Không chỉ góp phần giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1A thường xuyên quá tải phương tiện lưu thông khi đi qua 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động còn là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng. Cùng với du lịch, tuyến cao tốc này còn được kỳ vọng là cú hích cho bất động sản vốn đang ảm đạm, hứa hẹn tạo động lực phát triển cho một số khu đô thị mới tại Đồng Nai và Bình Thuận trong thời gian tới.
Sau hơn 2 năm triển khai xây dựng, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được khánh thành và đưa vào khai thác tuyến chính vào dịp lễ 30/4 vừa qua. Có lẽ chưa bao giờ một tuyến đường cao tốc ở khu vực phía Nam lại được người dân trông đợi đến thế.
Trục trung tâm kết nối tuyến giao thông trọng điểm
Ông Nguyễn Văn Thành (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) cho biết, ông và rất nhiều người dân ở đây đều phấn khởi khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành. “Đợt nghỉ lễ, anh em trong gia đình lái xe chạy vào cao tốc để đi ra Phan Thiết chơi, đường rất đẹp và chất lượng” - ông Thành nói.
Còn ông Phạm Tấn Tài - lái xe tải chuyên chở hàng thủy sản tươi sống từ Bình Thuận vào phân phối cho các đại lý tại TPHCM vui mừng khi thời gian di chuyển đã rút ngắn rất nhiều. “Ngày trước chạy xe từ TPHCM đi Phan Thiết theo quốc lộ 1 phải gần 5 tiếng mới tới. Giờ đi cao tốc còn có 2 tiếng rưỡi. Cánh tài xế như tôi quá mừng vì thời gian di chuyển đã được rút ngắn xuống còn 50%” - ông Tài nói.
Hầu hết các tài xế thường xuyên chạy tuyến TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương đi Bình Thuận đều phấn khởi khi cao tốc này vừa rút ngắn thời gian đi lại vừa tránh được ùn tắc, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần và các dịp lễ, tết.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được ví như trục trung tâm kết nối tuyến giao thông trọng điểm giữa các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với vùng Đông Nam bộ. Từ đó với các dự án sắp hình thành trong tương lai như cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ tạo nên sự liền mạch trong kết nối liên vùng, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, tạo động lực phát triển cho vùng kinh tế Đông Nam bộ - Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
Cùng đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết còn là 1 trong 5 tuyến giao thông kết nối “siêu” sân bay Long Thành khi nằm ngay cửa ngõ tỉnh Đồng Nai. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đánh giá, cao tốc góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông cũng như việc kết nối vùng được thuận lợi hơn. Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành đi vào khai thác thì lúc đó vai trò của cao tốc sẽ càng rõ hơn, bởi dự án chắc chắn giải quyết tốt nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa Đồng Nai, các tỉnh thành của vùng trọng điểm phía Nam và duyên hải Nam Trung bộ.
Du lịch, bất động sản “lên đời”
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du khách đến địa phương ước đạt hơn 160.000 lượt, tăng gấp đôi so với năm 2022; Doanh thu ước khoảng 230 tỷ đồng; Công suất phòng bình quân toàn tỉnh đạt từ 75-90%, riêng các resort 3-5 sao ở khu vực Mũi Né, Phan Thiết đạt 95-100% công suất phòng.
Với sự thuận tiện trong lưu thông khi có cao tốc, du lịch Bình Thuận sẽ trở nên hút khách hơn. Cùng với Phan Thiết, Bình Thuận, một số điểm du lịch tại Đồng Nai kề cận cao tốc cũng đang rục rịch “thay áo” mới để đón khách. Điển hình như du lịch trải nghiệm tại núi Chứa Chan của huyện Xuân Lộc, các khu glamping, camping trên các địa bàn huyện Xuân Lộc, Định Quán, TP Long Khánh… cũng tăng thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm để thu hút khách du lịch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, du lịch trải nghiệm nông nghiệp cũng là một nội dung mà huyện đã và đang tích cực triển khai. “Việc cao tốc được khai thác cũng là một động lực để huyện đẩy mạnh hơn nữa kế hoạch này” - ông Linh khẳng định.
Cùng với du lịch, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được kỳ vọng là cú hích hâm nóng cho bất động sản (BĐS) vốn đang trong bối cảnh ảm đạm, hứa hẹn tạo động lực phát triển cho một số khu đô thị mới tại Đồng Nai và Bình Thuận trong thời gian tới.
Ông Trịnh Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), địa phương có tuyến cao tốc đi qua nhìn nhận, sức hút của dự án này là cực kỳ lớn. “Giá trị gia tăng của BĐS gần tuyến cao tốc ở trên địa bàn xã và một số địa phương lân cận qua khảo sát đều tăng từ 3-4 lần, thậm chí có nơi tăng cả chục lần. Người dân cũng được hưởng lợi rất lớn từ việc BĐS tăng giá. Ngoài ra, nhưng lợi thế về du lịch của huyện Xuân Lộc như: núi Chứa Chan, hồ núi Le, hồ Gia Măng… lâu nay chưa khai thác hết dự báo cũng sẽ sớm bứt phá. BĐS du lịch cũng từ đó sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn” - ông Cường hồ hởi. Nhiều chuyên gia BĐS và du lịch cũng đánh giá hai lĩnh vực này đã và sẽ “lên đời” trong thời gian tới. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ là một cú hích lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.
Còn theo ông Hồ Xuân Long (Dự án F&B Service - Tour Discover Đồng Nai) thì giao thông luôn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định điểm đến thu hút của du khách. Lâu nay Phan Thiết - Bình Thuận cũng đã là một điểm đến thu hút khách, khi có cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thì du lịch ở đây càng phát triển. Từ đó các địa phương khác như Đồng Nai, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và cả Khánh Hòa cũng sẽ phải thay đổi về chiều sâu trong nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách du lịch.
“Tuyến cao tốc này cũng có thể sẽ là một chất xúc tác để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các điểm đến. Bởi cho dù giao thông thuận lợi nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng thì khách du lịch cũng sẽ không có ý định quay lại... Một cuộc cạnh tranh về chất lượng dịch vụ của các điểm đến cũ và cả mới sau khi có tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng tạo ra một sân chơi sòng phẳng giữa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành và cả địa phương. Và rõ ràng, người dân, du khách sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc cạnh tranh này” - ông Long nói.
Tiếp tục thi công các vị trí nút giao, đường gom
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, điểm đầu tại thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai); đến điểm cuối thuộc TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 9/2020. Dự án có thiết kế chiều rộng mặt đường 23,5m với 4 làn xe. Toàn tuyến có 65 cầu với 18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt, tổng vốn đầu tư gần 12.600 tỷ đồng. Hiện cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang khai thác trên tuyến chính. Toàn dự án có 7 vị trí nút giao, trong đó có 3 vị trí nút giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây; nút giao với quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và nút giao đường nối Ba Bàu với quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) đã được đưa vào khai thác. Hiện nay, các đơn vi thi công vẫn đang tiếp tục thi công hệ thống các đường gom dân sinh, đường song hành, các vị trí nút giao khác để đảm bảo đưa vào khai thác đồng bộ toàn bộ dự án.