Thế là một cây đại thụ âm nhạc của nước nhà đã ngã xuống: GS Trần Văn Khê! Ông sinh năm 1921 tại Vĩnh Kim (Tiền Giang) trong một gia đình 4 đời nhạc sĩ. Ở Nam Bộ, ít có gia đình nào mà thân thế lẫy lừng như vậy trong âm nhạc, kể cả nhạc truyền thống lẫn nhạc Tây phương.
GS Trần Văn Khê trong dịp liên hoan đờn ca tài tử lần thứ nhất tại Bạc Liêu 2014
Ảnh: Quốc Trung
Năm 1934, ông lên Sài Gòn học trường Trung học Trương Vĩnh Ký và chỉ huy dàn nhạc của trường cùng dàn nhạc Scola Club. Năm 1940, ông đậu thủ khoa tú tài toàn phần và được cấp học bổng ra Hà Nội học trường Y. Năm 20 tuổi, ông chỉ huy dàn nhạc của sinh viên tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trình diễn những bản nhạc Pháp và nhạc Việt Nam...
Mùa hè 1943, ông trở về Sài Gòn lập gia đình. Cách mạng tháng 8 thành công chưa được bao lâu thì kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Lúc sinh thời, Trần Văn Khê thường nói: “Tôi không phải là người hoạt động cách mạng hiểu theo nghĩa được tổ chức giáo dục và phân công. Tôi tham gia kháng chiến chống Pháp chỉ vì lòng yêu nước và sự khát khao độc lập cho dân tộc với mong ước được góp phần khiêm tốn của mình vào cuộc đấu tranh của toàn dân. Tôi luôn thiết tha với những giá trị tinh thần phải gìn giữ. Đó là suy nghĩ trước sau như một trong suốt cuộc đời tôi”. Giáo sư viết trong hồi ký của mình: “Tôi tình nguyện tham gia kháng chiến nhưng không muốn cầm súng mà muốn được hoạt động văn nghệ. Ông Huỳnh Văn Tiểng bàn với tôi, nước nhà sắp độc lập, ngày thắng trận sẽ có biểu diễn tại Sài Gòn trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn), do đó, ngay từ bây giờ, phải thành lập ra một ban nhạc quân đội. Anh thay mặt Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ bổ nhiệm tôi làm nhạc trưởng Quân đội Nam Bộ, cấp đại đội trưởng cộng hòa vệ binh, có quyền mang vũ khí đi lại khắp Nam Bộ, có quyền sung công tất cả nhạc cụ cần thiết để tạo lập ban nhạc quân đội”. Sau đó, ông xuống hoạt động âm nhạc với Lưu Hữu Phước. Cuối năm 1946, Pháp phản công đánh mạnh Cà Mau. Ban nhạc tan rã. Ông trở về Sài Gòn, sống bằng nghề dạy học và viết báo. Ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi bị lộ.
Anh em khuyên ông nên tìm đường sang Pháp lánh mặt một thời gian. Năm 1949 để vợ con ở lại quê hương, ông bước xuống tàu đi Pháp. Ấn tượng về việc bị rứt ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn vẫn còn đọng lại trong ông và lúc đó ông cũng không ngờ rằng phải 25 năm sau mới được dịp quay về quê hương.
Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về âm nhạc học tại ĐH Xooc-bon (Pháp). Từ 1964 -1988, là giáo sư ĐH Xooc-bon, đồng thời là Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp…
Nhiều người nói rằng, trời đã phú cho ông nhiều khả năng đặc biệt, đã tặng cho ông một đất nước, một dân tộc tuyệt vời; tặng cho ông cách nói chuyện diễn giải âm nhạc có sức hấp dẫn, truyền cảm kỳ diệu. Ông giải thích về việc nói bằng ngôn ngữ người nghe rằng: “Tôi từng nói chuyện với các đồng nghiệp nhiều nước, họ uyên thâm và tôi cũng từng nói chuyện với các cháu học sinh cấp hai, ngôn ngữ phải rất khác, nhưng tựu trung có mấy cách: Nói từ chính đến phụ, từ gần đến xa, từ dễ đến khó, từ điều đã biết đến chưa biết, từ cụ thể đến trừu tượng. như vậy có nghĩa phải so sánh, từ cái gì người ta biết, gần gũi mà mở rộng ra và nói được thì phải chứng minh, minh họa”.
Trong cuộc sống, GS Trần Văn Khê là người hết sức bình dị. Lẽ sống của ông là yêu thương và làm việc hết sức mình. Đối với học trò, ông nghiêm khắc, song hết sức tận tụy, khoan dung. Thế mà con người uyên bác ấy lại hết sức khiêm tốn. Ở ông, toát lên tính cẩn thận và sự trung thực của một người có học vấn uyên thâm mang dáng dấp của một triết nhân. Ông là người rất kỹ lưỡng, luôn ghi chép cẩn thận những sự việc có liên quan đến âm nhạc và những người thân của ông. Ông cũng bảo quản rất kỹ những băng, đĩa nhạc, những tấm ảnh chụp ông, gia đình và bạn bè. Mỗi khi có một nhà báo phỏng vấn xong, ông thường ân cần hỏi: “Còn có muốn hỏi thêm chuyện gì nữa không”.
Mùa xuân 2006, một cột mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời giáo sư Trần Văn Khê. Lần đầu tiên ông được ăn Tết tại “nhà mình” trên đất nước mình, cảm giác trong ông xao xuyến, bồi hồi rất lạ. “Khê” có nghĩa là suối. Trần Văn Khê một đời qua ví như dòng suối chảy ra biển rồi lại ngược lại về nguồn đã đậm đà vị mặn nhưng không hề bớt trong mát. Những điều ích lợi mà ông đã làm cho dân tộc mình theo cách riêng của ông đã được quê hương xứ sở ghi nhận sau những năm dài.
Năm ngoái khi bước vào tuổi 93, trong lời kết cuốn sách sắp xuất bản nhân ông viết về nhạc sĩ Phạm Duy – người bạn sinh thời cùng tuổi con gà, tình thân quyện chặt vào với nhau già nửa thế kỷ: “Chúng ta đã đến, đã đi và đã về, đã làm và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc… qua 2 thế kỷ nay. Một kiếp nhân sinh với bao năm tháng trôi chảy không ngừng nghỉ, có lúc này cũng có lúc khác, những câu chuyện cứ tiếp nhau không dứt, thì Khê cũng như Duy đều mỉm cười và mong rằng: “… cuối bước đi trăm năm một lần. Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn.”.
Nhớ lại, vào dịp mừng thọ GS Trần Văn Khê 80 tuổi, ông tự thán trước các món quà bạn hữu mừng sinh nhật ông: “Mai tôi trở vế với cát bụi rồi, tôi thao thức ghê gớm. Tôi đã đi cùng khắp thế giới giảng về âm nhạc Việt Nam bằng nhiều thứ tiếng, chỉ thèm được giảng bằng tiếng Việt Nam cho một lớp tập huấn các thầy cô dạy nhạc về giữ gìn bản sắc dân tộc trong âm nhạc”. Chỉ một lời tự thán nhỏ như vậy thôi cũng đủ làm chúng ta kính cẩn nghiêng mình.
GS.TS Trần Văn Khê sinh ngày 24-7-1921 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang); nguyên Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học của nước Cộng hòa Pháp; Thành viên Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO, 10 năm liền là Chủ tịch Ban tuyển chọn Quốc tế của Diễn đàn âm nhạc châu Á; Viện sĩ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học, Văn Chương và Nghệ thuật châu Âu. Sau một thời gian bị bệnh nặng ông đã từ trần vào lúc 2 giờ 55 phút sáng, ngày 24-6-2015, hưởng thọ 94 tuổi. Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 12 giờ ngày 26-6 đến hết đêm 28-6, lễ truy điệu và lễ động quan được bắt đầu vào lúc 6 giờ, ngày 29-6. Theo nguyện vọng của gia đình, tang lễ của GS Trần Văn Khê được tổ chức tại nhà riêng (số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) với sự hỗ trợ của uỷ ban nhân dân và các cơ quan lực lượng chức năng để đảm bảo an toàn và trật tự, sự nghiêm trang và trang trọng của tang lễ. GS Trần Văn Khê cũng để lại bản di nguyện rằng khi ông qua đời, con trai trưởng của ông là GS Trần Quang Hải sẽ là chủ tang. Một tiểu ban tang lễ được sẽ được lập ra gồm những người thân thiết của ông như nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương)...GS cũng di nguyện, tiền phúng điếu tại tang lễ ông được dùng lập quỹ học bổng hoặc giải thưởng cho người nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. PV |