Cao Bằng là một tỉnh miền núi phía Bắc nên có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ. Nhưng thực chất của “bức chân dung” thủy điện ở đây lại khá nham nhở, dở dang và sai phạm nghiêm trọng, đến nỗi ngành công thương Cao Bằng đang đề nghị tỉnh thu hồi, loại bỏ hàng chục dự án thủy điện trên địa bàn…
Thủy điện Hoa Thám hoen gỉ và “đắp chiếu”.
“Trơ gan cùng tuế nguyệt”
Trao đổi, ông Hoàng Lê Kỷ - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 24 dự án thủy điện với tổng công suất 120 MW được phê duyệt từ năm 2007, trong đó có 12 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất đạt 70 MW. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phê duyệt, bổ sung điều chỉnh 10 dự án với tổng công suất 206 MW. Tuy nhiên, hiện ngành công thương đang đề nghị UBND tỉnh thu hồi, loại bỏ 10 dự án ra khỏi quy hoạch vì quá chậm tiến độ, lỗi quy hoạch, cấp phép sai quy trình, ảnh hưởng môi trường, sinh thái và làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.
Một trong những dự án đầu bảng về sự “trơ gan cùng tuế nguyệt” phải kể đến dự án thủy điện Hoa Thám, công suất 5,8 MW (đầu nguồn sông Hiến) nằm trên địa bàn xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình. Dự án này do Công ty đầu tư và Phát triển năng lượng Đông Bắc làm chủ đầu tư.
Đây là dự án được phê duyệt, cấp phép từ năm 2007, đến nay đã trải qua 9 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 2 lần thay đổi chủ đầu tư nhưng vẫn ngổn ngang sắt thép, bừa bộn bê tông khô và hoen gỉ toàn bộ công trình. Đáng chú ý, dự án này đã có kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý nhiều nội dung (Kết luận thanh tra số 2435/KL-UBND ngày 03-09-2015, do Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng – ông Hoàng Xuân Ánh ký). Tuy nhiên đến cuối tháng 5/2017, dự án vẫn “đắp chiếu” khiến ngành chức năng loay hoay và dư luận không khỏi bán tín, bán nghi (?!)
Qua tìm hiểu, được biết sự chây ỳ của dự án thủy điện Hoa Thám là do sự “vô cảm” của một số bên liên quan, đặc biết là phía Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã không thực hiện rốt ráo những cam kết theo hợp đồng tín dụng đã ký với chủ đầu tư.
Theo đại diện Sở Công thương Cao Bằng, đến nay chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 80 tỷ đồng để thực hiện một số công việc của dự án, tuy nhiên ở một số khâu đã thực hiện cũng có vấn đề. Trong đó, trọng tâm nhất là các bước khảo sát xây dựng, lập dự toán công trình (dự toán công trình được điều chỉnh nhiều lần nhưng chưa chính xác, thiếu các khoản mục chi phí cần thiết)…
Trao đổi với ông Lương Xuân Trường – Phó giám đốc chi nhánh VDB Cao Bằng, chúng tôi được biết, hiện phía ngân hàng VDB cũng còn một số điểm chưa thống nhất được với chủ đầu tư, nên chưa thể giải ngân theo đúng tiến độ và hợp đồng tín dụng đã ký. Về câu hỏi và một số dẫn chứng được đưa ra, rằng “liệu có sự làm khó cho nhà đầu tư từ phía ngân hàng hay không?”, ông Trường thừa nhận: “Có đúng, nhưng chỉ một nửa là sự thật”. Rồi ông giải thích thêm và cam kết, sẽ giúp đỡ chủ đầu tư thực hiện dự án tốt hơn, nhanh hơn.
Thiếu hồ sơ vẫn thi công
Tại Báo cáo mới nhất, số 451/BC – SCT đề ngày 25/4/2017 của Sở Công thương Cao Bằng, về kết quả kiểm tra việc tổ chức, triển khai một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, ngoài thủy điện Hoa Thám, còn nhiều dự án thủy điện nhỏ khác với hàng tá những lỗi, sai phạm khác nhau. Đơn cử như Dự án thủy điện Hòa Thuận và Tiên Thành trên sông Bằng thuộc địa bàn 2 huyện Quảng Uyên và Phục Hòa, được cấp phép từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì tranh chấp mức nước lên đến cả … Bộ Công thương.
Khi Bộ Công thương vào cuộc, cùng UBND tỉnh Cao Bằng họp bàn thống nhất lại để hai bên đi vào thi công tiếp, thì lại “lòi” ra những thiếu sót nghiêm trọng. Theo báo cáo Kết luận số 337/KL-UBND (ngày 12/2/2015) của tỉnh Cao Bằng, thủy điện Hòa Thuận vi phạm 14 sai phạm và thủy điện Tiên Thành là 19 sai phạm, trong đó đáng kể là bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (của thủy điện Tiên Thành) cho đến nay vẫn đang trong quá trình triển khai.
Ở một dự án khác là thủy điện Bản Rạ trên địa bàn huyện Trùng Khánh, lại có những lình xình kéo dài nhiều năm, khiến người dân địa phương bức xúc và gửi đơn kiến nghị nhiều lần. Đó là việc chủ đầu tư (Công ty CP thủy điện Đông Bắc) đã “lật kèo” người dân và chính quyền địa phương. Cụ thể là không thực hiện hết những cam kết bằng văn bản đã ký trước đây với chính quyền xã Đàm Thủy.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh, chủ đầu tư đã cam kết đền bù thiệt hại hoa màu cho dân, xây dựng lại 01 cây cầu (cầu Bản Mon) và hệ thống mương máng tưới tiêu nội đồng cho người dân, vì khi xây dựng dự án đã phá hỏng hoàn toàn.
Tuy nhiên đến nay, Công ty CP thủy điện Đông Bắc mới chỉ làm được 6/8 con mương, chưa đền bù hết thiệt hại hoa màu và đặc biệt chưa làm cây cầu đã bị phá hỏng. Đây lại là cây cầu huyết mạch cho tuyến đường liên xã của huyện. Hiện, chủ đầu tư mới chỉ cam kết bằng miệng sẽ xây dựng cây cầu Bản Mon này trong tháng 10 tới đây, nhưng sẽ khó vì bây giờ đã thấy hồ sơ giấy tờ gì đâu – ông Hùng khẳng định.
Đề nghị chính quyền và các ngành, các cấp chức năng của tỉnh Cao Bằng cần nghiêm túc và nghiêm khắc hơn với những tồn tại dai dẳng, gây bức xúc dư luận của các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn.