Cậu bé vàng của nhạc kịch

Bảo Quỳnh 26/02/2017 08:35

Trong vài năm gần đây, Nguyễn Phi Phi Anh là cái tên không còn xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật. Với “Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng”, Phi Anh được ví là cậu bé vàng của nhạc kịch Việt Nam.

Nguyễn Phi Phi Anh.

Nguyễn Phi Phi Anh thuộc thế hệ 9X. Năm nay mới 26 tuổi, nhưng đã khẳng định được cái gu làm nghề, đó là một điều cực khó. Những người làm nghệ thuật lâu năm, khá kỹ tính như nhạc sĩ Dương Thụ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái và nhiều nghệ sĩ khác nữa cũng đều thừa nhận, Phi Anh là người có tài.

Thậm chí, NSND Lê Khanh từng cho rằng, chỉ cần có 3 Nguyễn Phi Phi Anh thôi, những vấn đề hiện nay của sân khấu sẽ được giải quyết. Còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thẳng thắn, “với Phi Anh, tôi nghĩ là mọi người nên kính trọng cậu ấy”.

Nói điều ấy, là sau khi các văn nghệ sĩ vừa xem xong hai nhạc kịch “Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng”. Vào các ngày 28-2 và 6, 7, 8, 9-3 tại Hà Nội, Phi Anh sẽ “tái xuất” với vở nhạc kịch thứ 3 mang tên “Mộng ước không xa vời”.

Nhiều người quan niệm nhạc kịch là cái gì đó cao siêu. Trẻ như Phi Anh, lại từng học ở Mỹ, từng làm ở hãng Walt Disney, và tham gia một số dự án điện ảnh tại Hollywood (Mỹ), thì lại có cách nghĩ khác. Phi Anh chia sẻ: “Với tôi, nhạc kịch là kịch được kể bằng âm nhạc đại chúng.

Chính vì thế mà cách đây rất lâu, thì nó là opera. Vì khi đó opera là âm nhạc đại chúng, thì nó sinh ra những vở opera. Còn bây giờ ở Mỹ đã có những vở nhạc kịch với nhạc rock, pop. Tôi cũng quan niệm vậy nên tôi chọn những gì là âm nhạc đại chúng để đưa vào vở của mình. Tôi làm việc theo định nghĩa như vậy”.

Sự thật thì đã có lúc, Phi Anh không dùng từ nhạc kịch. Anh đã dùng từ ca nhạc kể chuyện. Lý giải điều này, Phi Anh bảo rằng anh không muốn người ta hiểu nhầm và mình phải giải thích nhiều. “Rất có thể người ta tưởng đó là opera của thế kỷ trước.

Trong khi đó, nếu xem “Nàng tiên cá” với pop, hay “Rend” với rock, nó không có dấu vết gì của những vở opera mà nhiều người hình dung. Họ thích sự pha trộn. Họ không đóng khung cái này cái kia, làm thế nào miễn phù hợp kịch bản. Chúng được gọi chung một từ là nhạc kịch- musical. Cho nên tôi không muốn ngồi nói chuyện tiếng Anh là gì tiếng Việt là gì. Tôi muốn mọi người đến nghe vở diễn có nhạc và có kịch, nhạc là nhạc đại chúng”, Phi Anh nói, và thêm: “Bây giờ tôi dùng từ nhạc kịch. Người ta không bị đẩy đi vì từ nhạc kịch nữa. Tôi cũng không cần đẻ ra khái niệm mới không cần thiết nữa”.

Trở lại với vở kịch thứ 3 của Phi Anh sắp ra mắt khán giả. Theo Phi Anh,“Mộng ước không xa vời” sẽ là vở nhạc kịch khép lại dự án “Hope” (Mộng ước) của anh. Chỉ sau chưa đầy 48 giờ đồng hồ mở bán trên kênh Fanpage “Mộng ước không xa vời”, toàn bộ vé các đêm diễn đã hết. Điều đó cho thấy được “độ hot” của cậu bé vàng của nhạc kịch Phi Anh.

Những thông tin ban đầu cho thấy, “Mộng ước không xa vời” tiếp tục là vở nhạc kịch đương đại kết hợp ca hát, vũ đạo và diễn xuất do PPAN viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất. “Mộng ước không xa vời” quy tụ 35 diễn viên, 17 nhạc công và 15 kiến tạo trẻ và không chuyên.

Nếu khán giả đã từng được làm quen và trải nghiệm câu chuyện cổ tích qua “Góc phố danh vọng”, câu chuyện đậm màu sắc trinh thám qua “Đêm hè sau cuối”, thì “Mộng ước không xa vời” sẽ tiếp tục là một thách thức cảm thụ cho người xem.

Đây là một câu chuyện đời thường pha chút màu sắc khoa học viễn tưởng, khởi đầu với cuộc trò chuyện phiếm trên một chuyến taxi tự động. Ken và Mina, hai người không quen biết, đã cùng nhau theo đuổi một cuộc du hành kỳ lạ để ngăn chặn một đại dịch có nguy cơ xoá sổ nhân loại…

Nguyễn Phi Phi Anh từng có tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore ở tuổi 19. Về điện ảnh, Phi Anh đã thực hiện một bộ phim truyện nhựa dài 92 phút, quay hoàn toàn theo chiều dọc ở tuổi 24. Nguyễn Phi Phi Anh từng lọt vào Top “30 Under 30”- 30 người trẻ dưới 30 tuổi có đóng góp tích cực cho xã hội - của Forbes Vietnam năm đầu tiên (2015).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cậu bé vàng của nhạc kịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO