Vùng biển đoạn giáp ranh giữa TP Sầm Sơn và huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) đang diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép rầm rộ. Theo điều tra của phóng viên báo Đại Đoàn Kết: Mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu tải trọng từ 150m3 - 250m3 không số hiệu thi nhau đục khoét lòng biển, lấy đi hàng nghìn mét khối khoáng sản đưa về đất liền bán kiếm lời.
Việc cát tặc đang thách thức “mẹ” thiên nhiên, thách thức pháp luật, diễn ra giữa ban ngày trong suốt nhiều tháng nay, đã gây bức xúc đỉnh điểm đối với cư dân địa phương. Đặc biệt, bà con đã nhiều lần báo cáo lên chính quyền cấp xã, huyện nhưng rất ít khi thấy lực lượng chức năng đến xử lý?
Không khí làm việc của hàng chục con tàu trộm cát diễn ra rất khẩn trương như ở đại công trường đang đẩy nhanh tiến độ. Hành vi sai trái này đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân.
Bên cạnh đó là hệ luỵ kéo theo, rất có thể sẽ xoá đi toàn bộ những thành quả do con người tạo dựng đối với các khu du lịch, bãi biển nổi tiếng, hệ thống kè biển bảo vệ dân sinh ở vùng đất xứ Thanh bởi sự “nổi giận” của thiên nhiên.
Như đại công trường
Theo phản ánh của rất nhiều người dân xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá thì có khoảng 40-50 con tàu vỏ sắt đang ngày đêm hút cát trái phép ở khu vực gần Cồn Giàu, cách bờ biển ước chừng một hải lý.
Những con tàu này dùng máy nổ công suất lớn, vừa di chuyển vừa hút khoáng sản rất chuyên nghiệp. Thậm chí, vào khoảng 6 giờ sáng ngày 29/10, phóng viên báo Đại Đoàn Kết chứng kiến cảnh con tàu vỏ sắt không số hiệu lao thẳng vào khu vực gần bờ kè mái đê thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, bình thản thọc vòi rồng xuống eo biển hút cát.
Chiếc tàu này đánh cắp tài nguyên trong khoảng thời gian hàng giờ nhưng không vấp phải sự ngăn cản nào của lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương.
Khi chúng tôi tới gần ghi nhận làm bằng chứng, những lao động lực lưỡng làm việc trên tàu vẫn tỏ ra không lo sợ, cho thấy họ đang bất chấp pháp luật vì mục tiêu lợi nhuận.
Như đã hẹn trước, sau khi rời điểm con tàu bơm cát nêu trên, 6h30 ngày 29/10, tôi lên chiếc mảng của một ngư dân đánh bắt hải sản. Ngư dân đưa mảng rời bờ, tiến về địa điểm mà người đàn ông này nói, có hàng chục tàu vỏ sắt khác đang nạo hút cát dưới đáy biển.
Vừa lái máy, anh thợ lái vừa kể: “Cứ vào khoảng 2-3 giờ sáng hàng ngày, đoàn tàu hút cát kéo nhau về khu vực này “án binh”.
Đến tầm 5h, họ bắt đầu hút cát. Chúng tôi làm nghề đánh bắt con cá, con tôm ở đây để mưu sinh qua ngày, rất bất bình nhưng không biết kêu ai cả.
Nhiều hôm, đám tàu cát manh động xông thẳng vào vùng nước bà con ngư dân bẫy cá thản nhiên lấy cát, phá tan tành ngư lưới cụ. Anh bảo, họ làm vậy, sao chịu nổi?”.
Mất khoảng hơn chục phút đồng hồ chạy mảng, chúng tôi có mặt tại khu vực đội tàu hút cát đang hoạt động.
Đúng như anh lái mảng nói, đập vào tai là tiếng máy nổ gầm gào, phát ra từ các con tàu khai thác cát tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp không khác gì ở đại công trường.
Tôi nhẩm đếm, có cả thảy hơn 50 con tàu đang miệt mài moi “gan ruột” Cồn Giàu. Những con tàu này vừa di chuyển, vừa hút cát khiến màu nước biển vốn xanh biếc trở nên ngầu đục khắp cả một vùng rộng lớn như nước sông mùa lũ về.
Người lái mảng cho biết: Số lượng tàu không giảm, ngược lại còn tăng lên. Mỗi ngày, một tàu hút từ hai đến ba chuyến. Họ hút ròng rã suốt nhiều tháng qua ở ngoài khơi thế này nhằm tránh sự soi mói cũng như ngăn cản của nhân dân.
“Ngoài biển chắc chắn không có cát đưa vào để bù đắp cho vùng lõm do các tàu đánh cắp khoáng sản gây nên. Như vậy, đương nhiên những bãi cát trải dài từ trong bờ sẽ bị sóng biển âm thầm lôi ra.
Và mọi nỗ lực của con người trong việc xây dựng hệ thống đê kè, trồng cây chắn sóng bảo vệ đất liền có thể sẽ trở nên vô nghĩa.
Thậm chí, nếu tình trạng này kéo dài có thể sẽ dẫn tới thảm hoạ thiên tai”- anh lái mảng nhận định. Tôi đề nghị người đồng hành kẹp sát vào hông một con tàu đang hút cát rồi nhảy lên boong.
Trên con tàu có hai thanh niên làm việc, một người điều khiển phương tiện di chuyển, người còn lại miệt mài lao động, theo dõi máy móc bơm cát.
Anh lái tàu cho biết, mỗi ngày anh chạy được từ 2-3 chuyến. Sau khi bơm đầy khoang, toàn bộ những con tàu hút cát trái phép, chở quá tải trọng này đều đưa hàng về bãi tập kết thuộc phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn bán.
Ngư dân chạm trán cát tặc
Tại hiện trường đội quân cát tặc hoạt động, tôi ghé qua con tàu vỏ gỗ cỡ nhỏ của vợ chồng ngư dân N., trú xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hoá. Ông bà N. chuyên giăng lưới đánh bắt hải sản từ hàng chục năm qua, trùng trong vùng biển đám cát tặc lộng hành.
Chưa kịp hỏi, ông N. đã bộc bạch: Đám cát tặc này coi trời bằng vung. Họ coi thường phép nước, không hề đếm xỉa tới việc hàng trăm hộ ngư dân mưu sinh bằng nghề bám biển.
Ông N. kể: “Vòi rồng lia đi, lia lại hút cát, phá nát nhiều ngư lưới cụ của dân. Cách đây ít hôm, một tàu cát đã vò nát ba vàng lưới của tôi. Bức xúc quá, tôi vác gậy nhảy lên tàu đối đầu với mấy thanh niên vạm vỡ. Chúng đẩy tôi xuống biển, may bà ấy chạy thuyền tới kịp vớt tôi lên”.
Câu chuyện đang hồi cao điểm, ông N. vùng đứng dậy chạy lại phía mũi tàu gào lớn: “Cút. Cút ngay, không tau tương đá sang đó”. Thì ra, có một con tàu đang di chuyển vào vùng ông N. buông lưới.
Khi thấy sự quyết liệt của ngư dân và việc tôi đưa máy ra quay, chụp ảnh, anh thợ lái vội vàng điều khiển mũi con tàu quay ra phía xa khơi.
Nói về việc các tàu hút cát biển, chị Phạm Thị Huệ, trú thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá liên tưởng: Bao nhiêu năm qua, dù có bão bùng lớn đến mấy cũng chưa bao giờ thấy nước biển xâm thực vào sâu trong đất liền như đợt ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 vừa qua. Bữa đó, gió giật chỉ tầm cấp 8-9, nhưng không hiểu sao triều cường dâng cao đến vậy.
Sự “nổi loạn” của sóng biển đã phá tan tành nhiều đoạn đê, kè dọc khu du lịch Hải Tiến với chiều dài lên tới khoảng 5 km.
Nước biển nhanh chóng ấn sâu vào trong lòng sông cả cây số, cướp đi hàng trăm héc ta nuôi trồng thuỷ sản như kiểu có sóng thần.
Rồi chị Huệ nhận định: “Bằng kinh nghiệm của cư dân ven biển, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn tới hậu quả trên là do số lượng tàu hút cát ở biển quá nhiều làm cho lòng biển sâu xuống. Từ đó, sóng biển dễ dàng đánh sâu vào phía trong, lôi hết cồn cát và hàng nghìn cây chắn sóng đi”.
Không hiểu chủ nhân đích thực giúp sức cho hàng chục con tàu đang tàn phá đáy biển là ai? Bởi hầu hết những người dân khi trao đổi với chúng tôi, họ đều khẳng định: Sự việc từ chính quyền cấp xã, huyện đều rõ, lực lượng biên phòng, cảnh sát đường thuỷ đều biết, nhưng đám cát tặc vẫn cứ ngang nhiên tung hoành.
Nhân dân kiến nghị lên chính quyền xã Hoằng Phụ suốt và những người có chức trách trả lời, rằng họ đã gửi kiến nghị lên trên rồi. Và mọi việc vẫn cứ ngang nhiên diễn ra, rất khó hiểu.
Ông Nguyễn Đức Long, trú thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ nói: “Thực tế tôi đi làm nghề trên biển, từng chứng kiến có cặp tàu lớn từ Hải Phòng vào neo đậu ngoài khơi Cồn Giàu mua cát biển cả tháng trời. Khi các tàu vỏ sắt bơm đầy cát thì cạp vào đôi tàu nói trên. Sau đó, họ vận hành bốn năm cần cẩu ngoạm gầu chuyển cát từ tàu nhỏ sang tàu lớn, rất công khai mà chả thấy ai bắt bớ?”.
Chính quyền dè dặt
Ngay sau khi Hoằng Hoá có báo cáo thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 10 gây ra lên tới gần 1.000 tỷ đồng, dư luận trong cả nước đã dậy sóng. Lý do là trận bão không đổ bộ trực tiếp vào xứ Thanh, nhưng sao chỉ một huyện ven biển lại bị thiệt hại lớn đến vậy?
Về việc này, ông Lê Huy Cường - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoằng Hoá đã “bóng gió”: Nguyên nhân dẫn tới việc kè, đê biển, đồng tôm bị triều cường phá tan tành là do đám tàu hút trộm cát biển gây nên.
Tuy nhiên ông Cường tỏ ra rất dè dặt, chỉ cho phóng viên xem một vài hình ảnh đơn lẻ mà cá nhân ông quay được về hiện tượng tàu vỏ sắt hút cát nhưng không tỏ rõ chính kiến.
Khó hiểu hơn nữa, ngay cả UBND huyện Hoằng Hoá gần như giữ im lặng, mặc dù có thể chính quyền cũng rất bức xúc và đứng về phía nhân dân.
Phải tới khi Sở TN-MT Thanh Hoá có công văn về việc tham vấn ý kiến nạo vét cửa sông Mã, UBND huyện Hoằng Hoá mới chính thức có văn bản trả lời.
Tại công văn số 1373/UBND-TNMT ngày 22/9/2017 do ông Nguyễn Đình Tuy - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá ký, thừa nhận: Trên địa bàn xã Hoằng Phụ thường xuyên xuất hiện tàu khai thác cát trái phép.
Hoạt động nạo hút cát có tác động không nhỏ đến khu vực bãi biển Hải Tiến và khu vực nuôi ngao xã Hoằng Phụ.
Cụ thể, đội tàu hút cát trái phép làm chất lượng nước bị gây đục, ảnh hưởng đến sức khoẻ của du khách tắm biển; ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản; tiềm ẩn nguy cơ sụt lở bờ biển…
Tuy nhiên, UBND huyện Hoằng Hoá nhẹ nhàng: “Đề nghị dừng nạo hút cát ở cửa sông Mã, tuyến luồng từ phao số 0 đến hạ lưu cầu Hoàng Long”.
Ngoài ra, trong công văn trên, chính quyền huyện Hoằng Hoá khẳng định có việc Đồn biên phòng Hoằng Trường bắt giữ tàu hút cát trái phép và xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, không có số liệu cụ thể và tịnh không đưa một dòng nào nói về thực trạng hiện tại đang có hàng chục tàu vỏ sắt đánh cắp khoáng sản mỗi ngày từ 2-3 lượt.
Bên cạnh đó, mới đây, khi chúng tôi điện hỏi một lãnh đạo chức trách ở Hoằng Hoá, ông này trả lời, “không có tình trạng hút cát ở Hoằng Phụ”.
Song khi phóng viên nói đang ở trên biển chứng kiến cảnh hàng chục con tàu hút cát trái phép thì vị này nói “sẽ cho người ra”. Vậy nhưng, sau cả giờ đồng hồ vẫn không thấy lực lượng chức năng đâu. Chúng tôi tiếp tục gọi điện, nhắn tin thì vị lãnh đạo nêu trên không hồi đáp.
(Kỳ II: Nghịch lý trong nạo vét luồng lạch)