Đây là kiến nghị của các đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 10/2015 quy định về chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.
Nhiều quy định mang tính chung chung
Chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình pháp luật là một trong những công cụ quan trọng tạo ra nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Vì vậy, nhằm tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương thực hiện chế độ báo cáo thuận tiện, thống nhất trong cả nước, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 15/2015 quy định về chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu, Thông tư 15 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho việc tổng hợp số liệu và báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Cụ thể, Thông tư không quy định cụ thể cơ quan nào được quản lý theo ngành dọc mà chỉ ví dụ một số cơ quan như hải quan, thuế… gây lúng túng cho địa phương trong việc áp dụng.
Bên cạnh đó, các chỉ tiêu báo cáo, đặc biệt là chỉ tiêu báo cáo trong công tác theo dõi thi hành pháp luật chủ yếu còn mang tính định tính, dẫn tới việc đánh giá, nhận xét và kiến nghị trong báo cáo còn chung chung, thậm chí thiếu chính xác. Đáng nói là Đề cương báo cáo và các biểu mẫu kèm theo Thông tư yêu cầu nhiều thông tin, trong đó có những thông tin không thật cần thiết, các chỉ tiêu trong các biểu mẫu phức tạp, nhiều nội dung khó thực hiện.
Trước những phản ánh của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng thừa nhận, sau 3 năm triển khai Thông tư 15 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi. Hơn nữa ngày 24/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 559/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước”.
Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiến hành rà soát, xây dựng và thực thi phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo, bảo đảm mục tiêu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo.
Giảm gánh nặng báo cáo
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh việc sửa đổi sẽ theo hướng đơn giản các biểu mẫu, lược bỏ những chỉ tiêu báo cáo trùng lặp không cần thiết. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin phù hợp với thực tế, bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý thống nhất, hiệu qủa công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Đồng tình, ông Trần Quốc Toàn - Phó Trưởng phòng Phòng 6, Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công an cũng cho rằng, sau 3 năm triển khai thực hiện, Thông tư 15 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập gây khó khăn cho việc tổng hợp số liệu và báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Chính vì vậy để nâng cao hơn nữa hiệu quả chế độ báo cáo, cần phải sửa đổi cho phù hợp, trong đó sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết từ đó giảm gánh nặng trong chế độ báo cáo.
Góp ý cho định hướng sửa đổi trong chế độ báo cáo, đại diện Tổng cục Hải quan thẳng thắn cho rằng, chế độ báo cáo bằng giấy đã không còn phù hợp mà cần thay thế bằng điện tử. Hiện nay hải quan các địa phương phải báo cáo định kỳ trên 200 báo cáo, mỗi một lĩnh vực phải thực hiện báo cáo, chính vì vậy, khối lượng báo cáo khổng lồ, mất nhiều thời gian và công sức. Theo đó, cần triển khai cải cách, tinh giản chế độ báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC thông qua điện tử hóa, áp dụng công nghệ thông tin.