Cuối tuần qua, tại Hội nghị góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục ĐH sửa đổi, bổ sung do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức, nhiều vấn đề liên quan đến qui hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục đại học (ĐH) đã được các đại biểu phân tích.
Sớm cấu trúc lại hệ thống giáo dục ĐH
Hiện nay cả nước có gần 300 trường ĐH, CĐ. Số sinh viên học trong các trường ĐH công lập là hơn 1,4 triệu, chiếm 84%; số sinh viên ngoài công lập là hơn 267.000, chiếm 16%. Việc tổ chức lại hệ thống giáo dục ĐH là một trong những chủ đề quan trọng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị vừa nói trên.
Ông Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, để hệ thống giáo dục ĐH nước ta phù hợp với hệ thống ĐH thế giới thì chỉ nên bao gồm: ĐH (university) và trường ĐH (college). Trường ĐH gồm các khoa và viện nghiên cứu. Còn ĐH gồm các trường chuyên ngành (school), khoa, viện nghiên cứu.
ĐH quốc gia, ĐH vùng gồm các trường ĐH thành viên. Theo ông Ga, trong bối cảnh cạnh tranh hội nhập quốc tế hiện nay, việc phát triển hệ thống giáo dục ĐH nhỏ lẻ, manh mún không còn mang lại hiệu quả đầu tư, không đủ sức cạnh tranh, xếp hạng.
Còn TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) phân tích: mô hình ĐH đa lĩnh vực của ta hiện đang gây hiểm lầm. Ở Việt Nam, các cơ sở giáo dục ĐH thường được tổ chức theo từng lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ví dụ như: trường ĐH Tổng hợp, trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Sư phạm…
Cách tổ chức như vậy gắn rất chặt với cơ chế bộ chủ quản, mỗi trường ĐH luôn thuộc về một bộ chủ quản. Điều này hoàn toàn khác với bản chất tự chủ của các ĐH đa lĩnh vực, thích hợp với cơ chế tự chủ trong nền kinh tế thị trường.
Cân nhắc quy định về sở hữu
Liên quan đến vấn đề sở hữu, các đại biểu cho rằng, đây là một khái niệm tác động đến cả hệ thống giáo dục. Tại Dự thảo Luật Giáo dục ĐH, khi viết về ĐH công lập đã khẳng định đó là thuộc “sở hữu nhà nước” (Khoản 1, Điều 16). Tuy nhiên, các loại sở hữu khác (sở hữu tư nhân, sở hữu chung cộng đồng hoặc sở hữu tập thể) thì lại qui định chưa rõ.
Cho dù vậy, khi đọc Dự thảo Luật Giáo dục ĐH chúng ta vẫn có thể phân biệt được loại hình ĐH tư thục vì lợi nhuận (sở hữu tư nhân, mọi định chế quản trị dựa vào vốn, được tham chiếu luật doanh nghiệp); loại hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận, mọi định chế quản trị tương tự như đối với trường ĐH công lập. Có ý kiến đại biểu cho rằng, qui định như vậy không tạo được động lực cho nhà đầu tư.
Theo ông Trần Đức Cảnh, Uỷ viên Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực, mô hình trường phi lợi nhuận trong các dự thảo Luật hiện nay chưa diễn đạt hết ý nghĩa và mục đích của loại hình trường này. Theo đó, nguồn thu chính của trường gồm học phí, đóng góp của xã hội, hợp đồng với Chính phủ và doanh nghiệp, nguồn thu từ đầu tư…
Đa phần nguồn thu chính của trường là học phí. Học phí thu ở các ĐH phi lợi nhuận cao hơn trường công và trường lợi nhuận rất nhiều, vì xã hội đánh giá phần lớn loại trường này chất lượng và đẳng cấp hơn. Họ cũng có khả năng cấp học bổng cho nhiều sinh viên nghèo, học giỏi. Nhưng đó là thực tế các trường ĐH phi lợi nhuận ở Mỹ.
Còn ở nước ta hiện nay vẫn còn xa lạ với loại hình trường này. Nhưng ông Cảnh tin rằng đây là mô hình có thể giúp cho giáo dục ĐH Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên nếu không giải quyết được tính sở hữu và cấu trúc của loại hình này thì ĐH phi lợi nhuận chỉ mang tính “nửa mùa”, thiếu sự bền vững và lâu dài.
Ông Phạm Huy Dũng, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long thì cho rằng, khái niệm trường phi lợi nhuận để phát triển, chứ không phải phi lợi nhuận vì bác ái, nhân đạo… Xung quanh chủ đề này, các đại biểu cho rằng, nếu phân loại giáo dục ĐH theo sở hữu (nhà nước, tư nhân, chung cộng đồng hoặc tập thể) rồi định chế về tổ chức theo 3 mô hình: ĐH công lập, ĐH tư thục không vì lợi nhuận, ĐH tư thục vì lợi nhuận thì sẽ rành mạch, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn.
Liên quan đến vấn đề ĐH quốc gia, ĐH vùng, các đại biểu cho rằng, nếu để nguyên trạng ĐH quốc gia, ĐH vùng như hiện nay thì sẽ xảy ra tình trạng bất cập kéo dài. Nếu chọn phương án tách nhỏ thì không hợp với tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Do vậy, chỉ còn cách sắp xếp lại theo nguyên tắc như các đại biểu đã phân tích ở trên.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo đặc biệt lưu ý cân nhắc những vấn đề thuộc nghiệp vụ quản lý giáo dục ĐH. Cụ thể là thời gian “đào tạo trình độ đại học thực hiện từ 3 đến 5 năm học tập trung” (Điều 35). Bởi trong thực tế, giáo dục ĐH Việt Nam có khối lượng kiến thức chính trị, quân sự, thể dục thể thao lớn. Nếu qui định như dự thảo thì không còn đủ quĩ thời gian cho các môn chuyên ngành.
Điều 38 qui định “Văn bằng Giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng ĐH, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ”. Qui định này không phù hợp với thực tế Việt Nam. Hiện ở nước ta, ngoài các chương trình 4 năm lấy bằng cử nhân, còn có các ngành theo hướng chuyên sâu lấy danh hiệu bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư….
Thực tế này rất đáng duy trì. Vì vậy các đại biểu kiến nghị sửa là: “Văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng Cao đẳng, bằng Cử nhân, bằng chuyên gia (bác sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư, chuyên khoa I…), bằng thạc sĩ hoặc tương đương (BS nội trú, chuyên khoa II) và bằng tiến sĩ.