Thời điểm này, vấn đề thu hút lao động được các doanh nghiệp, nhà quản lý hết sức quan tâm.
Tại Huế, để thu hút lao động trở về từ vùng dịch, Công ty Scavi Huế (đóng tại KCN Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đã quyết định áp dụng một số cơ chế hỗ trợ hấp dẫn, gồm: Hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc tại Scavi; hỗ trợ nóng 5 triệu đồng đối với công nhân có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức với công ty nhằm ổn định cuộc sống lâu dài; áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề. Công ty Scavi Huế cho biết, sẽ thưởng thêm 3 triệu đồng vào tài khoản lương tháng 13 năm 2021, nhằm hỗ trợ người lao động đón Tết.
Tại Thanh Hóa, theo thống kê của Sở LĐTB&XH, số lao động trở về từ vùng dịch không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), không có bằng cấp, chứng chỉ (chiếm 65%). Có 20% trong số lao động này thuộc nhóm tuổi từ 41 tuổi trở lên sẽ gặp khó khăn trong đào tạo chuyển đổi nghề do thói quen lao động, trình độ học vấn, khả năng tiếp thu hạn chế, tâm lý ngại học nghề. Tuy nhiên qua khảo sát đánh giá đến nay khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%. Sở LĐTB&XH Thanh Hóa cho biết, cùng với việc kết nối tạo việc làm cho lao động từ vùng dịch về, người lao động của tỉnh sau khi trở về từ vùng dịch hoàn thành cách ly sẽ được đào tạo nghề, và vay vốn (tối đa 100 triệu đồng) để tự tạo việc làm với lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo.
Khảo sát online về thời gian bị mất việc làm của người lao động, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong số hơn 42.700 người bị mất việc làm (trên tổng số hơn 69 nghìn người tham gia khảo sát đến từ khối cơ quan nhà nước, cơ quan sự nghiệp, DN và lao động tự do), số bị mất việc từ 1- 3 tháng chiếm 50%. Số người mất việc dưới 1 tháng là 19%, số người mất việc trên 6 tháng là 15%.
Cũng theo khảo sát có tới gần 50% số người lao động bị mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng. Hơn 37% người lao động bị mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng. Số có đủ tiền để trang trải cho cuộc sống dưới 6 tháng là 8,6% và chỉ có 4,4% số người lao động đã mất việc làm cho biết họ có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.
Chính vì vậy, tạo việc làm cho lao động hồi hương là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong đó, vai trò của địa phương điều tiết, kết nối cung – cầu thị trường lao động rất quan trọng. Cục Việc làm (Bộ LĐ&TBXH) dự báo, thị trường lao động Việt đang tiềm ẩn nguy cơ mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động. Trong bối cảnh đó, cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 và Quyết định số 23.