Những vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên, tình trạng này tăng cao trong mùa hè. Nguyên nhân do chuyển mùa và thời tiết nắng nóng. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn nên rất dễ gây ngộ độc.
Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM liên tiếp ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm. Một trong số đó là vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tập thể tại 2 cơ sở của Trường TH - THCS Tuệ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM). Hơn 30 học sinh có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn sau khi ăn các bữa ăn tại trường được cung cấp bởi một công ty tại quận Tân Phú trong cùng một ngày. Nhà trường đã tiến hành lấy mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm tại Viện Pasteur TPHCM, đồng thời thông báo đến phụ huynh để phối hợp theo dõi sức khỏe học sinh.
Trong khi đó, Bệnh viện Quận 11 mới đây cũng thông tin, cơ sở y tế này đã tiếp nhận 37 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, nghi ngộ độc thực phẩm, trong đó đa số là học sinh Trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh).
Thông tin ban đầu từ Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho thấy, các học sinh đi chơi ở Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) và đã mua bánh mì ở một tiệm trên địa bàn quận 6. Cơ quan chức năng nghi ngờ thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm là bánh mì, đã lấy mẫu kiểm nghiệm làm rõ nguyên nhân.
Thực tế cho thấy, mùa hè thường là cao điểm xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân do chuyển mùa và thời tiết nắng nóng. Đây là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển trong thức ăn nên rất dễ gây ngộ độc.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Thời tiết tạo điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Trong tiết trời nắng nóng, các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt với những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa hoặc thực phẩm không được làm sạch, do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm. Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu sẽ có nguy cơ bị vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Với những lý do như trên, dễ nhận thấy, các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm”.
Còn theo BS Đặng Xuân Cường - Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec), một trong những vi khuẩn thường gặp trong các vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong ngộ độc tập thể là vi khuẩn E.coli. Loại vi khuẩn này gây ra những triệu chứng như sốt, tiêu chảy, nôn. Thậm chí, trong trường hợp gặp biến chứng nặng, vi khuẩn này có thể gây ra tổn thường các tạng như tim, thận, não khiến người nhiễm có thể tử vong. Tuy nhiên, E.coli không phải loại vi khuẩn duy nhất có thể gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Còn có vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy; vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả… Tất cả những loại vi khuẩn này đều phát triển nhanh nhất, mạnh nhất vào mùa hè.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, đối với người sản xuất, chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến. Trường hợp thức ăn chế biến ra không bán ngay, phải luôn bảo quản ở nhiệt độ lạnh để đảm bảo an toàn.
Đối với người tiêu dùng, trong quá trình ăn uống, cần lựa chọn những cơ sở uy tín, đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế lựa chọn những điểm bán hàng rong, điểm bán ngoài đường phố vì đây là những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là trong thời tiết mùa hè nắng nóng.
BS Lê Thị Hồng Nhung - Phó Trưởng Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) đã đưa ra một số khuyến cáo trong việc bảo quản thực phẩm mùa nóng có thể áp dụng trong gia đình. Cụ thể, người dân cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng. Không chọn những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học, hoặc các loại thực phẩm chứa chất độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc… Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, nên nấu ăn tại nhà để giảm sự ô nhiễm từ môi trường.
BS Nhung khuyến cáo, người dân nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép, không nên trữ quá nhiều thực phẩm, không để lẫn thực phẩm đã qua chế biến với thực phẩm sống. Không để thức ăn ở ngoài quá 2 giờ; không quá 1 giờ đồng hồ vào mùa hè hoặc khi thời tiết nắng nóng vì có thể gây hư hỏng, ôi thiu. Hạn chế lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm.
Khi chế biến thức ăn, cần rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn. Thực hiện rã đông thực phẩm đông lạnh tốt nhất là trong môi trường mát của tủ lạnh hoặc lò vi sóng, không nên tái đông lạnh thực phẩm sau khi đã rã đông. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống; rửa sạch bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm. Thực hiện nguyên tắc “ăn chín uống sôi”, hạn chế tối đa thức ăn sống hoặc tái, các loại thực phẩm lên men không qua xử lý nhiệt (dưa muối, nem chua…).