Gần đây, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (thuộc huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum), người ta chứng kiến cảnh cây cu-li đang bị khai thác một cách rầm rộ. Cu-li được bày ra cả hai bên con đường dẫn vào rừng. Người dân trong vùng cho biết, họ khai thác cu-li là để bán cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đak Glei.
Cu-li chất hai bên đường xã Đak Troong.
Công ty thu mua, người dân khai thác mạnh
Dọc theo con đường liên xã Mường Hoong - Đak Troong, có ít nhất là 5 điểm tập kết cây cu-li, kéo dài chừng hơn 100 mét. Cũng không thể biết tổng số lượng là bao nhiêu nhưng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng đây là khối lượng rất lớn, đồng nghĩa với việc loại cây này đang bị khai thác theo lối tận thu. Những người dân vào rừng chặt cu-li cho biết, họ khai thác để bán cho Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đak Glei.
Những địa điểm bị khai thác mạnh nhất là khoảnh 1, khoảnh 2 tiểu khu 84; khoảnh 3 tiểu khu 83 xã Mường Hoong. Tổng diện tích bị khai thác ước chừng 200 ha.
Đại diện Hạt Kiểm lâm Đak Glei cho biết, Công ty lâm nghiệp Đak Glei khai thác cây cu-li trên lâm phần của họ, vì họ là chủ rừng theo Thông tư 20, 21.
Theo đó, chủ rừng được hưởng lợi từ rừng, tận thu lâm sản ngoài gỗ nên không cần giấy phép khai thác của các cấp có thẩm quyền. Công ty cũng đã lập hồ sơ khai thác và gửi thông báo cho Hạt Kiểm lâm.
Còn Hạt chỉ kiểm soát về khối lượng theo hồ sơ khai thác trên lâm phần theo quy định. Cơ quan chức năng cũng cho rằng, cây cu-li không nằm trong danh sách lâm sản quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng, nên họ được phép khai thác.
Được biết, trong hồ sơ đăng ký khai thác Công ty lâm nghiệp Đak Glei dự kiến khai thác với tổng khối lượng 200 tấn, và đã tiến hành công việc từ trước Tết Nguyên đán.
Đến nay chừng 106 tấn cây cu-li và cây “máu chó”. Được biết, theo giấy phép thì Công ty kể trên được quyền khai thác cho đến ngày 31/12/2017.
Như vậy, theo giấy phép, chỉ còn 94 tấn nữa là hết, nhưng cho tới thời điểm này với sự khai thác quá dữ dội thì e rằng lượng cu-li trong lâm phần này sẽ cạn kiệt nhanh chóng và đó thực sự là nỗi lo lớn.
Đáng nói là không chỉ Công ty lâm nghiệp Đak Glei khai thác, mà người dân trong vùng cũng “tranh thủ” khai thác, nên tốc độ phá hủy là rất lớn.
Cạn kiệt một loài cây (ở đây là cây cu-li và cây “máu chó”) sẽ tác động tới sự đa dạng sinh học. Với rừng tự nhiên, việc hao hụt số lượng của bất kì loại cây nào thì cũng đều khiến môi trường mất đi sự bền vững.
Một mối lo ngại nữa là khi người dân được thuê đi chặt cu-li, khi lâm phần khai thác cho phép cạn kiệt, họ hoàn toàn có thể tới nơi khác chặt tiếp.
Cách đó không xa là những khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng- những nơi có trữ lượng cây cu-li khá lớn. Nơi đây, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, mỗi ngày đi chặt cu-li bán cho Công ty được chừng 100 ngàn đồng cũng đã là một khoản thu nhập lớn. Vì thế, nếu không có biện pháp thích hợp thì hệ cu-li ở khu vực này bị phá hủy là đương nhiên.
Cần cân nhắc kĩ lưỡng
Câu hỏi đặt ra là: Công ty lâm nghiệp Đak Glei thu mua cu-li bán đi đâu? Ai là người mua? Câu trả lời vẫn không rõ ràng. Nhưng chắc chắn là các cơ sở bào chế dược liệu tại mấy tỉnh trong khu vực Tây Nguyên không có nhu cầu.
Người dân trong vùng cho biết, cu-li được khai thác để bán cho thương lái nước ngoài. Còn về phía Công ty không đưa ra câu trả lời nào.
Theo TS Nguyễn Hưng Châu, việc khai thác cu-li dữ dội như đã và đang diễn ra tại vùng núi Ngọc Linh- là khu bảo tồn thiên nhiên và là thủ phủ của cây sâm Ngọc Linh quý hiếm là điều rất cần cân nhắc kĩ lưỡng.
Cây cu-li sống dưới tán rừng, có tác dụng giữ nước, giữ đất chống xói mòn rất hiệu quả cho các cánh rừng nguyên sinh. Nếu chúng bị tận diệt sẽ nhanh chóng biến đổi môi trường sống của nhiều loại cây ở đây, nhất là với cây sâm Ngọc Linh.
Còn nhớ, trước đó, hồi đầu năm 2016, tư thương tỉnh Kon Tum cũng thu mua cây cu-li với giá 2.000 đồng/kg, sau khi sơ chế bán lại hơn 10.000 đồng/kg.
Lúc bấy giờ, đoạn đường N5 nối từ đường Hồ Chí Minh lên cửa khẩu quốc tế Bờ Y, đoạn qua thôn 7, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cây cu-li được thương lái thu mua đổ thành từng đống.
Cẩu tích (xương sống chó) hay lông cu-li khi trưởng thành cao chừng 1m, tạo thành các cụm cây trên các sườn đồi tại các khu rừng thưa. Cu-li được sử dụng trong y học cổ truyền, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, trừ phong thấp, chữa đau khớp, đau lưng, phong thấp, tay chân nhức mỏi, đau dây thần kinh tọa, thận yếu. Đặc biệt, lông của chúng bám quanh thân rễ dùng đắp ngoài chữa các vết thương chảy máu. |