Được khởi công từ tháng 7/2014 với kế hoạch hoàn thành cuối năm 2018, dự án xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành dài gần 58km cùng tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 31.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD). Đây cũng là dự án có số tiền đầu tư lớn thứ 2 ở khu vực phía Nam đang thi công, chỉ sau dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tuy nhiên, dự án này đã nhiều lần trễ hẹn và nguy cơ bị dừng thi công đang ngày một lớn hơn vì nguồn vốn chưa được giải ngân đúng tiến độ.
Với vai trò rất quan trọng, nối liền hạ tầng khu vực miền Đông và miền Tây rộng lớn, tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành giúp các phương tiện di chuyển từ 2 khu vực trên mà không đi qua địa bàn TP HCM. Ban đầu, dự án được dự kiến hoàn thành năm 2018 rồi lùi lại năm 2019, sau đến năm 2020. Hiện nay khi dự án đã hoàn thành được khoảng 75% khối lượng công việc, chủ đầu tư cho biết tới cuối năm 2021 dự án mới được hoàn thiện. Tuy nhiên, ngay cả mốc thời gian trên cũng đang gặp nhiều thách thức khi mà nguồn vốn cho dự án này đang gặp nhiều vướng mắc. Ngoài nguồn vốn, việc giải phóng mặt bằng ở khu vực huyện Long Thành (Đồng Nai) của dự án này cũng gặp khó, khi gần một trăm hộ dân trong vùng dự án chưa chấp nhận tiền đền bù để di dời.
Trong tổng số 1,5 tỷ USD nguồn vốn của dự án này thì có tới 1,2 tỷ USD là nguồn vốn vay nước ngoài (chiếm 80%) của 2 tổ chức là Ngân hàng châu Á ADB và cơ quan hợp tác với Nhật Bản (JICA). Nguồn vốn nội địa là quỹ đất giải phóng mặt bằng. Đến nay thủ tục vay vốn nước ngoài đã hết hạn nhiều tháng trong khi việc giải ngân nguồn vốn trong nước gặp nhiều vướng mắc vì chủ trương cơ cấu, quản lý nguồn vốn ngân sách. Hậu quả là các gói thầu quan trọng của dự án này như gói J1 (cầu dây văng Phước Khánh); gói J3 (cầu dây văng Bình Khánh) và gói J2 nối 2 cầu trên (thực tế cũng gần như cầu vì khu vực này địa chất trũng thấp, nằm trong vùng rừng ngập nước Cần Giờ) chậm trễ.
Đây cũng là 3 gói thầu quan trọng, chiếm nhiều tiền của và công sức nhất của dự án nhưng đều mới chỉ hoàn thành từ 75 đến 80% và đã tạm ngưng thi công khoảng một năm nay. Trong khi đó, các gói thầu khác như gói A1 nằm trên địa bàn huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng chịu chung số phận, đã ngưng thi công. Tổng thể, trong số 9 gói thầu của dự án này, hiện chưa có gói nào đã được hoàn thiện như kế hoạch.
Theo chủ đầu tư dự án này, việc ngưng thi công không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, nhu cầu hạ tầng ở khu vực phía Nam mà còn khiến Nhà nước thiệt hại vì những vướng mắc pháp lý, thiệt hại do ngưng thi công, chậm hợp đồng với nhiều nhà thầu nước ngoài. Đến nay chưa có tính toán cụ thể về các thiệt hại trên nhưng việc dự án cao tốc này tiếp tục bị đình trệ như hiện nay, số tiền thiệt hại chắc chắn sẽ rất lớn.