Để thoát nghèo vươn lên làm giàu, nông dân nhiều địa phương trong cả nước đã chọn trồng những giống cây trái quý, trong đó có loại mãng cầu Hoàng Hậu. Khi thu hoạch, một trái có thể nặng tới gần 1 ki-lô-gam. Bán chạy, giá cao. Còn ở Lạng Sơn, cây quýt vàng cũng đem lại giá trị kinh tế cao.
Mãng cầu Hoàng Hậu.
Ở thôn Tân Lập (xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), thời gian qua xuất hiện một số hộ trồng mãng cầu Hoàng Hậu. Trong những ngày lễ tết, nhất là dịp tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, loại trái cây này “cháy hàng”, người trồng rất phấn khởi.
Người trồng mãng cầu Hoàng Hậu ở xã Đức Bình Đông cho biết, mỗi năm có thể thu hoạch tới 3 vụ. Riêng vụ Tết Nguyên đán là vui nhất vì giá bán cao. Cách đây gần 5 năm, khi hộ nông dân đầu tiên trong xã trồng thử mãng cầu Hoàng Hậu thì đã nhận thấy loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Vì thế, 2 năm sau, đã trồng tới 500 cây trên diện tích hơn 3.000m2. Cây sau 18 tháng bói vụ đầu tiên, từ lúc ra hoa đến thu hoạch khoảng 4 tháng. Khi chín, mãng cầu Hoàng Hậu mắt to, lớp vỏ ngoài mịn, bóng; ăn dai, ngọt, dày thịt chứ không bở, nhão.
Được biết, giá bán 1 ki-lô-gam trái mãng cầu Hoàng Hậu khoảng 60.000 đồng. Lợi nhuận cao, người trồng phấn khởi. Tuy nhiên, việc chăm bón mãng cầu Hoàng Hậu không đơn giản; nhất là phải dùng màng bọc để tránh rầy, ong đốt làm hư trái.
Tư thương thường đặt mua trước trái cây này nên không bao giờ người trồng lo thiếu đầu ra. Với nông dân trong xã Đức Bình, so với trồng sắn, mía trước đây, loại cây ăn trái này mang lại thu nhập khá cho hộ gia đình. Theo đại diện Hội Nông dân xã, tới nay mãng cầu Hoàng Hậu vẫn chưa có nhiều người trồng nhưng loại cây này phù hợp với định hướng nhân rộng diện tích cây ăn trái của xã và huyện để mở rộng vùng quy hoạch cây ăn trái, đảm bảo đa dạng sản phẩm cây trồng cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Theo giới chuyên gia nông nghiệp, mãng cầu Hoàng Hậu (hay còn gọi là na Nữ hoàng, na Thái Lan) phù hợp với vùng bán sơn địa, kể cả vùng núi thấp. Thực tế cho thấy, vùng Chi Lăng (Lạng Sơn) loại cây này phát triển rất tốt. Giống na này quả to, ít hạt, mắt na sáng mịn, vị thơm ngon. Trọng lượng của nó gấp 3-4 lần na bình thường, từ 0,5kg - 1kg mỗi quả. So với cây na thông thường, cây na Hoàng Hậu trồng ở Chi Lăng có chiều cao tới 4m, tán rộng 2m. Lá bản to, dài, xanh đậm. Cũng tuy từng vùng thổ nhưỡng mà có thể từ 18 tháng đến 30 tháng là giống cây này cho vụ quả đầu tiên. Rồi từ đó, nó ra quả quanh năm, nhưng có thể chia thành 3 vụ chính. Như vậy, người trồng sẽ co thu nhập đều đặn, ổn định. 1 cây na Hoàng Hậu mỗi vụ có thể cho 50 ki-lô-gam quả, trung bình 50.000 đồng/ki-lô-gam; mỗi năm 2 vụ thì mỗi năm 1 cây na Hoàng Hậu có thể cho trên dưới 5 triệu đồng.
Với tỉnh Lạng Sơn, nếu như người dân huyện Chi Lăng trồng nhiều na thì ở huyện Bắc Sơn người ta lại trồng nhiều quýt vàng; từ đó gắn với du lịch góp phần nâng cao giá trị loại quả đặc sản này.
Theo lãnh đạo huyện Bắc Sơn, những năm qua, cây quýt vàng đã trở thành cây mũi nhọn, là chìa khóa giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế. Tại huyện Bắc Sơn, vườn quýt Hang Hú (xã Chiến Thắng) là điểm nhấn nổi bật nhất trong việc kết hợp giữa phát triển quýt gắn với du lịch. Một chủ vườn cho biết, năm 2017, gia đình mở dịch vụ đón khách vào tham quan vườn quýt. Tới nay, có tới hơn 12.000 lượt người tham quan vườn (con số năm 2019). Nếu như trước năm 2017, mỗi năm vườn quýt thu về từ 200 đến 250 triệu đồng, thì từ năm 2017 đến nay, thu nhập của gia đình tăng 1,5 lần.