Sau thành công của mỗi sự kiện lớn, ít ai biết rằng có những người đã âm thầm đổ mồ hôi với cường độ công việc rất lớn để đảm bảo rằng không có một phút giây nào xảy ra sự cố mất điện. Cũng như nếu không trực tiếp chứng kiến, không hình dung được câu chuyện lắng nghe, tiếp thu, cầu thị đối với khách hàng ngành điện có thực hay không.
“Khách hàng là trung tâm” không phải là khẩu hiệu
“Điện nhà em đột ngột bị cắt vì quên không thanh toán. Bây giờ vào app của ngân hàng không thanh toán được nữa thì em phải đến đâu để được cấp điện trở lại” – một chị bạn tôi biết người đàn ông ngồi đối diện là người ngành điện đã “tranh thủ” hỏi. Và vị khách đã hỏi chi tiết mã khách hàng rồi hướng dẫn tận tình việc đăng ký cấp điện trở lại bằng hình thức trực tuyến, không cần đến tận nơi.
Sau này, khi đã biết vị khách tình cờ gặp gỡ ấy là một người có trọng trách của EVNHANOI, chúng tôi cảm nhận cung cách lắng nghe của ông, là thực sự chân thành. Được biết, đó chỉ là một trong số những câu chuyện lắng nghe và giải quyết. Những năm qua, ngành điện Thủ đô đã nỗ lực chuyển đổi số để đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác 24/7, theo phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm”.
Với định kiến có sẵn của nhiều năm tháng, chỗ nào độc quyền thì sẽ có cửa quyền, để thay đổi nhận thức cũng không dễ dàng gì. Cho nên, trong thực tế, không phải không còn có nơi, có chỗ rơi rớt những chuyện không hay. Nhưng với công cuộc chuyển đổi số, khi mọi giao dịch của khách hàng đều giải quyết trực tuyến, rõ ràng, minh bạch, thì cũng đã khắc phục được rất nhiều.
Chỉ cần “1 chạm” ngay trên thiết bị di động thông minh, khách hàng có thể tra cứu, quản lý mọi thông tin về điện. Đặc biệt, có thể chủ động theo dõi chỉ số điện năng tiêu thụ hàng ngày, đặt ngưỡng cảnh báo sử dụng điện, tự tính hóa đơn tiền điện… qua các kênh giao dịch trực tuyến như các trang web của EVNHANOI, qua các ứng dụng Zalo, chatbot trả lời tự động tích hợp trên nền tảng Facebook messenger, dịch vụ nhắn tin truy vấn các thông tin về điện qua đầu số 8088, Cổng dịch vụ công Quốc gia (http://dichvucong.gov.vn)...
Theo một lãnh đạo của EVNHANOI, ngành điện đang phấn đấu để khách hàng không còn phải gọi đến nữa, vì mọi giao dịch được thực hiện bằng công nghệ số.
Sứ mệnh phục vụ
Thời điểm này của hơn 1 tháng trước, phần lớn người dân Việt Nam tự hào vì đã có một lễ khai mạc và bế mạc SEAGames31 với màn trình diễn ánh sáng độc đáo. Nhưng ít người biết rằng, đóng góp cho thành công chung của toàn kỳ SEAGames 31 có những con người thầm lặng của ngành điện.
Chỉ cần nhìn vào các con số cũng thấy được công việc khổng lồ mà họ phải làm, cũng như áp lực đối với họ là rất lớn.
Trên thực tế có 5.161 ca trực đảm bảo điện trong SEAGames 31. Riêng trong ngày khai mạc và bế mạc SEA Games, tổng công suất UPS được lắp bổ sung phục vụ lần lượt là 250 kVA, 210 kVA.
Cho đến khi SEAGames 31 bế mạc, công tác đảm bảo điện đã diễn ra an toàn, ổn định và liên tục cho tất cả các địa điểm tập luyện, thi đấu và các địa điểm phục vụ lưu trú của các đoàn thể thao, ban tổ chức SEAGames 31. Không có bất cứ bất thường nào xảy ra, toàn bộ các ca trực đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Để có được một câu thông báo nghe có vẻ rất bình thường rằng không có sự cố nào xảy ra là cả một sự cố gắng nỗ lực rất lớn. Công tác chuẩn bị bảo đảm điện phục vụ SEAGames 31 được EVNHANOI và các đơn vị thành viên triển khai từ tháng 10/2021. Tại những địa điểm quan trọng, trong đó, có Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Cung Điền kinh Hà Nội, yêu cầu đặt ra là điện không thể bị ngừng dù chỉ trong 1 giây. Các phương án ứng phó được đặt ra. Thậm chí EVNHANOI đã lập và thực hiện diễn tập sự cố tại những nơi trọng điểm. Tổng Công ty cũng đã tổ chức trực và xử lý sự cố, sửa chữa điện 24/24 giờ trong suốt thời gian diễn ra SEAGames 31 tại các đơn vị, nhất là tại 14 quận, huyện có các trọng điểm liên quan.
Tổng Công ty đã kiểm tra, rà soát 32 đoạn đường dây 110kV, 17 trạm 110 kV và hàng trăm trạm biếp áp hạ thế khác trên 14 quận, huyện; diễn tập xử lý sự cố tại tất cả các đội vận hành…
SEA Games 31 vừa rồi chỉ là một trong số những sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước mà EVNHANOI phải đảm trách nhiệm vụ bảo đảm điện an toàn, liên tục trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Đằng sau sự thành công của mỗi sự kiện lớn, có mồ hôi công sức của hàng nghìn công nhân ngành điện mà công chúng không mấy khi nhìn thấy!
“Buộc phải thích nghi với áp lực!”
Đó là câu khẳng định của bà Lã Thu Yến - Giám đốc Công ty Điện lực Nam Từ Liêm (PC Nam Từ Liêm) chia sẻ khi SEA Games 31 vừa kết thúc, ngành điện lực bước vào đợt cao điểm nắng nóng, phục điện cho mùa thi (kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi Quốc gia THPT sắp tới).
Giữa những ngày Hà Nội nóng như đổ lửa, chúng tôi theo chân những người thợ điện đang đi kiểm tra đảm bảo điện cho các kỳ thi. Và những người công nhân kể rằng, mỗi lần có một sự kiện lớn của đất nước thì anh em ngành điện lại bị đặt vào một áp lực rất lớn. Nhất là đối với PC Nam Từ Liêm vì nơi đây có Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, có Sân vận động Mỹ Đình và nhiều cơ quan ngoại giao quốc tế. Ví dụ vừa rồi để bảo đảm điện phục vụ SEA Games 31, Công ty đã rà soát hệ thống lưới điện, đặc biệt là đường dây và trạm biến áp trực tiếp cấp điện cho các nơi trọng điểm. “Ở đây người trong ngành luôn trong tình trạng nhanh, áp lực, phải rất tốc độ để xử lý các sự cố” – bà Yến nói.
Cũng theo lời kể của người trong cuộc, có những kịch bản được xây dựng đảm bảo điện cho SEA Games 31 chỉ nói ra mới được biết thế nào là tốc độ. Nếu trong trường hợp 1 hội trường diễn ra môn thi đấu lại mất điện, tại vị trí không có bộ lưu điện thì sau 0,3 giây tủ chuyển nguồn điện tự động (ATS) sẽ tự chuyển nguồn điện. Điều này có nghĩa là, việc mất điện chỉ diễn ra tương đương trong cái “nhíu mày”, chính người đang có mặt trong hội trường cũng không thể nhận ra là đã mất điện. Còn tại các vị trí thi đấu có bộ lưu điện thì không bao giờ mất điện.
“Tôi không được phép tắt máy điện thoại, bên người luôn có sẵn pin dự phòng, nghe mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm. Thời gian diễn ra SEA Games 31 thời tiết lại quá xấu nên chỉ cần có điện thoại phản ánh là sẵn sàng kiểm tra hiện trường bất kể ngày, đêm để đảm bảo an toàn trong việc cấp điện” – bà Yến nhấn mạnh.
Để bảo đảm điện phục vụ SEA Games 31, Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình - địa điểm tổ chức lễ khai mạc SEA Games 31, PC Nam Từ Liêm bố trí cấp điện từ 2 nguồn điện lưới; đồng thời, bố trí thêm máy phát điện dự phòng và tủ chuyển nguồn điện tự động (ATS), với mục tiêu bảo đảm điện an toàn, công tác đảm bảo điện là nhiệm vụ số 1. Cùng với Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, PC Nam Từ Liêm còn có 7 trọng điểm cần bảo đảm điện phục vụ lễ bế mạc, thi đấu và tập luyện của SEA Games 31. Đây cũng là đơn vị có nhiều trọng điểm cần bảo đảm điện nhất của EVN Hà Nội dịp SEA Games 31.
Hà Nội, những ngày cuối tháng 6 với thời tiết nắng nóng gay gắt. Người ngành điện, vừa thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ ở SEA Games nay lại tiếp tục chiến đấu với mùa nắng nóng cao điểm, rồi đảm bảo điện an toàn trong mùa mưa bão. Sống trong áp lực, và buộc phải thích nghi với áp lực có lẽ vậy!