Ngày 15/9, đại diện hơn 20 trường Trung cấp (TC) Y, Dược đã có mặt tại Hà Nội để thảo luận về vấn đề “Nâng cao chất lượng đào tạo cao đẳng và trung cấp y, dược”.
Nhiều ý kiến cho rằng: Bậc học phổ thông, đại học (ĐH) và sau ĐH vẫn được Bộ GD&ĐT quản lý, trong khi TC và cao đẳng (CĐ) lại thuộc Bộ LĐ,TB&XH quản lý. Quy định như vậy vô hình chung đã “xé nát” hệ thống giáo dục.
Các đại biểu tham gia hội thảo.
Hoang mang khi về Bộ LĐ,TB&XH
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 đã ban hành Nghị Quyết số 76, thống nhất giao Bộ LĐ,TB&XH đứng ra quản lý hệ TC và CĐ (trừ hệ thống các trường sư phạm vẫn Bộ GD&ĐT quản lý).
Theo lãnh đạo các trường TC tại Hội thảo, Nghị quyết 76 đã khiến các trường TC và CĐ thực sự hoang mang, không biết đi đâu về đâu, mà “không an cư thì không lạc nghiệp”. Trước tình huống đó, các trường TC chia sẻ mong muốn Chính phủ xem xét lại Nghị quyết trên, có lộ trình cụ thể để xã hội đồng thuận và “gỡ khó” cho các trường TC.
Theo bà Lê Thị Hồng Hoa- Hiệu trưởng Trường TC Y Dược Lê Hữu Trác: Nhà trường và cả các trường TC, CĐ khác đều hoàn toàn lúng túng và hoang mang về Nghị quyết 76 của Chính phủ. Chúng tôi không biết chương trình đào tạo sắp tới sẽ như thế nào, vì TC nghề và TC chuyên nghiệp trước đây rất khác nhau. Sẽ phải chuẩn bị lộ trình ra sao để thống nhất chương trình, rồi biên chế giáo viên, cơ sở vật chất dôi dư... Bà Hoa băn khoăn do trong Nghị quyết không nói đến lộ trình.
Bên cạnh đó, bà cho rằng, việc chuyển cơ quan quản lý nghe đơn giản, nhưng không tham khảo nguyện vọng của các trường sẽ còn nhiều bất cập. Chưa nói đến việc liên thông của trường CĐ, hoặc TC lên ĐH sẽ như thế nào khi 1 bên là Bộ LĐ,TB&XH và 1 bên là Bộ GD&ĐT quản lý. Trong khi, hiện nay còn rất nhiều trường ĐH đào tạo CĐ… “Bây giờ nếu Bộ LĐ,TB&XH quản lý CĐ thì 1 trường ĐH lại “1 cổ 2 chòng”, nghĩa là cả Bộ giáo dục và Bộ Lao động lại cùng quản lý với các quy chế khác nhau” - bà Hoa nêu quan điểm.
Chung ý kiến, ông Lương Quang Ngọc- Hiệu trưởng Trường TC Bến Thành, TP.HCM bày tỏ: Không hiểu tại sao Chính phủ lại giao Bộ LĐ,TB&XH quản lý TC và CĐ, còn Bộ GD&ĐT lại quản lý 2 đầu là phổ thông và ĐH. Phân chia như thế này khó khăn thực hiện công tác phân luồng học sinh. Vấn đề liên thông lại càng khó hơn, không biết liên thông kiểu gì khi các trường ĐH nói thẳng là nếu trường TC chuyên nghiệp còn “nói chuyện” chứ trường TC nghề thì không, vì chương trình của 2 mô hình này khác nhau.
Cao đẳng hóa trường trung cấp
Tiếp tục trao đổi, ông Minh đề xuất nên “CĐ đẳng hóa trường TC”, để thực hiện hoà nhập trong đội ngũ lao động và công nhân tay nghề. “Trước đây ngành y tế đào tạo đội ngũ Y sĩ, Dược sĩ đều 3 năm, ra trường có tay nghề khá, giỏi, tham gia công tác trong chiến trường rất thành thạo. Suốt những năm từ 2005 trở về trước vẫn đào tạo 3 năm, sau rút đi 1 năm. Bây giờ Bộ Y tế lại căn cứ cái chung ASEAN, và nói rằng phải đào tạo 3 năm, mà trung cấp có 2 năm nên khối TC đứng trước nguy cơ giải thể…
Theo đó, ông Minh đề nghị ngành Y tế quay lại đào tạo 3 năm để phù hợp. Bởi: “Hiện nay trình độ đào tạo 3 năm của ASEAN với TC 2 năm của Việt Nam không khác gì nhau. Họ đào tạo 3 năm là để có nhiều thời gian tham quan, thực tế. Thực hành chúng ta quá nhiều mà chỉ đào tạo 2 năm cũng quá vất vả. Đề nghị Bộ Y tế và Bộ Lao động phải điều tra, so sánh xem trình độ đào tạo 3 năm ASEAN khác chúng ta như thế nào để quyết định đào tạo 3 năm ở Việt Nam. Như thế các trường TC mới có điều kiện để lên CĐ”.
Ông Nguyễn Khắc Thương- Hiệu trưởng Trường TC Tây Sài Gòn cũng khẳng định, hiện trên thế giới không có trường TC Y - Dược nào. Đề nghị đổi tên trường TC thành trường CĐ để sinh viên có thể hội nhập thế giới, nhất là khi Việt Nam đã hòa nhập cộng đồng ASEAN.