Thời nào cũng vậy, kể từ lúc làm báo còn thô sơ cho đến thời buổi công nghệ, thì những bài báo thông tin độc quyền mới thực sự là tác phẩm báo chí, và như thế, nói một cách hình ảnh là báo chí mới không bị “đồng hóa”. Nhưng điều đó không dễ dàng, đặc biệt là trong lúc bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay.
Xây dựng bản quyền, thương hiệu riêng chứ không phải là “mượn” thông tin của nhau
Một điều dễ nhận thấy là báo chí muốn tồn tại và phát triển bền vững thì cần nâng cao chất lượng, xây dựng bản quyền, thương hiệu riêng. Không làm điều đó mà chỉ “mượn” thông tin của nhau rồi trộn lên, làm mới, đánh bóng có nghĩa là “đồng hóa”, là tự giết nhau.
Khi đó, một bài báo không còn giá trị độc quyền thông tin. Người đọc sẽ dễ dàng nhận ra phần lõi thông tin, hay là phần nền thông tin bài báo ấy đã thấy ở đâu đó. Nó có gì na ná, có gì quen quen, có thể đọc vài dòng rồi gác lại cũng không sao.
Gần đây có cái gọi là “làm báo theo nhóm”, trong nhóm đó người ta “phân công” nhau mỗi người theo một việc, khi có thông tin thì “chia sẻ” cho nhau để mỗi người “dựng” lên bài báo của mình, như thật. Bằng cách này, một phóng viên mỗi ngày có thể có dăm bảy bài báo. Và như vậy, ví dụ với nhóm 7 người, thì nhân lên sẽ có đến vài chục bài báo mà thông tin nền giống nhau.
Đó cùng là một trong những yếu tố tạo ra những sản phẩm báo chí “đồng hóa”.
Ở khía cạnh khác, công nghệ thông tin bùng nổ đã mang đến lợi thế vô cùng lớn cho báo chí. Ở đây, không nói đến việc trình bày, in ấn, mà xin được nói chút ít về nội dung. Cũng như phần đông xã hội đã có thói quen “lướt mạng” để nắm được thông tin, thì nhà báo cũng “lướt mạng” vừa là để biết chuyện gì đang diễn ra và cũng là để cóp lại thông tin ấy cho riêng mình. Sau khi cóp được rồi, hoàn toàn có thể xây dựng một bài viết chỉ trong vòng vài ba chục phút, thông tin không phải do mình khai thác được, của riêng mình, mà là thông tin phổ biến. Với cách “vợt mạng” như vậy, gần như tức thì trên hầu hết các địa chỉ truyền thông, báo chí mạng sẽ xuất hiện những tin ngắn, tin dài, bài báo… mà hồn cốt là giống nhau.
Đây có thể nói là cách tự “đồng hóa” một cách khủng khiếp nhất.
Điều đó dẫn đến hệ quả tai hại nhắm trúng vào bản chất của báo chí là giá trị của độc quyền thông tin. Chỉ có anh mới có thông tin ấy, riêng tòa soạn của anh sử dụng thông tin ấy thì bài báo mới trở nên giá trị. Thật đáng tiếc, theo thời gian và cách thức làm báo “kiểu mới” đã và đang làm mờ nhạt giá trị độc quyền thông tin, điều mà các nhà báo chân chính hiểu rất rõ và luôn đau đáu vì nó.
Chia sẻ tại một diễn đàn đi tìm mô hình kinh tế mới cho báo chí, một số nhà báo cho rằng, vấn đề bản quyền nội dung đang là điểm yếu chí tử của báo điện tử và cả báo giấy. Vấn nạn xào xáo của các tờ báo mạng, cóp trên mạng để làm báo giấy đã tạo ra nhiều bài viết có nội dung tương tự nhau, khiến mặt bằng thông tin trở nên nhạt nhòa, khó ghi dấu ấn. Từ đó, dẫn đến việc bán sản phẩm của các tòa soạn gặp rất nhiều khó khăn, kể cả báo điện tử lẫn báo giấy.
Ngày càng xuất hiện tình trạng có một thông tin hay thì lập tức tràn ngập trên các trang báo điện tử và mạng xã hội. Sau đó, báo giấy “vào cuộc” bằng cách cóp nhặt, nhào trộn theo kiểu “làm sâu” để in ra. Như vậy, giá trị thông tin bị giảm sút ghê gớm, dẫn đến việc tự ‘đồng hóa’.
Một số nhà báo cho rằng, để bán được báo điện tử, công tác bản quyền là điều mà những người làm báo chân chính bắt buộc phải nghĩ đến. Tuy nhiên lại gặp phải một việc là các báo điện tử liệu có sẵn sàng cam kết bảo vệ bản quyền cho sản phẩm của nhau không? Điều này vẫn là câu hỏi treo lơ lửng mà chưa có sự trả lời nào rõ ràng và cũng chưa thấy thực hành trong thực tiễn.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhiều người làm báo tử tế bây giờ trăn trở với câu hỏi là liệu làm báo tử tế thì tôi có sống được không? Đây là một việc mà tất cả các báo chí cũng như là cơ quan quản lý báo chí đang phải cùng nhau bàn cách để tăng nguồn thu cho báo chí và tìm cơ chế để cho những người làm báo tử tế có thể hoạt động đều có thể sống được. “Muốn tăng nguồn thu, vấn đề bản quyền chắc chắn không thể không bàn tới”, theo ông Lâm.
Một nghiên cứu cho biết, doanh thu quảng cáo trên internet, hai doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu là Google và Facebook chiếm khoảng 80%, còn lại “miếng bánh” rất nhỏ là “cuộc chiến” giữa tòa soạn của các cơ quan báo chí. “Cuộc chiến” này khiến các tòa soạn phải tìm cách kéo số lượng người xem về những vấn đề gọi là nóng, mới. Điều này dẫn đến câu chuyện về thông tin giật gân, gây sốc câu view và cả vấn đề về bản quyền.
“Nếu như mọi người đều cùng là sản phẩm giống nhau thì tại sao tôi lại cần báo này mà không xem báo khác trong khi các báo chẳng có gì khác nhau cả. Bây giờ việc cần là phải thay đổi nhận thức trong nội bộ đội ngũ người làm báo và những người lãnh đạo các cơ quan báo chí. Chúng ta chỉ có một con đường sống bền vững là phục vụ các đối tượng khán thính giả mục tiêu của mình và thực sự phải trở thành chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực mình mạnh nhất, chứ cứ “đồng hóa” là tự giết nhau”, ông Lâm nói.
Cũng rất đáng suy nghĩ khi trong khoảng nửa đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, nếu như báo chí điện tử Việt Nam ghi nhận sự gia tăng mạnh lượng truy cập của người dùng (tăng gấp 2 lần lượng thuê bao truy cập báo điện tử so với năm 2018, 2019) nhưng lại sụt giảm nặng nề nguồn thu; trong khi thì nhiều đơn vị báo chí nước ngoài lại thu thêm lượng lớn thuê bao người đọc báo (người đọc trả phí để đọc báo). Ví như tờ New York Times trong nửa đầu năm 2020 đã có thêm hơn 6 triệu thuê bao đăng ký mua tin tức trên toàn thế giới.
Thách thức và cơ hội
Ngày 8/4/2020, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 43- CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới”. Chỉ thị nêu rõ: “Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội chi phối, lấn át, gây ra nhiều tác hại”.
Như vậy, rõ ràng những thách thức từ truyền thông xã hội - truyền thông mới đang là thách thức đối với mỗi người làm báo, mỗi tòa soạn báo. Sự phát triển mạnh mẽ của internet và truyền thông đa phương tiện, sự tác động ngày càng sâu rộng của mạng xã hội, xu hướng hội tụ công nghệ và sự suy giảm của báo in trên thế giới thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp, nhiều mặt đến hoạt động báo chí.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về số lượng người sử dụng Internet với 67% dân số sử dụng, truy cập trung bình 7 tiếng/ngày, khoảng 360 mạng xã hội hoạt động (số liệu tháng 12/2018), số người sử dụng mạng xã hội đạt 64% dân số cả nước, ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á và châu Á (tính đến cuối năm 2019). Điều này chính là sức ép tự nhiên đòi hỏi nhà báo phải nhìn lại mình nếu muốn có được chỗ đứng trong nghề.
Nói như Evan Smith, Tổng Biên tập Tạp chí Texas Monthly, thì những mạng xã hội như Facebook và Twitter đang thực sự thay đổi diện mạo của báo chí. Hầu như bất kỳ một phóng viên báo chí khôn ngoan nào cũng dùng Facebook hay Twitter. Ai cũng đều có thể sản xuất tin tức trên mạng xã hội. Đây cũng là thách thức lớn đối với chỗ đứng của nhà báo.
Ông Trần Bá Dung (Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng trước tình thế đó báo chí phải đổi mới, nhập cuộc tích cực trong sự cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội để khẳng định vị thế và vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Mặt khác, báo chí phải cảnh giác với nguy cơ bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng, thậm chí có với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, dẫn đến thông tin sai sự thật, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của báo chí.
Cũng có một thực tế là trong xu hướng sụt giảm báo in, sụt giảm quảng cáo từ báo chí truyền thống, muốn tăng nguồn thu từ quảng cáo và báo điện tử, nhiều cơ quan báo chí đang dần phụ thuộc vào mạng xã hội khi mà thực hiện những chiến lược khai thác mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập.
Trở lại với câu chuyện nguy cơ tự “đồng hóa” của báo chí, cần nhận rõ thực tế ấy tuy nhiên cũng cần nhận thức đầy đủ rằng mạng xã hội là ngôi nhà thứ hai, là đối tác, trợ thủ nhưng cũng vừa là đối thủ của báo chí.
Trong thách thức có cơ hội và ngược lại. Nếu biết cách phân tích, chọn lọc và vận dụng, thách thức từ truyền thông số cũng chính là cơ hội bứt phá cho báo chí. Nhưng làm được điều đó không dễ. Đó chính là thách thức rất lớn của những người làm báo hôm nay.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, nếu coi view là tôn chỉ mục đích, tiêu chí duy nhất để phát triển một tòa soạn, sẽ dẫn đến những kết quả vô cùng tệ hại. Đó là chúng ta “đồng hóa” toàn bộ những cơ quan báo chí, đánh mất cái quan trọng nhất là bản sắc của một tờ báo, của một tòa soạn và cuối cùng là đánh mất độc giả tốt. Bởi vì, cái họ đọc được trên mặt báo của mình, họ có thể đọc được ở nhiều nơi khác. Thông tin thiếu bản quyền khiến cho thông tin không giá trị. Người ta sẽ không trả tiền, không mất thời gian cho những thứ không có giá trị.