Bước vào đợt cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng khiến nhiều cánh rừng trên cả nước rơi vào tình trạng báo động đỏ, nguy cơ cháy rừng ở mức cao. Dự báo, thời gian tới nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương, các tỉnh cần chủ động có nhiều biện pháp để ứng phó, ngăn chặn cháy rừng.
Thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra nắng nóng gay gắt, dự báo cháy rừng luôn ở cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm. Mới đây, vụ cháy rừng từ ngày 26 - 27/4 tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã thiêu rụi gần 20 ha rừng, 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh và 1 kiểm lâm khác bị thương khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Ngày 30/4, một vụ cháy rừng xảy ra ở huyện Thanh Chương và Nam Đàn (Nghệ An) cũng khiến nhiều ha rừng sản xuất bị thiêu rụi...
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, những ngày tới, nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, tâm điểm là khu vực Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ, nhiều khả năng kỷ lục về nhiệt độ cao sẽ bị phá vỡ. Đặc biệt là các tỉnh khu vực Duyên hải Trung Bộ (từ Quảng Bình đến Phú Yên), Tây Nguyên và Nam Bộ; từ ngày 10 - 20/5/2024, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng trở lại.
Nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, gây thiệt hại về rừng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của nhân dân.
Tại Cà Mau, ông Lê Văn Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình thời tiết trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm toàn bộ diện tích rừng ở U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối bị khô hạn, đứng trước nguy cơ cháy rất cao.
Trong số hơn 45.670 ha rừng bị khô hạn ở Cà Mau có hơn 33.000 ha rừng dự báo ở cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V), trong đó, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ khoảng 16.520 ha, Vườn Quốc gia U Minh Hạ khoảng 5.720ha.
Mặc dù tại tỉnh xuất hiện một vài cơn mưa nhưng lượng mưa rất ít, phân bổ không đồng đều giữa các nơi nên chưa thể làm giảm cấp độ và nguy cơ cháy rừng. Hiện nay, nhiều kênh, mương trữ nước trong lâm phần dần cạn kiệt, gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm nay.
Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và địa phương thường xuyên kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy; phân công lực lượng thường xuyên trực chòi quan sát lửa, nhất là các giờ cao điểm (từ 9-17h), phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay, không cho cháy lan diện rộng. 58 bảng dự báo cấp cháy rừng đã được đặt ở các ngã ba, ngã tư đường, nơi tập trung dân cư ven rừng, để mọi người theo dõi.
Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo trực 24/24h với tinh thần cảnh giác cao độ.
Tại Hậu Giang, Ban Chỉ đạo về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hậu Giang đã quyết định nâng cấp cảnh báo cháy rừng từ cấp IV (cấp nguy hiểm) lên cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) trên tất cả các khu rừng trong tỉnh.
Tương tự, tỉnh Đắk Lắk cũng chung tình trạng nắng nóng hanh khô diễn ra trên diện rộng và kéo dài, đặc biệt là tại các huyện như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H'leo, Cư Mgar, M'Đrắk… khiến nhiều khu rừng đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp V. Do đó, các lực lượng cũng phải tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Các tỉnh miền Bắc cũng đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ cao và khô hanh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, hiện nay cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp III, thuộc cấp có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, các lực lượng liên quan cần chú ý cháy các loại rừng thông, keo, mỡ, tre, nứa...
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, cuối tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như: Chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt...
Trên thực tế, tại các tỉnh có mật độ rừng lớn, các cơ quan chức năng và người dân đã tăng cường nhiều giải pháp để phòng, chống cháy rừng, chẳng hạn như Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An đã yêu cầu Ban quản lý rừng đặc dụng và các chủ rừng không được chủ quan, lơ là, bố trí lực lượng canh lửa 24/24 giờ và tranh thủ lấy nước ngọt vào rừng; chủ động các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng khi có tình huống xấu xảy ra.
Tại tỉnh Bến Tre, các đơn vị liên quan cùng chính quyền và người dân triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền trong nhân dân về việc bảo vệ rừng. Ðồng thời, hoàn thiện những công trình trữ nước, góp phần triển khai hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy khi có trường hợp cấp thiết xảy ra.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, tình hình thời tiết trên địa bàn Đồng Tháp diễn biến phức tạp, chính vì vậy, công tác phòng chống “giặc lửa” nơi đây đã thường xuyên được kiểm tra và tập trung trực vào các ngày nghỉ, ngày lễ để phát hiện cháy sớm, khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, không để cháy lan trên diện rộng. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị chữa cháy, thường xuyên vận hành các máy bơm chữa cháy.
Đặc biệt, Đồng Tháp đã tiến hành bơm nước chủ động vào những cánh rừng đang bị khô nước hoặc lợi dụng triều cường đưa nước vào rừng để tăng độ ẩm trong đất và dự trữ nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy rừng.
Thời gian tới, thời tiết nắng nóng khô hanh sẽ còn kéo dài, vì vậy sự chủ động trong công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng từ các cấp chính quyền địa phương, cùng với người dân luôn cần được nâng cao để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra những vụ cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài nguyên thiên nhiên và con người.