Vậy mà đã chẵn 50 năm. Chả đụng đến thì thôi nhưng cứ thoáng qua thì là hồi ức của một quá vãng không biết cơn cớ chi cứ sầm sập ập về. Nửa thế kỷ tròn vẫn vẹn nguyên những bấy bớt vụng dại nhưng thương mến ngày nào.
Đầu tháng 9/1969, liền mấy ngày trời âm u, rồi mưa, khi lây rây, lúc ào ạt. Trịnh Nguyên Hùng, người xóm dưới ướt lướt thướt cuốc bộ lên làng tôi báo hai cái tin: tôi trúng tuyển lớp 8 và Bác Hồ mất. Nếu không có thằng Hùng báo thì chả ai biết chuyện Bác Hồ mất.
Trúng tuyển lớp 8 nghĩa là muốn đi học phải lên thị trấn Vĩnh Lộc. Nghĩa là phải trọ học. May được ở nhờ chỗ bố Hùng là Trưởng Hội Đông Y huyện Vĩnh Lộc mà trụ sở sơ tán chỗ làng Thành Công xã Vĩnh Thành.
Vừa nhập học cũng trùng thời điểm cả nước phát tang Bác Hồ. Hôm lễ truy điệu Bác, trước đông đảo giáo viên và học sinh các lớp của khối 8, 9, 10 ông Phan Đình Truyền - Hiệu trưởng người Nghệ (nghe nói trước đây thày từng ở ban kịch nào đó?) đọc điếu văn rất truyền cảm làm nhiều giáo viên và các trò bật khóc tu tu. Sau đó là các khẩu hiệu đủ mọi kích cỡ chăng từ lớp 8 đến lớp 10 nguyện biến đau thương thành hành động cách mạng thi đua dạy tốt học tốt.
Khối lớp 8C chúng tôi đa phần là người 5 xã miền xuôi và hầu hết đều ở trọ rải rác ở Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc… Cũng mạo muội biên ra đây cái nhớ của tuổi tác và mong các đồng môn bỏ quá cho những lầm lẫn thiếu sót. Vĩnh Hòa có Lê Như Anh, Phạm Thị Liên, Việt, Trình, Phát còi, Hương, Tuân… Vĩnh Hùng có Lan, Liên, Thái, Hùng và tôi; Vĩnh Tân có Quế, Tính, Cương, Hùng, Sơn, Quát, Hòa… Vĩnh Minh có Đường, Bền, Hải, Ngọc; Vĩnh An có Đính, Lê Ngọc Lê, Tuyên nam, Tuyên nữ… Vĩnh Thịnh có Viết, Nho, Năm, Lý, Lê Thị Lý, Mạnh, Dân… Vĩnh Hưng có Hoàng Anh Nhân. Không cùng trật mà nhô nhỉnh chút ít về tuổi tác. Hầu hết khi nhập học lớp Tám đều nhất loạt khai sinh năm 1954 hoặc 1955 cho đủ, tròn tuổi!
Hết thảy ngó non choẹt. Đám con gái, lắm đứa tong teo chứ đâu được phổng phao như tầm tuổi thời nay. Sau này nghe những thầm thì lại mà thương. Vào lớp 8 nhưng có đứa chưa… thấy tháng! Ấy là tụi ở xứ đồng chiêm trũng. Làm lụng vất vả. Có đến nửa năm trời phải ngâm nửa mình dưới nước tất tả với cày bừa, cấy hái.
Nhưng lớp có Liên người xã Vĩnh Hòa nhỏ nhắn trắng trẻo, cặp mắt đen láy nom rất ngộ. Khối thằng thầm để ý không biết có phải là yêu không, trong đó có cả thằng tôi? Bữa đi lao động XHCN, Liên sơ ý bước thụt một bên chân xuống cái hố bùn, một bên dép bị tụt, móc mãi chẳng được, đành bỏ. Lựa mọi người về hết, tôi hì hục xăm xắn lôi lên cho bằng được, đem cọ rửa cẩn thận rồi lấy tờ báo gói lại, lén đưa cho Liên. Suốt mấy ngày cứ găm mãi cảm giác rụng rời bởi ám ảnh cái ánh mắt lay láy của Liên như ngạc nhiên và hình như là cả cảm phục gì đó khi nhận lại một bên dép? Nhưng suốt cả năm chả thấy cô nàng ỏ ê gì nên đành quên béng!
Lại nói chuyện trọ học. Phải biết ơn cái công cưu mang của dân Phố Giáng Vĩnh Thành, Bái Xuân, Đồng Minh… của Vĩnh Phúc đã dám chứa chấp lũ học trò 5 xã miền xuôi. Đa phần nghèo rớt. Nhà có con đi trọ học, phải dũng cảm và có chí lắm thì mới biện ra mỗi tuần 14 bò gạo (cái lon sữa bò làm đơn vị đo lường thời ấy) cho con mình vác lên nhà trọ, còn ở nhà chỉ thêm thắt sắn khoai. Thức ăn chỉ là muối trắng mà chúng tôi gọi chệch đi là mắm chéo. Đứa nào sang thì có muối lạc, vừng hoặc muối trắng đảo qua chút mỡ. May mắn thì nhà chủ cho nạp gạo nấu chung và chung thức ăn. Cứ 2 hoặc 3 tuần thì giành một chủ nhật lên núi Đún hoặc lên tận Dóc Eo Lê chặt củi phụ giúp nhà trọ.
Như đã nói năm lớp 8 may mắn được ở nhờ chỗ ông già Hùng là cụ Xuân làm Hội trưởng Đông Y. Cùng làm với cụ Xuân có hai ông thày thuốc người Tàu, ông Sùng ông Dậu nói không sõi tiếng Việt nhưng rất phục y lý của cụ Hội trưởng. Hai ông chỉ việc cân, bốc các vị thuốc mà cụ Xuân kê trong đơn. Phải nói là thảo thì đúng hơn. Bây giờ mới thấy tiếc thấy nhớ cái tài thư pháp của bậc tiền nhân. Cụ Xuân không những rành thạo chữ Hán mà còn viết rất đẹp. Chữ cụ thảo phải gọi là thần khí. Những cái đơn thuốc cụ kê kiểu liên miên thảo, trên thứ giấy tiết kiệm thời bao cấp đen xỉn nhưng sống động như có thần khí khi cụ lia bút trên đó tên những vị thuốc bắc. Đâm nhớ tiếc bởi hồi ấy mà chịu khó quấy cụ việc học hiếc bắt chước chút đỉnh thì cái khoản thư pháp sau này mình từng đam mê chắc có lẽ đã khá?
Một góc học trò lớp A,B,C khóa 1969-1972. (chụp năm 2011. Ảnh: Xuân Ba).
Năm lớp 9 thì trọ nhà cụ Hồi ở Bái Xuân cùng với Đính quê Vĩnh An. Dân làng Hang chiêm trũng nhưng Đính người trắng như cái ngó cần. Mà chăm lắm, chong đèn học đến một hai giờ. Sáng sáng, Đính rửa mặt móc từ mũi ra những mảng muội đèn đêm qua bám đen sì. Cả ba năm trọ học mỗi đứa đều mang theo chai dầu hỏa như thế. Cô con dâu cụ Hồi dạy học cấp I, đâu như vợ chồng mới lấy nhau ít bữa thì con trai cụ vô chiến trường. Cái năm bọn tôi đến trọ thì đã 5 năm con trai cụ chả tin tức gì. Có đêm học khuya, tôi nghe tiếng sụt sịt chỗ góc vườn. Có khi âm thanh ấy dù cố ghìm nén vẫn phát ra từ tận gian buồng kín. Ấy là khi cô giáo khóc thầm. Âm thanh tức tưởi, đơn côi ấy không hiểu sao cứ ám cái thằng tôi mãi tận khi về già mà vẫn chưa chịu buông bỏ? Một thời gian sau thì trọ với Hoàng Đình Hòa chỗ nhà bà Thái. Chặp tối, cứ cơm xong là Hòa lăn ra ngủ. Nhưng khi tôi được một giấc đẫy đã thấy Hòa ngồi chong đèn học đến sáng. Đi củi cho nhà trọ, Hòa giành gánh phần hộ tôi. Tính chậm chạp, cả khi ăn cũng vậy. Hòa thường nhường tôi miếng cháy nhưng giành phần rửa bát. Hòa con cụ Hoạt, phụ trách Dược phẩm huyện khá quyền thế khi ấy. Hòa có thể được miễn hoãn không phải đi bộ đội? Nhưng ông Hoạt cứ động viên Hòa lên đường. Những trường hợp thuộc diện miễn hoãn có 2 anh ruột đang ở chiến trường (như tôi chẳng hạn) còn những gia đình chưa có ai đi bộ đội thì phải nhập ngũ. Lớp tôi cuối năm 1971 Lê Như Anh, Lê Văn Lý, Hoàng Đình Hòa cùng vào bộ đội. Bên lớp A, B cũng có nhiều bạn nhập ngũ cùng đợt.
Nhớ buổi tiễn đưa, thày hiệu trưởng nhắc trước toàn trường tấm gương vào bộ đội của Hoàng Văn Dương nguyên là học sinh lớp 10A ở Tân Phúc xã Vĩnh Phúc. Ngày Dương nhập ngũ, lớp đến chia tay, ông bố Dương bê một chiếc thúng to để trước mặt mọi người. Đó là chiếc thúng có thể đựng trọn cả tạ thóc. Nhưng trong thúng không phải thóc mà toàn sách là sách. Ông nói “là để lúc em nó về có sách mà học tiếp”. Nhưng sau đó hơn một năm, Hoàng Văn Dương đã hy sinh ở chiến trường!
Lớp C tôi có Lê Văn Lý người Vĩnh Thịnh trắng trẻo học rất giỏi, mau mắn hoạt bát, Hoàng Đình Hòa người bạn trọ học hiền lành với tôi quê cùng Vĩnh Hùng đã không được trở về học tiếp. Tin dữ báo về trường gần hai năm sau đó… Rồi lớp A những Trịnh Việt Hiền (em ruột thày Khắc dạy chính trị), Nguyễn Giang Đông, Phạm Văn An; lớp B những Trịnh Văn Quán, Đạo cũng lần lượt ngã xuống ở các chiến trường. Họ nằm trong số 107 học sinh của Trường cấp 3 Vĩnh Lộc (từ 1961) đã hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống Mỹ!
Sâu đậm hình ảnh các thầy cô chúng tôi, hầu như ai cũng nghèo nhưng giàu tình với các trò. Nhớ thày Thái dạy sử với những cách tất tả thử nghiệm phương pháp để lũ học trò không chán môn sử. Nhớ lần ghé nhà thày có việc của lớp, thày đang dùng cơm tối. Đó là cái bát loa đựng cơm ghế sắn khô trên chỏng chơ một gắp dưa muối. Thày cứ thế lấy thìa xúc, đôi mắt với cặp kính cận dày cộp dán vào cuốn sách bằng tiếng Pháp cũng dày cộp! Thày Lâm Đức Quyền dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp 9, 10 bàn tay run run nắm lấy tay mấy đứa trò chúng tôi đôi mắt nhòe nhoẹt nước. Ấy là khi chúng tôi đến thăm thày đương cầm cự những ngày cuối với căn bệnh ung thư quái ác ở nhà thương Việt Đức. Cũng bàn tay ấy ngày nào thày cầm cái khăn len duy nhất của thày quàng lên cổ tôi cái dạo đi thi học sinh giỏi văn dưới tỉnh! Đã nửa thế kỷ nhưng trong tâm trí chúng tôi khó mờ nhòe hình ảnh thương kính những thầy Phán, thày Khắc, thày Sinh, cô Nhung, cô Lợi, cô Khanh…
Lớp tôi, khóa cấp 3 chúng tôi, những 8,9,10 A,B,C hồi năm 2011 dịp kỷ niệm 50 năm Cấp 3 Vĩnh Lộc đã từng ngồi với nhau một đêm trắng. Giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan cấp tá, những cựu binh, những thương bệnh binh, nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nông dân, công nhân và cũng có người vướng cả vòng lao lý… Tất thảy bỏ lại ngoài ngạch cửa kia những giày, dép cũng các danh vị, tước vị hàm cấp cùng bao sự hanh thông lẫn thua thiệt lầm lụi mất mát này khác cùng ngồi để mà coi sóc, canh giữ, chăm chút khơi gợi những kỷ niệm thân thương, ấm áp một thuở một thời…
Và dịp này thầy, cô, trò, những người may mắn sót lại sau bao tao loạn thời cuộc, dịp kỷ niệm tròn nửa thế kỷ khóa 1969-1972 của cấp 3 Vĩnh Lộc lại đương soạn sửa chương trình cuộc tụ của một đêm trắng nữa lại cũng chẳng sướng sao?