Câu chuyện quanh tháp Bình Sơn

Phạm Sỹ 31/12/2020 07:00

Tháp Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2015. Thế nhưng hiện nay di tích này đang bị xáo trộn, có những hạng mục trong khuôn viên di tích bị phong hóa, xuống cấp nghiêm trọng.

Tháp hiện nay còn lại 11 tầng, không kể bệ tháp. Phần chóp tháp đã bị mất.

Giá trị đặc biệt

Theo hồ sơ di tích thì khuôn viên của di tích Tháp Bình Sơn tên gọi khác là Tháp Then, Tháp chùa Then, Tháp chùa Vĩnh Khánh rộng tới 17.200m2. Bao gồm Tháp Bình Sơn, tòa Tam bảo cũ, Tam bảo mới, giếng mực, nhà khách, hồ sen, cổng, các công trình phụ trợ.

Tháp Bình Sơn hiện nay cao 16,5 mét, (chỉ còn 11 tầng và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ), tháp được cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về ngọn, với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45 mét, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55 mét. Toàn bộ ngôi tháp được xây bằng gạch nung không tráng men. Cả 11 tầng tháp đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn với các hình cánh hoa cúc, sư tử vờn cầu, sóng lượn lá đề, hoa chanh... Mỗi tầng tháp đều có nhiều hàng gạch khẩu nhô ra làm mái.

Tháp Bình Sơn không chỉ có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mà còn có giá trị mỹ thuật cao, được coi là “hòn ngọc báu của kho tàng dân tộc”. Trên các viên gạch của tháp có rất nhiều loại hoa văn trang trí tinh xảo khác nhau.

Hình rồng trang trí ở tháp Bình Sơn là rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên vuốt tóc. Hình sư tử vờn cầu ở chân bệ tháp đơn giản, hai con sư tử đều không có họa tiết và đồ án trang trí trên thân mà chỉ là hai hình trơn. Lá đề trên tháp Bình Sơn dù nhiều kiểu nhưng đơn giản, không thực trau chuốt như “lá đề” thời Lý.

Trong một số trường hợp, các hình là những bông hoa nhỏ, mềm mại, mang tinh thần trang trí kế thừa từ gốm Lý. Nhưng khá nhiều “lá đề” lại được trang trí bằng “sừng nhọn” và “u tròn” là những họa tiết đáng lưu ý.

Hoa cúc dây đã có từ thời Lý dưới dạng uốn thành khung tròn, lòng khung chứa gọn các đồ án trang trí khác. Thời Trần kế thừa bố cục ô tròn đó. Ở Bình Sơn, mô típ này đã bị ước lược đi: Đường sống chính của “cúc dây” chỉ là một hình “sin” lượn nhẹ, và hình hoạ cũng không còn nữa. Nó không khác mấy so với “cúc dây” trên các bia thế kỷ XVI ở Văn Miếu (Hà Nội) và “cúc dây” trên bia chùa Bút Tháp (thế kỷ XVII)…

Tuy nhiên, hiện nay, trải qua thời gian do tác động của thời tiết, nhiều họa tiết, hoa văn của tháp đang có dấu hiệu phong hóa nghiêm trọng, nhiều viên gạch được khắc họa tiết đã không còn thể hiện rõ đường nét hoa văn.

Giếng mực lại giống như một chiếc giếc hoang cạn trơ đáy.

Xem nhẹ di tích

Một di tích có giá trị đặc biệt như tháp Bình Sơn cần được quan tâm tương xứng. Thế nhưng, di tích vẫn bị phong hóa theo thời gian. Việc trùng tu chưa được tính đến trong khi những công trình “ngốn ngân sách” ăn theo di tích vẫn mọc lên. Ví như hạng mục cổng và khuôn viên sân di tích.

Khi được hỏi về lịch sử của tháp, vị sư trụ trì của chùa Vĩnh Khánh, nằm trong khuôn viên di tích tháp Bình Sơn có nói đây là tháp trấn không phải tháp thờ. Tháp từ thời Tiền Lý chứ không phải Hậu Lý. Vị sư nói: “Tháp không có tài liệu gốc, công nhận (công nhận di tích - PV) nhưng rồi lại để trâu bò vào quấy phá tận nơi, công nhận rồi để đấy, không ai trực tiếp trông coi quản lý… cỏ mọc um tùm báo chính quyền thì lại không ý kiến gì”. Vị sư này cũng cho biết những họa tiết hoa văn của tháp đến hiện tại bây giờ không còn nguyên vẹn.

Trong khuôn viên của di tích tháp Bình Sơn còn có toà Tam bảo cũ bị tòa Tam bảo mới án ngữ che khuất. Đây là tòa Tam bảo được đại trùng tu năm 1976 lùi lại 20m so với vị trí cũ, dạng chữ Đinh, có diện tích 131,5 m2, bao gồm Tiền đường 5 gian, Hậu cung 3 gian.

Đặc biệt công trình có 2 cột đồng trụ phía trước, đua ra 6m, tạo như tay ngai. Nền lát gạch đỏ, đến đáy thượng lương tiền đường cao 4,62 m và đến đáy thượng lương hậu cung cao 4,53 m. Hệ thống tượng thờ tại đây chủ yếu được làm bằng đất phủ sơn, niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một vài tượng có niên đại thế kỷ XX.

Hiện nay tòa Tam bảo này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều vị trí mái ngói bị xô dồn tạo ra những chỗ thủng lớn. Và để tránh nước mưa xói vào người ta đã dùng bạt phủ. Những tấm bia xếp lăn lóc một góc. Bên trong Tam bảo, các tượng thờ đều được “mặc áo mưa” để phần nào ngăn lại sự xâm hại của thời tiết.

Dui, cột của Tam bảo này đã bị mục ruỗng. Gian thờ Thánh Mẫu toàn bộ phần mái không còn mà thay vào đó là cột, xà bằng khung sắt bắn tôn một cách tạm bợ… Không chỉ bị xuống cấp nghiêm trọng mà tòa Tam bảo cũ này còn bị án ngữ, che khuất bởi một tòa Tam bảo mới đồ sộ. Hai tòa Tam bảo này nằm sát nối nhau tạo nên một không gian chùa chật chội, bó hẹp mất đi cảnh quan của chùa cũ.

Cũng theo thông tin đăng tải trên trang web của Cục Di sản văn hóa về hồ sơ của tháp Bình Sơn thì khu vực khoanh vùng bảo vệ của Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt này còn có cả giếng mực và hồ sen. Tuy nhiên, hiện nay xung quanh giếng mực lại giống như một chiếc giếng hoang cạn trơ đáy…

Trước những chuyện đang diễn ra tại Di tích cấp quốc gia đặc biệt này, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại tới ông Dương Quang Ứng - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Ứng cho biết: “Tỉnh và trung ương vừa cấp 500 triệu đồng để sửa chùa, chống xuống cấp. Giờ chỉ chống tạm, còn thì phải chờ quy hoạch mới làm được. Bây giờ Di tích quốc gia đặc biệt phải chờ phê duyệt. Hôm 30/11 vừa rồi (30/11/2020) Chính phủ vừa phê duyệt dự án trùng tu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Câu chuyện quanh tháp Bình Sơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO