Mặc dù đã có những chế tài xử phạt, tuy nhiên sách lậu, sách giả vẫn đang khiến ngành xuất bản “đau đầu”. Hiện, các mặt hàng “đạo, nhái” này vẫn đang được bày bán công khai từ vỉa hè, nhà sách cho đến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
“Ma trận” sách lậu, sách giả
Dạo quanh các địa điểm bán sách “nổi tiếng” của Hà Nội như phố Đinh Lễ, phố sách cũ đường Láng, phố sách đường Phạm Văn Đồng… người ta như lạc vào “ma trận” của sách. Không chỉ đa dạng về thể loại, giá thành các đầu sách tại những địa điểm này cũng rẻ đến bất ngờ so với giá bìa, và tất nhiên trong đó phần nhiều là các sản phẩm sách lậu đã được “sao y bản chính”.
Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết, anh Tuấn (chủ hiệu sách cũ trên đường Láng) cho biết, mỗi quý, cửa hàng thường nhập hàng nghìn đầu sách mới. Tuy nhiên, để kiểm soát sự xâm nhập của sách giả không hề dễ dàng. Bởi thực tế, các đầu sách cửa hàng nhập thường là “sách ế” của các nhà sách lớn, được mua lại tính theo “cân” chứ không tính theo giá bìa. Anh Tuấn cũng cho biết thêm, vì giá thành rẻ nên người đọc hiện nay chỉ quan tâm tìm nhan đề cuốn sách mà họ có nhu cầu đọc mà ít ai quan tâm xem đó là sách giả hay sách thật.
Không chỉ tràn lan tại các phố sách, vấn nạn sách lậu, sách giả hiện nay còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, thậm chí được bày bán công khai trên các trang mạng xã hội. Chỉ mất vài cú click chuột, độc giả dễ dàng tìm được một seri sách trên kênh online. Hoặc chỉ mất vài chục nghìn là có thể tiếp cận kho ebook, sách nói đa dạng, cập nhật thường xuyên cả những đầu sách mới nhất. Đặc biệt, hiện nay phần lớn các sàn thương mại điện tử có kinh doanh sách như Tiki, Lazada, Shoppee, Sendo... đều cho phép người bán đăng ký gian hàng online. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc kiểm soát được chất lượng sách thêm phần khó khăn.
Miệt mài nhiều năm đi “kêu cứu” trước vấn nạn sách lậu, sách giả, Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước cho biết, những cuốn sách càng bán chạy thì tỷ lệ in lậu lại càng nhiều, trong đó các đầu sách như: Đắc Nhân tâm, Hạt giống tâm hồn, Muôn kiếp nhân sinh... đều bị in lậu. Bản thân First News - Trí Việt đã bị làm giả tới hơn 280 đầu sách, có hơn 40 trang fanpage đang rao bán công khai sách giả trên mạng xã hội các đầu sách của First News cùng hàng trăm đầu sách của các nhà xuất bản khác. Ông Phước cũng dẫn chứng, hàng trăm trang Facebook đang chạy quảng cáo phát hành sách giả kém chất lượng, nhiều bạn đọc đã trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo này. Đáng nói là khi nhà phát hành sách vẫn phải bán với giá bìa, chỉ giảm giá trong một số dịp đặc biệt, thì nhiều loại sách giả, sách lậu đã đại hạ giá tới 50%, thậm chí 70% khiến sách thật khó cạnh tranh và khó đến được tay bạn đọc. Ngoài việc bán giá rẻ, các đối tượng buôn bán sách giả, sách lậu còn dùng chiêu trò đăng ảnh sách thật thu hút độc giả, nhưng sau đó lại bán cho người mua sách kém chất lượng. “Tình trạng vi phạm này lộng hành trên mạng xã hội đang “giết chết” sách thật của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành. Bởi vậy, cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng này” - ông Phước đề xuất.
Xây dựng “tường lửa” bảo vệ sách thật
Trước vấn nạn này, thời gian qua, nhiều đơn vị xuất bản trong ngành sách đã chủ động tìm cách tự bảo vệ như sử dụng các loại tem thông minh, tem nhiệt, tem 7 màu... Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành áp dụng tích hợp công nghệ để bảo vệ thị trường, kết nối các đơn vị làm sách - độc giả - đơn vị quản lý. Ngoài ra, một số Nhà xuất bản cũng tự tổ chức mạng lưới cộng tác viên để phát hiện, truy vết sách giả và báo cáo cho các cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn trong khi quy mô sách giả trên thị trường quá lớn, họ chỉ có thể tập trung truy vết đối với một vài đầu sách bán chạy nhất. Vì thế, nỗ lực nàydù mang lại kết quả nhất định nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ bể”.
Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho biết, nhiều cuốn sách của Nhà xuất bản, đặc biệt những cuốn hay, sách đạt giải thưởng vừa in và kịp giới thiệu ra mắt bạn đọc thì bản lậu điện tử đã xuất hiện. Cứ tác phẩm nào bán chạy trên thị trường là bị “ăn cắp trắng trợn”. Nhưng việc này không phải mới xuất hiện. Nếu trước đây sách in lậu nhiều, thì giờ, sách điện tử lậu còn nhiều và khó kiểm soát hơn. Nó như con “bạch tuộc” nhiều vòi, cứ chặt chân này lại mọc chân khác, xóa trang này lại mọc trang kia. Nhà xuất bản đã nhiều lần làm công văn kiến nghị xử lý, nhưng do pháp luật của ta chưa chặt chẽ, chế tài xử lý chưa nghiêm, mức xử phạt còn thấp nên chưa thể dập tắt được vấn nạn này.
Xung quanh vấn đề này, dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động phối hợp các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng, công an… để triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền; gỡ bỏ các trang này.
“Thời gian tới, Cục sẽ chủ động phối hợp các cơ quan này, đồng thời hướng dẫn tổ chức, cá nhân bị xâm hại bản quyền cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu để có đầy đủ cơ sở pháp lý đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường mạng. “Tuy nhiên, các chủ thể bị xâm phạm bản quyền phải hiểu rõ quyền của mình, đưa ra yêu cầu đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bởi về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước chỉ can thiệp khi có yêu cầu của chủ thể” - ông Nguyên nói.
Trước vấn nạn này, thời gian qua, nhiều đơn vị xuất bản trong ngành sách đã chủ động tìm cách tự bảo vệ như sử dụng các loại tem thông minh, tem nhiệt, tem 7 màu... Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành áp dụng tích hợp công nghệ để bảo vệ thị trường, kết nối các đơn vị làm sách - độc giả - đơn vị quản lý.