Cấp vốn cho 2 ngân hàng lớn

V. Thắng 23/12/2016 09:41

Ngày 22/12, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về mặt nguyên tắc ra Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, trong đó có việc cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Quản lý, sử dụng phân bổ vốn chậm

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Chính phủ đề xuất bố trí 4.482,509 tỷ đồng để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách- xã hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách Nguyễn Đức Hải, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính- ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho 2 ngân hàng đã được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được đáp ứng nên việc bố trí cấp vốn điều lệ để 2 ngân hàng này thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao là cần thiết.

“Tuy nhiên đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho 2 ngân hàng chính sách có bảo đảm phù hợp với các Hiệp định vay đã ký kết hay không hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng có thể cân đối cho việc bố trí vốn điều lệ cho 2 ngân hàng hay không? Nếu có mới có thể trình để xử lý được”- ông Hải cho nói.

Theo ông Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính- ngân sách nhận thấy, đã gần kết thúc năm 2016 song tiến độ giải ngân của nhiều bộ, ngành, địa phương đạt rất thấp so với kế hoạch đã giao một số bộ, ngành, địa phương được phân giao vốn song lại không có nhu cầu sử dụng; một số dự án chưa hoàn thành thủ tục, chưa bảo đảm điều kiện để phân bổ vốn.

Công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài trong các năm qua còn nổi lên nhiều bất cập, bố trí vốn chưa sát với tình hình thực hiện, công tác điều hành, tổng hợp số liệu, đề xuất cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn còn chậm, chưa chặt chẽ.

Ông Hải cũng cho rằng, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với việc phân bổ, điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn. Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, đồng thời, có giải pháp chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và giải ngân nguồn vốn nước ngoài năm 2016 và các năm tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, vốn nước ngoài năm 2016 cân đối trong ngân sách gồm 2 nguồn từ các chương trình dự án, và nguồn vốn hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho ngân sách nhà nước về biến đổi khí hậu và phát triển giáo dục. Do hiện chưa phân bổ 1.300 tỷ của chương trình biến đổi khí hậu, nên nếu sử dụng tối đa cũng chỉ được 1.300 tỷ đồng chứ không thể lấy nguồn vốn của từng dự án để cho 2 ngân hàng này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sắp hết năm 2016 mà giờ Chính phủ mới trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chậm, cho nên Chính phủ cần nghiêm túc kiểm điểm chấp hành, nhất là các bộ, ngành. Tình trạng này diễn ra qua các năm mà chưa khắc phục được, nhất là sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập, phân bổ vốn chưa sát tình hình, do đó Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc điều chỉnh là cần thiết nhưng phải đúng Hiến pháp, pháp luật. Cái nào cắt giảm điều chỉnh bổ sung cần lưu ý không được trái với hiệp định vay vốn nước ngoài mà nước ta đã ký, thực hiện theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước, và phù hợp với dự toán ngân sách nhà nước mà Quốc hội đã thông qua. Lưu ý việc cấp vốn cho 2 ngân hàng cần thực hiện cho đúng, Chủ tịch Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quản lý điều hành.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm nhất trí phân bổ vốn đối với 2 ngân hàng nhưng phải tuân thủ đúng quy định và giao Chính phủ xem xét bố trí hợp lý theo đúng quy định của pháp luật. Chính phủ cần tổng kết rút kinh nghiệm trong phân bổ sử dụng giải ngân ODA khắc phục được các tồn tại yếu kém.

Cuối phiên thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về mặt nguyên tắc ra Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Nâng lương cho Tổng Kiểm toán Nhà nước

Cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) giai đoạn 2017-2020 và Đề án của Kiểm toán nhà nước về chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ ưu tiên đối với cán bộ công chức của KTNN.

Tại phiên họp trình bày tờ trình, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc đã đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức lương đối với Tổng KTNN. Theo đó bảng lương mới của Tổng KTNN có 2 bậc: Bậc 1, hệ số lương 9,80 tăng 0,1; Bậc 2, hệ số lương 10,40 tăng 0,1.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến cho rằng, với địa vị pháp lý mới của KTNN, Tổng KTNN là người chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về chất lượng, nội dung chuyên môn, nghiệp vụ đối với toàn bộ nhiệm vụ được Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước quy định. Vì vậy cần được quan tâm hơn nữa, do đó, đa số ý kiến đồng tình quy định mức lương của Tổng KTNN có 2 bậc, mỗi bậc tăng 0,1 như đề nghị của KTNN.

Bày tỏ quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, về lâu dài sẽ đưa bảng lương của Tổng KTNN vào đề án tiền lương, còn trước mắt nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định như đề xuất thì Bộ Nội vụ cũng chấp hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, cần thực hiện theo chủ trương chung về cải cách hệ thống tiền lương, phụ cấp của cả hệ thống chính trị. Ủy ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề nghị của KTNN sẽ đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương nghiên cứu để khi xây dựng chính sách mới thì xem xét tính đặc thù của mỗi ngành, trong đó có KTNN.

“Mức lương của Tổng KTNN sẽ tương đương Bộ trưởng hay cao hơn, hay ngang với Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao thì cũng phải đặt trong tổng thể chung. Sau khi Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương có ý kiến thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đề xuất tăng lương cho Tổng KTNN là vấn đề hợp lý khi điều kiện, địa vị pháp lý và nhiệm vụ của Tổng KTNN được nâng lên. Song để đảm bảo mặt bằng chung và phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương hiện nay thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có ý kiến đề nghị Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương xem xét, trình ra Trung ương vào tháng 5/2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp vốn cho 2 ngân hàng lớn