Hiện nay vẫn còn rất ít người quan tâm đến những căn bệnh không lây nhiễm và không có các biện pháp phòng bệnh. Thế nhưng, theo thống kê hằng năm, tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh rối loạn tâm thần, ung thư... giết chết khoảng 400.000 người.
Người mắc bệnh huyết áp cần đi khám định kỳ.
Bệnh không lây nhiễm là gì?
Bệnh không lây nhiễm được điểm danh như đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, các bệnh rối loạn tâm thần, ung thư... không những ảnh hưởng đến tuổi thọ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa bệnh không lây nhiễm: “là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mãn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm”.
Bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh:
Bệnh tim: Bệnh tim mạch là từ chung miêu tả các bệnh ảnh hưởng đến tim và các mạch máu. Nguyên nhân là do bệnh của mạch máu tim (chủ yếu do xơ vữa động mạch). Người bệnh tim hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim như người cao tuổi, thừa cân, béo phì hoặc bị bệnh tăng huyết áp nên được thăm khám định kỳ tim mạch.
Nếu cùng lúc xuất hiện ít nhất triệu chứng: Khó thở, đặc biệt là khi nằm xuống; Cảm giác nặng trong ngực hoặc tức ngực; phù; mệt mỏi hoặc kiệt sức… nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Nếu phát hiện và can thiệp sớm, người bệnh không chỉ giảm chi phí y tế mà hiệu quả điều trị cao, nhất là trong các can thiệp tim mạch.
Đột quỵ: Là một bệnh của não gây ra do cung cấp máu cho não bị hạn chế hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh đột quỵ đang gia tăng ở mức đáng lo ngại đối với cả hai giới nam và nữ ở các lứa tuổi đặc biệt là đang trẻ hóa.
Về nguyên nhân, theo PGS. BS Lương Tuấn Khanh chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể nhưng theo mặt logic của bệnh học, những căn nguyên cơ bản dẫn đến đột quỵ gồm: tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu, tiểu đường… đều là các yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ.
Ung thư: Trong đó các tế bào bất thường sinh sôi nảy nở và lây lan ra khỏi tầm kiểm soát. Các thuật ngữ khác được sử dụng là các khối u và u ác tính. Có rất nhiều loại ung thư và tất cả các cơ quan trong cơ thể có thể trở thành ung thư. Hiện nay trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 200.000 ca ung thư mới và số người chết vì căn bệnh này là 70.000 - một con số đáng báo động.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư nhưng phần lớn ung thư phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không an toàn, không hợp lý, ít vận động thể lực, ô nhiễm môi trường… Điều này khiến độc tố tích tụ, bủa vây và tấn công tế bào, tàn phá sức khỏe con người.
Tiểu đường: Được đặc trưng bởi tăng glucose máu mạn tính. Đây là kết quả từ sự thiếu nội tiết tố insulin, giúp kiểm soát lượng đường trong máu, và / hoặc không có khả năng đáp ứng với insulin của các mô của cơ thể.
Phổ biến nhất là bệnh tiểu đường typ 2, chiếm khoảng 90% tất cả các bệnh tiểu đường và phần lớn là kết quả của thừa cân và ít vận động. Khát nước, đi tiểu nhiều lần, da khô, sụt cân đột ngột, vết thương lâu lành … là những dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Bệnh phổi: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen suyễn là những hình thức bệnh phổ biến nhất. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do tắc nghẽn không thể đảo ngược của đường hô hấp lớn trong phổi; hen suyễn là do tắc nghẽn có thể đảo ngược của đường hô hấp nhỏ trong phổi.
Rối loạn tâm thần: Hiện có đến hơn 300 loại rối loạn tâm thần và hành vi như sa sút tâm thần; rối loạn tâm thần sau chấn thương sọ não hay viêm não; các rối loạn tâm thần do sử dụng rượu và ma túy; tâm thần phân liệt; rối loạn hoang tưởng; các loại rối loạn khí sắc như trầm cảm, hưng cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực…; các loại rối loạn lo âu; các rối loạn ăn uống như chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn vô độ hoặc là các rối loạn giấc ngủ như chứng mất ngủ, ngủ nhiều, ác mộng, mộng du … Đa số các loại rối loạn này sẽ khỏi hay ổn định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chỉ có một tỷ lệ rất thấp (khoảng 1 -2%) là diễn tiến ngày càng nặng dần và không đáp ứng với điều trị.
Hậu quả của bệnh không lây nhiễm
Mặc dù Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đang báo động. 70% trường hợp tử vong hằng năm là do bệnh không lây nhiễm, trong số này có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Đây là một con số rất đáng báo động.
Về nguyên nhân gia tăng bệnh không lây nhiễm, theo Thứ trưởng Long một phần do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 49% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu (trong đó có 11% uống tới mức nguy hại). Người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ước tính tại Việt Nam, chỉ riêng các bệnh liên quan đến thuốc lá đã gây ra thiệt hại khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ bệnh tim mạch và đột quỵ ngày càng giảm do họ kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp sớm thì tại Việt Nam, tỷ lệ tim mạch và đột quỵ đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khuyến cáo Việt Nam cần kiểm soát tốt các bệnh không lây nhiễm để giảm chi phí điều trị, giảm tải bệnh viện, giảm gánh nặng kinh tế cho người dân và cho đất nước. Muốn làm được điều này cần có những thay đổi về chính sách, cách quản lý bệnh không lây nhiễm.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã đề ra chiến lược đến năm 2025 chỉ còn 20% số tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số uống rượu bia ở mức có hại, giảm 30% mức tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, kiểm soát tăng huyết áp dưới 30%, kiểm soát đái tháo đường dưới 8%..
Và để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế cũng đã đưa ra các giải pháp, chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ như xây dựng Luật Phòng chống tác của rượu, bia; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá... đồng thời kiện toàn mạng lưới để cung cấp các dịch vụ giám sát, dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm từ Trung ương đến y tế tuyến xã, thôn, bản.
Tuy nhiên, chính sách cũng như các giải pháp phòng bệnh của ngành y tế chỉ hiệu quả khi chính mỗi người dân phải có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng việc ăn uống điều độ, tập luyện thể thao, làm việc và nghỉ ngơi khoa học cũng như không có những hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mình cũng như cộng đồng.
Bộ Y tế đã đề ra chiến lược đến năm 2025 chỉ còn 20% số tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số uống rượu bia ở mức có hại, giảm 30% mức tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, kiểm soát tăng huyết áp dưới 30%, kiểm soát đái tháo đường dưới 8%.. |