Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị quý II năm 2011 là: 3,59%. Còn năm 2020, con số lên tới...4,46%.
Một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô rất đáng chú ý vừa được Tổng cục Thống kê công bố; đó là chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh. Thậm chí, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Như vậy, chưa bao giờ tình trạng thất nghiệp lại ở mức lo ngại như hiện nay. Thực tế đó đang đòi hỏi rất cần một gói hỗ trợ để “cấp cứu” cho người mất việc làm.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy: Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị quý II năm 2011 là: 3,59%. Còn năm 2020, con số lên tới...4,46%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước tính chung trong 6 tháng đầu năm 2020 là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người người so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ thất nghiệp tăng cao, mà thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý II/2020 cũng đã bị ảnh hưởng, chỉ còn 6,3 triệu đồng/tháng, giảm 732 nghìn đồng so với quý trước và giảm 180 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng, tương ứng với 17,6 triệu người. Có 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Đặc biệt, số lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm cả trong và ngoài nước đều gặp khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2020.
Những con số “như biết nói” của các cơ quan chức năng đang cho thấy sự “báo động” trong vấn đề thất nghiệp hiện nay tại nước ta sau ảnh hưởng của dịch. Rõ ràng những hệ quả do Covid-19 mang lại không chỉ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế-xã hội Việt Nam, mà đang gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này e rằng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới vấn đề an sinh xã hội.
Đơn cử, ngay như tại TP. Hồ Chí Minh, vốn được coi là “đầu tàu” của cả nước về kinh tế, đóng góp hơn 22% cho GDP cả nước song trong những ngày này cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp lớn. Sơ qua, chỉ trong tháng 5-2020, TP. Hồ Chí Minh có gần 26.700 người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 31% so với cùng kỳ.
Nếu như cả năm 2019, mỗi ngày “đầu tàu” có khoảng 500 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (gần 159.000 người/năm), thì hiện nay con số này lên tới 1.000 người/ngày. Chỉ riêng tháng 5/2020, toàn thành phố có gần 26.700 người lãnh khoản trợ cấp này và trong 5 tháng đầu năm 2020 có gần 71.000 người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 11% so với cùng kỳ.
“Hiện tại Trung tâm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp ở quận Bình Thạnh cùng 6 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp tại các quận 4, 6, 9, 12, quận Tân Bình và huyện Củ Chi (chưa tính tới số người đến thông báo tình trạng việc làm, người đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ) thì trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 1.400 hồ sơ mới, cao điểm lên tới 2.000 hồ sơ/ngày, mỗi nhân viên trung tâm phải xử lý khoảng 50-70 hồ sơ/ngày”- theo lời bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng đưa ra cảnh báo rằng rằng: “Chính phủ cần phải có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19”. Còn trên thế giới, vừa qua Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua “gói cứu trợ kinh tế thứ hai” trị giá 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch để giúp đỡ cho người thất nghiệp trong: nông dân, chính quyền các địa phương, nhân viên chăm sóc y tế, các sinh viên đang phải vay tiền đi học.
Nói như lời PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn với ĐĐK thì: “Chúng ta đã có gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng. Nếu được, rất cần thêm một gói hỗ trợ nữa dành cho người bị thất nghiệp.
Bởi người lao động không “bấu víu” vào đâu ngoài “phao cứu sinh” là sự hỗ trợ của Chính phủ. Khi có kế sinh nhai vượt qua được thời điểm khó khăn, sau này quay trở lại làm việc, họ sẽ lao động, sản xuất cho doanh nghiệp, đóng góp cho sự tăng trưởng của đất nước”.
Nói thêm rằng, theo quy định, người lao động có thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Do đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, ngừng hoạt động, phá sản đang gia tăng, số doanh nghiệp thành lập ít hơn số ra khỏi thị trường, thì dự báo rất có thể số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Nên chăng trong lúc chờ sự phục hồi của các doanh nghiệp thì rất cần một gói hỗ trợ nữa ngoài gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để giúp cho người lao động qua cơn bĩ cực. Đó không chỉ là biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, còn là động thái “không bỏ ai lại phía sau”.