Cấp thiết tài trợ cho châu Phi

Hà Anh 14/10/2023 07:00

Nhiều quốc gia nghèo ở châu Phi đang phải đối mặt với những tác động khắc nghiệt nhất của biến đổi khí hậu. Những cú sốc làm trầm trọng thêm xung đột và ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân khi công việc ngày càng dễ bị tổn thương.

Thách thức khí hậu đang làm ảnh hưởng đến sinh kế của người nông dân ở châu Phi. Ảnh: AP.

Chưa đúng trọng tâm

Các chuyên gia cho biết, thách thức về khí hậu tại là gốc rễ của tình trạng dễ bị tổn thương tại các quốc gia đang phải đối mặt với xung đột ở vùng Sahel của châu Phi như: Burkina Faso, Chad, Mali, Niger và miền Bắc Nigeria. Các nhà lãnh đạo châu Phi cho rằng, họ có nguồn ngân sách hạn chế và việc vay mượn nhiều hơn để tài trợ cho các mục tiêu về khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần vốn có.

Một số nhà lãnh đạo cho rằng, cuộc họp tuần này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Marrakech, Maroc, sẽ là “nơi tốt để bắt đầu” cuộc trò chuyện về những thách thức tài chính của châu Phi và khả năng xử lý các cú sốc khí hậu. Nó xuất hiện trong bối cảnh có những lời chỉ trích cho rằng, các tổ chức cho vay không tính đến biến đổi khí hậu và tính dễ bị tổn thương của các nước nghèo trong các quyết định tài trợ của họ.

Tổng thống Kenya William Ruto, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Phi Akinwumi Adesina, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki và ông Patrick Verkooijen - Giám đốc điều hành của Ủy ban Toàn cầu – đều cho rằng, hệ thống tài chính toàn cầu “hiện đã lỗi thời, rối loạn chức năng và bất công”.

“Lỗi thời vì các tổ chức tài chính quốc tế quá nhỏ để thực hiện nhiệm vụ của mình. Rối loạn chức năng vì toàn bộ hệ thống quá chậm để ứng phó với những thách thức mới, chẳng hạn như biến đổi khí hậu. Và bất công vì nó phân biệt đối xử với các nước nghèo” - các nhà lãnh đạo cho biết.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn tài trợ khí hậu cho châu Phi đã tăng lên, với sự thừa nhận rằng, lục địa này chịu trách nhiệm ít nhất về khí thải nhưng lại có nguy cơ tổn thương cao nhất vì biến đổi khí hậu do thiếu tài chính và khả năng ứng phó. Các ngân hàng phát triển lớn ngày càng coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa kinh tế.

Trong một hội thảo ở Marrakech vào tuần này, nhà kinh tế Daniel Lee của IMF cho biết, tổ chức này đang “lồng ghép biến đổi khí hậu vào tư vấn chính sách, phát triển năng lực và cho vay”. Ông Lee chỉ ra rằng, một chương trình của IMF được triển khai vào năm ngoái nhằm giúp các nước nghèo giải quyết các vấn đề như biến đổi khí hậu. Nhưng chỉ có một quốc gia châu Phi là Rwanda nhận được khoản tài trợ trị giá 319 triệu USD trong ba năm từ chương trình.

Giống như các nhà lãnh đạo châu Phi, các chuyên gia cho rằng, nguồn tài chính về khí hậu cho lục địa này là không đủ và đặc biệt khó tiếp cận đối với các quốc gia ở vùng Sahel.

Nhiều rào cản

Tại Niger cũng như miền Bắc Nigeria, hàng nghìn ha đất canh tác đang bị mất do xói mòn và tình trạng khô hạn. Ông Idayat Hassan - thành viên chương trình châu Phi cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế - cho biết, nó đã khiến nông dân và người chăn nuôi phải tranh giành tài nguyên và làm giảm cơ hội phát triển kinh tế.

Các dự án thủy lợi là một trong những cách để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng bạo lực đang làm xói mòn những thành tựu đó khi nông dân phải vật lộn để tiếp cận đất nông nghiệp của mình. Ông Ibrahim Audi - một nông dân trồng lúa mì ở bang Katsina của Nigeria - cho biết: “Ngoài nhiệt độ cực cao và lượng mưa khó lường, tình trạng bất an cũng đang ảnh hưởng đến chúng tôi vì nhiều khi chúng tôi sẽ không có cơ hội đến trang trại của mình”.

Ông Femi Mimiko - Giáo sư kinh tế chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Obafemi Awolowo của Nigeria – cho rằng, số tiền tài trợ khí hậu hướng tới châu Phi là không đáng kể và đó không phải là điều chúng ta nên ăn mừng. Bởi những thách thức là rất lớn trước các điều kiện nghiêm ngặt để nhận được nguồn tài trợ của IMF và WB.

Thêm vào đó, việc tài trợ khí hậu cho châu Phi cần giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng ở nhiều quốc gia. Các nhà lãnh đạo châu Phi cho biết, các khoản nợ của châu Phi ước tính đạt 62 tỷ USD trong năm nay, vượt quá chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu của lục địa này.

Các chuyên gia cho biết, một vấn đề khác là các nhà lãnh đạo đánh giá thấp việc biến đổi khí hậu gây ra bạo lực và các vấn đề kinh tế như thế nào. Theo ông Hassan: “Chính sách quốc gia nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu còn lỏng lẻo. Cần vượt ra ngoài xung đột để bắt đầu ưu tiên đối phó với biến đổi khí hậu bởi nó là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề ảnh hưởng đến các quốc gia này”.

Theo Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, 3 quốc gia Burkina Faso, Mali và Niger đều do chính quyền quân sự cai trị, có 16 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo, tăng 172% kể từ năm 2016 và hơn 5 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Ủy ban đổ lỗi cho xung đột và biến đổi khí hậu là nguyên nhân “gây ra một cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc hơn” ảnh hưởng đến nông nghiệp, vốn là nguồn sinh kế chính của phần lớn người dân ở ba quốc gia này.

Ông Mimiko nói: “Các chính phủ không chính thức sẽ hạn chế khả năng của các nước không chỉ trong việc đáp ứng các yêu cầu do IMF và WB đặt ra về tài trợ mà còn hạn chế khả năng tiếp cận các hỗ trợ đó. Vì vậy, việc chúng ta phải làm là thuyết phục các chính phủ cam kết thực hiện tái dân chủ kịp thời”.

Theo Ủy ban Toàn cầu về thích ứng, việc thích ứng với những thách thức khí hậu ở châu Phi có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD mỗi năm, trong khi Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch có thể tiêu tốn tới 190 tỷ USD mỗi năm – một chi phí quá lớn đối với châu Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp thiết tài trợ cho châu Phi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO