Nằm cheo leo giữa những sườn dốc trên cung đường nối từ thành phố Nha Trang lên thành phố Đà Lạt, những cây thông 2 lá dẹt hoá thạch sống với tuổi đời hàng chục ngàn năm là một trong những tài sản quý giá nơi đây.
Càng đặc biệt hơn, loài thông này được cho là xuất hiện từ thời khủng long, đã tuyệt chủng hoàn toàn cho tới khi được tìm thấy tại khu vực Vườn quốc gia Núi Bà-Biduop (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), đoạn cuối của dải núi Trường Sơn.
Sứ giả thời tiền sử
Là một trong những sinh vật sống hiếm hoi còn tồn tại kỳ thời khủng long đến tận ngày nay, không khó hiểu khi những cây thông 2 lá dẹt này hiện nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà khoa học, giới nghiên cứu. Thậm chí, gen của loài cây này cũng không biến đổi nhiều, giống như tổ tiên của chúng ở thời cổ đại. Càng đặc biệt hơn, ngoài các tiểu khu thuộc Vườn quốc gia Núi Bà-Biduop thì không nơi nào trên thế giới phát hiện được loài cây này.
Chia sẻ với chúng tôi, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Biduop Núi Bà, người có khoảng 30 năm gắn bó với vườn quốc gia, thì những cây thông 2 lá dẹt đầu tiên ở khu vực này được phát hiện bởi những nhà khoa học người Đức từ thế kỷ thứ 19. Đây là một trong những sự kiện khoa học chấn động thế giới thời gian đó vì không ai nghĩ rằng loài thực vật có từ niên đại khủng long (khoảng một trăm triệu năm trước) vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Càng đặc biệt hơn, cấu trúc gen của thông 2 lá dẹt cũng không thay đổi so với tổ tiên của chính nó. Nghĩa là, những cây thông 2 lá dẹt chúng ta đang quan sát thấy ngày nay cũng chính là thực thể sống đã từng tồn tại ở thời kỳ khủng long cổ đại. Chính vì thế, nhiều người gọi loài cây này là sứ giả đến từ thời tiền sử hay những hoá thạch sống cổ đại. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu khoa học thì những cá thể thông 2 lá dẹt ở khu vực Cổng Trời (thuộc vườn quốc gia Núi Bà Biduop) hiện hữu chỉ có tuổi đời khoảng 6 đến 10 ngàn năm. Thậm chí, chúng vẫn đang tiếp tục sinh sôi nảy nở vì điều kiện tự nhiên khác thường ở khu vực này (độ cao từ 1.200 đến 1.800 mét và quanh năm mây mù bao phủ). Cũng theo Tiến sỹ Hương, vì những nguyên nhân trên mà thông 2 lá dẹt đang được quản lý bảo tồn vô cùng nghiêm ngặt, được đông đảo các nhà nghiên cứu từ trong lẫn ngoài nước tìm tới để khám phá, tìm hiểu.
Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá những cây thông 2 lá dẹt vào một sáng buổi trời cao nguyên lất phất mưa. Từ tuyến đường tỉnh lộ 27C nối thành phố Nha Trang và Đà Lạt, chúng tôi phải đi len lỏi khá lâu dưới những tán rừng già nguyên sinh để đến được khu vực có những cây thông 2 lá dẹt sinh sống. Theo người dẫn đường, cũng là nhân viên của Vườn quốc gia thì đây là khu Hòn Giao, nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng, thuộc quần thể Vườn quốc gia Núi Bà-Biduop. Hiện nay, khu vực này thống kê được khoảng 1.000 cây thông 2 lá dẹt nhưng những cây có tuổi đời hàng ngàn, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dẫn chúng tôi tới một cây thông 2 lá dẹt có đường kính gần 2 mét với tuổi đời khoảng 6.000 năm, cán bộ dẫn đường cho biết những cây thông 2 lá dẹt phân bố rất rải rác, không tập trung. Nơi sống của chúng là rừng hỗn hợp, nghĩa là có rất nhiều loài động thực vật khác. Hiện chỉ có 2 tiểu khu ở vườn quốc gia phát hiện được loài cây này. Tất cả các cá thể thông 2 lá dẹt đều được đánh số, bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo quan sát của chúng tôi, dù tên gọi là thông nhưng gốc cây thông 2 lá dẹt lại xù xì như những cây cổ thụ, có nhiều dây leo và rêu xanh phủ kín. Với khoảng 2 người vòng tay ôm mới hết, đây là những cây khá lớn trong rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cây này phát triển rất chậm. Các nghiên cứu cho thấy, mỗi năm cây chỉ phát triển được khoảng 2 mm.
Dựa vào đặc tính này mà các nhà khoa học đã tính toán tuổi của các cá thể thông 2 lá dẹt ở đây. Khác với những loại thông khác, thông 2 lá dẹt có đặc điểm riêng là lá chỉ có 2 nhánh tẽ ra, nhọn như kiếm. Đặc điểm riêng này cũng được các nhà khoa học dùng để đặt ra tên gọi của chúng.
Cấp bách bảo tồn
Theo nhiều nghiên cứu, mặc dù đã tồn tại xuyên suốt qua thời gian hàng triệu năm và cũng còn lại khá nhiều ở khu vực vườn quốc gia Biduop Núi Bà nhưng thực tế, loài thông 2 lá dẹt này lại đối diện nhiều nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong Sách đỏ Việt Nam, thông 2 lá dẹt nằm ở nhóm 5, tức là nhóm cần bảo vệ khẩn cấp, đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Tương tự, trong Sách Đỏ thế giới, loài cây này cũng nằm ở nhóm cần được bảo vệ khẩn cấp.
Theo nhiều nhà khoa học, nguyên nhân chủ yếu của việc bảo vệ khẩn cấp là ngoài sự tồn tại duy nhất ở nơi đây, loài cây này chưa được phát hiện ở đâu khác trên thế giới. Ngoài ra, dù còn lại khá nhiều cá thể nhưng hầu hết đều có đường kính trên 40 cm, tuổi đời lâu năm. Những loài cây nhỏ hơn, cây mới hình thành trong tự nhiên lại rất hiếm, ít được tìm thấy.
Điều này cho thấy thông 2 lá dẹt đang gặp khó khăn trong việc phát triển tự nhiên. Hơn nữa, ngoài khu vực Hòn Giao với đặc điểm địa lý và khí hậu khác thường, rất hiếm nơi nào khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự để có thể phát triển được. Nói nôm na, thông 2 lá dẹt chỉ có thể được bảo tồn ở chính khu vực này.
Theo TS Nguyễn Đình Hương, với tuổi đời lâu năm và giá trị mã gen cổ đại vô cùng hiếm gặp, giá trị khoa học của thông 2 lá dẹt là rất quý giá. Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về chúng, đặc biệt là sự biến đổi của khí hậu ở vùng đất này đang được lưu giữ trong thân cây.
Theo đó, cũng như những loại thực vật lâu năm khác, thông 2 lá dẹt sẽ chịu ảnh hưởng của vòng khí hậu qua từng năm. Nếu có sự bất thường của khí hậu, như mưa hay hạn hán kéo dài hàng chục (thậm chí hàng trăm năm) thì chúng cũng được cây “ghi lại” bằng các dấu vết khoa học của mình. Đó là lý do các nhà khoa học dựa vào những vân gỗ của thân cây mà có thể xác định được sự biến đổi của khí hậu ở khu vực trong thời gian đã xảy ra cả vài ngàn năm trước. Thậm chí từ những biến đổi quá lớn của thời tiết khí hậu, các nhà khoa học cũng có thể đánh giá được sự tồn tại, phân bố, di cư của những cộng đồng người thời xa xưa.
Cũng theo TS Hương, ngoài việc bảo vệ chặt chẽ những cá thể thông 2 lá dẹt đang có sẵn trong tự nhiên, hiện nay vườn quốc gia cũng có kế hoạch bảo tồn tại chỗ những cá thể này. Bởi đây là phương án có tính khả thi cao nhất, thay vì đưa hạt, trái của thông 2 lá dẹt đi những khu vực khác. Tuy nhiên, do loài cây này phát triển chậm nên việc đánh giá tỷ lệ sống qua từng năm khá lâu, cần một quá trình chứ không thể kết luận ngay được. Cụ thể hơn, sau khi trồng nhân tạo thì năm đầu tiên, tỷ lệ sống sót của cây là 95% nhưng ngay ở năm thứ 2, tỷ lệ này chỉ còn 51%. Các năm tiếp theo, tỷ lệ cũng biến đổi nhiều theo xu hướng giảm đi.
Có thể nói, dù đã tồn tại rất lâu đời nhưng với những biến đổi khó lường của khí hậu và đặc biệt là sự tàn phá của con người, loài cây quý giá thông 2 lá dẹt đang đứng trước những nguy cơ khó lường. Vì vậy, bảo vệ sự sống cũng như những giá trị của loài cây này là điều vô cùng cần thiết và cấp bách hiện nay.
Dù tên gọi là thông nhưng gốc cây thông 2 lá dẹt lại xù xì như những cây cổ thụ, có nhiều dây leo và rêu xanh phủ kín. Với khoảng 2 người vòng tay ôm mới hết, đây là những cây khá lớn trong rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, điều đặc biệt là cây này phát triển rất chậm.
Các nghiên cứu cho thấy, mỗi năm cây chỉ phát triển được khoảng 2 mm. Dựa vào đặc tính này mà các nhà khoa học đã tính toán tuổi của các cá thể thông 2 lá dẹt ở đây. Khác với những loại thông khác, thông 2 lá dẹt có đặc điểm riêng là lá chỉ có 2 nhánh tẽ ra, nhọn như kiếm. Đặc điểm riêng này cũng được các nhà khoa học dùng để đặt ra tên gọi của chúng.