Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học tới từ Italy, Thụy Sĩ và Đức đã chế tạo thành công cánh tay nhân tạo giúp người bệnh có được cảm giác khi tiếp xúc một vật.
Người được đeo cánh tay robot có thể phân biệt được sự cứng hay mềm của một vật thể. |
Với công nghệ này, các nhà khoa học sử dụng các cảm biến ở đầu các ngón tay để tiếp nhận thông tin khi sờ chạm vật, rồi dùng một máy tính gắn bên trong để chuyển đổi chúng thành ngôn ngữ mà não có thể hiểu được và đưa vào cơ thể người qua các điện cực.
Công nghệ xúc giác nhân tạo này đã được phát triển từ năm 2014, nhưng vào thời điểm đó, các thiết bị bổ trợ còn quá lớn về kích cỡ, khiến cánh tay không thể bảo đảm được tính di dộng hay thậm chí không thể mang đi ra khỏi phòng thí nghiệm.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy người bệnh có thể phân biệt được sự cứng hay mềm của một vật thể đúng đến 78% trong buổi thử nghiệm. Ngoài ra, người bệnh có thể mô tả chính xác kích thước và hình dạng của vật thể đúng đến 88%. Người được lắp tay giả cũng có thể làm được những công việc hằng ngày như mặc quần áo hay cột dây giày.
Cánh tay robot có xúc giác sẽ được ứng dụng làm cánh tay thay thế cho những người tàn tật, ngoài ra nó giúp các nhà khoa học tiến gần hơn đến việc tạo ra một người máy có khả năng cảm nhận được tự nhiên như con người.
Ông Silvestro Micera, chuyên gia thần kinh học tại Trường EPFL, Thụy Sĩ - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi hướng đến các sáng tạo như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng, những bộ phận nhân tạo như cánh tay của Luke Skywalker trong Star Wars nhưng có thể cầm nắm và có xúc giác như tay người thật”.