Thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam có khoảng hơn 4.000 cây thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý được thế giới công nhận. Tuy nhiên, do khai thác thiếu kiểm soát nên nguồn cây dược liệu đang giảm dần. Vì thế, việc xã hội hóa trồng dược liệu quý đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp dược, vừa bảo tồn và phát triển được nguồn dược liệu sạch, đảm bảo cho việc sản xuất thuốc, vừa tạo được sinh kế cho rất nhiều hộ nông dân thoát nghèo.
Cây cà gai leo
Cụ thể, với nhiều hộ dân tỉnh Quảng Ngãi, cây Cà gai leo - một loại cây dược liệu quý khi được trồng rộng rãi đã mở ra cơ hội thoát nghèo.
Cây Cà gai leo tại một số vùng còn gọi là cà gai dây, hay gai cươm. Cà gai leo là cây nhỏ, cành non tỏa rộng, phủ lông hình sao và có nhiều gai. Theo kinh nghiệm dân gian, Cà gai leo được dùng làm thuốc chống viêm, chữa phong thấp, chống u và có tác dụng giải rượu. Tại xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, trước đây có nhiều hộ nghèo, đất hoang hóa cằn cỗi, cây cối không mọc nổi. Tuy nhiên, đặc điểm thổ nhưỡng ấy lại phù hợp với sự phát triển của cây cà gai leo. Từ khi trồng loại cây này, nhiều hộ đã có thu nhập khá. Nhiều trường hợp hộ gia đình chỉ với 1,5 sào đất, trong vòng 4 đến 5 tháng khi trồng cà gai leo đã thu nhập trên 15 triệu đồng. Còn thì phổ biến thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/tháng.
Bà con trồng loại cây này theo đặt hàng của một công ty. Theo đó, công ty chủ động cung cấp cây giống, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, đầu ra của dược liệu cũng được công ty cam kết đảm bảo. Vì vậy khi tham gia mô hình mới này, người nông dân không phải bỏ ra bất cứ đồng vốn nào mà vẫn thu được lợi nhuận. Theo bà con trong xã, so với trồng đậu, bắp, mỳ… thì trồng cà gai leo cho thu nhập gấp hơn 2 lần, bà con rất phấn khởi.