Gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu hàng hóa. Đây đều là những mặt hàng mà các đối tượng buôn lậu khai nhận để trà trộn vào thị trường, bán cho người dân trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới.
Gia tăng các vụ buôn lậu
Ngày 8/12, theo thông tin từ Đồn Biên phòng Đắc Ơ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước đã bàn giao gần 1,8 tấn pháo và gần 8.000 gói thuốc lá lậu thu giữ được ngày 6/12 cho Công an huyện Bù Gia Mập để tiếp tục điều tra, làm rõ theo quy định của pháp luật. Các lực lượng chức năng đã hoàn thiện hồ sơ ban đầu, lập biên bản tạm giữ tang vật và bàn giao cho Công an huyện Bù Gia Mập tiếp tục điều tra và xử lý.
Tương tự, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị cũng vừa phát hiện, tạm giữ 2.000 chai bia Heineken không có hóa đơn, chứng từ. Trong thời gian gần đây, Đội QLTT số 3 đã tăng cường áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý địa bàn và củng cố các cơ sở cung cấp thông tin, kịp thời phản ánh các dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật.
Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, trong 11 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp nhất là vào các thời điểm lễ Tết, kỳ nghỉ dài ngày, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.
Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới, hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.
Trong 11 tháng năm 2024, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 60.000 vụ, phát hiện, xử lý 40.000 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý gần 800 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 400 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 200 tỷ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 200 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng.
Thời điểm cuối năm, khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao, cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Để kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT cả nước đã đồng loạt triển khai các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhằm ổn định thị trường, kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) Nguyễn Đức Lê cho biết, đơn vị sẽ phối hợp các lực lượng chức năng tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng…
Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm được quan tâm trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh, mứt, kẹo… Tuy nhiên, bên cạnh công tác nghiệp vụ, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, thận trọng hơn trong việc nhận diện, phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cảnh giác khi mua hàng online
Hàng lậu không chỉ bán ở các chợ truyền thống, hoặc trà trộn trong một số siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ ở các khu dân cư mà còn được bán trên các sàn thương mại điện tử. Cuối năm, khi người dân bận rộn và thói quen mua sắm trực tuyến đã trở thành phổ biến, thì các đối tượng lợi dụng điều này để bán hàng hóa lậu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
Đại diện Tổng cục QLTT cũng nhìn nhận, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại trên thương mại điện tử cũng là "điểm nóng" mà lực lượng QLTT cả nước đã tập trung giám sát, kiểm tra. Thời gian gần đây, lực lượng QLTT trên cả nước đã phát hiện nhiều vi phạm, đa số đối tượng tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, rất khó phát hiện.
Đáng quan tâm hơn, số vụ vi phạm và xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê, lực lượng QLTT cả nước đã tiến hành kiểm tra 2.606 vụ việc liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, xử lý 2.361 vụ vi phạm; xử phạt hành chính hơn 38 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 32 tỷ đồng. Các hành vi phổ biến là: kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm các quy định về kinh doanh thương mại điện tử.
Trong khi đó, để kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Phan Quốc Đông, Tổng cục sẽ chủ động phối hợp chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng khác như: QLTT, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển… trong đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hóa vi phạm, góp phần bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới…