Trên nhiều diễn đàn xã hội, nhiều người công khai bày tỏ thái độ không tôn trọng thậm chí là căm ghét cảnh sát giao thông.
Khi xảy ra bất kỳ sự cố nào trên đường thì CSGT là người đầu tiên có mặt.
Lý do họ ghét là vì trong mắt họ lực lượng CSGT có quá nhiều tiêu cực, sách nhiễu, vòi vĩnh ăn tiền của người vi phạm giao thông… và gọi CSGT với những cái tên rất mỉa mai, thiếu tôn trọng.
CSGT là một nghề. Và cũng như bao nghề khác trong xã hội, con người trong ngành nghề ấy cũng có người thế này, người thế kia, người tốt, người chưa tốt. Nhưng với lực lượng vũ trang, xã hội đòi hỏi những chuẩn mực khắt khe hơn, bởi họ là những người đại diện cho việc hành pháp.
Việc thời gian qua nhiều người ác cảm với cảnh sát giao thông cũng có lý do riêng của họ. Nhưng cũng nên công bằng trong cách nhìn nhận, đánh giá về những CSGT.
Trước hết có thể khẳng định, CSGT là một nghề nặng nhọc và nguy hiểm. Vì đặc thù công việc, dù trời mưa hay trời nắng, khi gặp những tình huống hiểm nguy hay sự cố trên đường CSGT luôn là những người đầu tiên có mặt. Trong số họ, rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ những người qua đường mà không đắn đo suy nghĩ hay mong chờ có một ngày được trả ơn.
Chắc hẳn người dân Hà Nội vẫn còn nhớ CSGT - thượng tá Lê Đức Đoàn - công dân thủ đô ưu tú – làm nhiệm vụ ở cầu Chương Dương. Ông đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp với những người tham gia giao thông, đặc biệt là các tài xế. Khi ông nghỉ hưu, nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối vì hàng ngày đi qua đây không còn nhìn thấy bóng dáng ông giữa dòng người, dòng xe cộ mà vẫn tươi rói nụ cười.
Những ngày nắng đổ lửa vừa qua ở Hà Nội, chỉ có ai không đừng được mới ra đường, phần lớn ngồi trong phòng máy lạnh, nhưng các chiến sĩ CSGT vẫn miệt mài thi hành công vụ tại các chốt, điểm, điều hành giao thông. Nếu đó là người thân của bạn, bạn sẽ thấy như thế nào?
Nhiều người bức xúc vì bị CSGT xử phạt, hay hạch sách. Nhưng "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", hãy một lần nhìn lại ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của mình xem đã thực sự nghiêm túc hay chưa?
Ra đường, nếu bạn là người có ý thức tuân thủ pháp luật thì dù cảnh sát giao thông có muốn cũng không “dám” gây sự với bạn. Nếu như 10 người ra đường mà cả 10 người đều có tự trọng, chấp hành tốt luật lệ giao thông; người vi phạm không còn hành động quay đầu xe bỏ chạy khi thấy cảnh sát giao thông gây nguy hiểm cho người đi đường, thì sẽ không còn hình ảnh cảnh sát giao thông “núp” ở đâu đó hay đu bám theo xe vi phạm rất nguy hiểm.
Cũng có những người so sánh cảnh sát giao thông nước mình với các nước khác trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp… Nhưng hãy một lần nhìn lại xem ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam bằng bao nhiêu phần trăm so với các nước đó.
Chuyện thường thấy nhất, cứ khi nào có bóng dáng CSGT thì người tham gia giao thông mới có ý thức chấp hành. Còn nhiều khi, đường hơi đông một chút là “mạnh ai người ấy chạy”, gây nên cảnh hỗn loạn, ùn tắc không lối thoát. Có những vụ ùn tắc giao thông, cảnh sát giao thông vật lộn hàng giờ mới giải tỏa được. Tất cả vẫn là từ ý thức người tham gia giao thông.
Thậm chí, hình ảnh thường thấy, có khi 4-5 chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ ở một chốt nhưng nhiều người vẫn không đội mũ bảo hiểm, thản nhiên vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu… Vào giờ cao điểm, ý thức giao thông của nhiều người còn trở nên tệ hại, vì họ biết rằng thời điểm đó, CSGT chỉ tập trung vào nhiệm vụ điều tiết, phân làn để tránh ùn tắc chứ không ai dừng người vi phạm lại để xử phạt.
Điều dễ thấy, từ khi đưa hình thức phạt “nguội” đối với người lái xe ô tô bằng việc sử dụng hình ảnh từ camera giao thông, ý thức của nhiều lái xe được nâng lên hẳn. Họ bảo, CSGT bắt còn xin được chứ camera ghi lại hình ảnh thì chỉ có nước phải nộp phạt.
Là người tôn trọng pháp luật, có tự trọng, bạn ghét người vi phạm giao thông hay ghét cảnh sát giao thông?