Lâu nay, không chỉ người dân ở khu tập thể A3, tổ 27, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy – Hà Nội) mà khách đến đây đều thấy thân thuộc với một tủ sách báo nằm dưới ngay chân cầu thang tầng 1. Diện tích chỉ non 20 chục mét vuông, nhưng sắp xếp khéo léo, gọn gàng nên “thư viện” này vẫn đủ cho khoảng hơn chục người ngồi đọc sách báo mỗi ngày. Bà con trong khu tập thể vẫn quen gọi đây là “Cầu thang văn hóa”.
Thấy tôi ghé thăm, bà Tuấn người đảm nhiệm vai trò quản lý “Cầu thang văn hóa” tận tình giới thiệu từng đầu báo, từng cuốn sách mà vợ chồng ông bà vừa xin và đặt mua về phục vụ cho bà con trong khu tập thể.
“Cũng không nhiều lắm nhưng đủ và kịp thời thông tin cho bà con về các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Giới hưu trí thì có báo Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Tiền Phong…Bọn trẻ thì có báo Chăm học, Tuổi trẻ cười. Đủ cả”, bà Tuấn bảo vậy.
Mỗi sớm, cầu thang bắt đầu rộn rịp bước chân cũng là lúc vợ chồng bà Tuấn ra nhận báo và mở tủ sách ở cầu thang. Đó như là một thói quen thân thuộc từ lúc bà tiếp nhận vai trò quản lý từ cụ Bảo mấy năm về trước. Từng tờ báo được bà cẩn thận xếp ra bàn đọc phục vụ cho bà con. Cuối ngày, lại cẩn thận thu gom rồi xếp ngăn nắp vào một chỗ riêng.
Hỏi về sự ra đời của “Cầu thang văn hóa” bà Tuấn kể, nó được bắt đầu từ một buổi trò chuyện của các cụ hưu trí nhà A3. Lúc đó, ông Côn chồng bà Tuấn, hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố 27 và một số người nữa nhận thấy nơi đây diện tích rộng rãi, nếu thu xếp thành nơi sinh hoạt cộng đồng - nơi mọi người cùng đến đọc sách, báo, giao lưu, trò chuyện, tăng thêm tình đoàn kết thì có lẽ rất hợp lý.
Khi ý tưởng này được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến ai cũng gật đầu khen hay. Thế là từ ý tưởng đến hiện thực cũng không mất nhiều thời gian. Đảng viên và cán bộ hưu trí là người gương mẫu đi đầu. Ông Trương xung phong đóng bàn ghế phục vụ bà con đến đọc báo. Cụ Bảo nhận trọng trách quản lý, trông coi tủ sách báo. Còn lại, mỗi người một chân một tay dọn dẹp, sắp xếp. Ngoài số báo xin được từ Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Chi bộ…thì kinh phí để mua báo kêu gọi sự ủng hộ của các gia đình trong khu tập thể.
“Mỗi quý tôi lại đi từng nhà để quyên góp. Người nhiều thì ủng hộ 100 ngàn, người ít vài ba chục. Mỗi lần được khoảng hơn 1 triệu đồng. Ai đóng bao nhiêu chúng tôi đều ghi công khai trên bảng thông báo. Rồi hàng quý tổ chức lấy ý kiến của mọi người xem những đầu báo đó có hợp với các gia đình không, thông tin cập nhập có bổ ích không, nếu nhiều hộ kiến nghị chúng tôi lại đổi báo khác”, bà Tuấn chia sẻ.
Quá tuyệt vời – Đó là lời nhận xét của các thành viên tham gia sinh hoạt ở “Cầu thang Văn hóa”. Bác Nguyễn Thị Thư cho biết, ngày nào chị em tôi cũng ra đây đọc báo và cập nhật tin tức rồi chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong cuộc sống, những bài thuốc quý hay cách giáo dục con cháu trong nhà... Chẳng thế mà hôm nào mệt mỏi hay trái nắng trở trời mà không xuống được đây là lại thấy hụt hẫng cô ạ.
Mọi người đến đây đọc báo ai cũng có ý thức, mỗi tờ báo đọc xong đều được gấp lại phẳng phiu, ngăn nắp. Bọn trẻ nhìn người lớn làm rồi chúng cũng tự động làm theo. Các hộ gia đình trong khu tập thể cũng luân phiên mỗi tuần đảm nhiệm việc quét dọn cầu thang sạch sẽ. Có thể nói, từ khi xây dựng “Cầu thang văn hóa” đời sống tinh thần của bà con trong khu tập thể A3 đã có những thay đổi đáng kể. Mọi người đều thấy thân thiện gắn bó với nhau hơn. Những khúc mắc hay bằng mặt không bằng lòng cũng sớm được giải tỏa khi ngồi lại với nhau.
Từ những thành công mà mô hình Cầu thang văn hóa của khu tập thể A3 làm được, hiện phường Nghĩa Tân đã nhân rộng thêm nhiều “Cầu thang văn hóa” trong phường, góp phần tạo nếp sống văn minh, thân thiện, đoàn kết trong các khu tập thể trên địa bàn phường.