Người dân mong tỉnh Đắk Lắk sớm có phương án điều tiết ngân sách, hoàn thành đường dẫn để người dân được hưởng lợi từ những công trình cầu treo.
Nhiều cầu treo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành nhưng vẫn chưa có đường dẫn.
Đắk Lắk là một tỉnh nằm trong Đề án 186 xây dựng cầu treo dân sinh theo Quyết định số 1906/QĐ-BGTVT ngày 20/5/2014 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Theo yêu cầu của Bộ GTVT, đến cuối tháng 6/2015, các công trình cầu treo dân sinh này phải hoàn thành.Thế nhưng, hiện tại 9 cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, một số đã bố trí được vốn để xây dựng đường dẫn 2 bên mố cầu, một số vẫn còn dang dở, khiến cho việc đi lại sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trở lại xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông), địa phương có khá nhiều vị trí người dân giăng cáp đu dây qua sông, nhìn hai cây cầu treo mới vừa được thi công xong tại các thôn 2 và 6, lòng ai cũng vui. Bởi từ nay, người dân không còn phải đu dây qua sông để sản xuất như nhiều năm trước.
Câu chuyện buồn về cái chết của ông Nguyễn Chua (người tử vong do đứt dây cáp treo khi đu dây đi làm rẫy) cũng không còn ám ảnh người dân. Thế nhưng, với hàng trăm hộ dân nơi đây, niềm vui có cầu mới vẫn chưa trọn vẹn như mong ước, khi cầu đã được đầu tư làm xong nhưng vẫn chưa có đường vào, gây nên nhiều bất cập.
Ông Võ Châu Thắng, cán bộ quản lý giao thông thủy lợi xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) chia sẻ: “Hiện cầu treo thôn 6 đã đưa vào sử dụng từ 3 tháng trước, còn cầu thôn 2 cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Thế nhưng, do thiếu đường dẫn vào 2 đầu cầu nên muốn qua sông để sản xuất, người dân phải đi tắt ngang qua rẫy của một số hộ dân hai bên đầu cầu. Chỉ mong huyện, tỉnh, Trung ương xem xét làm đường dẫn lên cầu cho người dân qua lại dễ dàng, chứ cho cầu mà không cho đường thì người dân làm sao đi”.
Theo quan sát của chúng tôi, để đi qua cầu thôn 6, người dân phải băng qua rẫy chừng 700 m, còn muốn qua cầu thôn 2, người dân phải đi khoảng 2 km. Nhiều người dân chia sẻ, họ sẵn sàng hiến đất làm đường hai bên mố cầu để công trình sớm phục vụ nhân dân. Chính quyền xã cũng đã gửi kiến nghị lên cấp huyện nhưng đến nay chưa thấy có hồi âm.
Còn tại địa bàn huyện Buôn Đôn, địa phương được Bộ GTVT đầu tư xây dựng 4 cây cầu treo thì đến nay mới chỉ có 2 cầu tại thôn 7, 8 xã Ea Huar là có đường dẫn tạm. Còn lại 2 cây cầu tại thôn 8 và thôn Ea Kly của xã Ea Wer hiện vẫn không có đường đi vào cầu.
Ông Nguyễn Duy Hoài, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Buôn Đôn cho hay: “Muốn mở đường thì phải có vốn giải phóng mặt bằng và bồi thường cho các hộ dân có đất rẫy ở hai bên đầu cầu. Hiện nay ngân sách địa phương không đủ để thực hiện việc giải phóng mặt bằng và thi công làm đường. Trước mắt, để giúp người dân có đường đi qua cầu, huyện đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với chính quyền các xã Ea Wer, Ea Huar vận động những gia đình có đất hai bên đầu cầu cho bà con đi nhờ qua rẫy”.
Theo tính toán của huyện, tổng chiều dài các tuyến đường nối 4 cầu xây dựng tại địa phương khoảng 2,4 km, kinh phí ước tính 4,8 tỷ đồng, quy mô đường cấp V, bằng bê tông xi măng, mặt đường rộng 3 mét. Tuy nhiên, theo Quyết định 1906 của Bộ GTVT đã nêu, công tác giải phóng mặt bằng và kinh phí kết nối đường 2 đầu cầu do địa phương chịu trách nhiệm.
Ông Tô Quang Định, Phó Phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo Đề án 186 thì Bộ GTVT chỉ đầu tư xây dựng cầu treo kiên cố cùng 10 m đường đầu cầu tính từ đuôi mố neo, phần còn lại do địa phương bố trí vốn để làm đường. UBND tỉnh và Sở GTVT cũng có nhiều văn bản đôn đốc các huyện, thị xã thực hiện. Tuy nhiên, đến nay do khó khăn về vốn nên các địa phương chậm triển khai.
Trước tình trạng cầu treo đã được đầu tư làm xong, nhưng không có đường dẫn khiến cho việc đi lại, sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Người dân mong tỉnh Đắk Lắk sớm có phương án điều tiết ngân sách, hoàn thành đường dẫn để người dân được hưởng lợi từ những công trình này.