Cũng như ở nhiều nơi vùng cao, cây sơn tra ở Bắc Yên (Sơn La) vốn mọc tự nhiên. Trước đây, quả sơn tra chỉ được người dân vùng cao sử dụng ngâm rượu, giã lấy nước uống, thậm chí làm thức ăn cho trâu, bò. Nhưng những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ quả sơn tra tăng cao, quả sơn tra được giá đã giúp người dân vùng cao thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Người dân bản Ngam La (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) thu hái quả sơn tra.
Theo lãnh đạo huyện Bắc Yên, tới nay sơn tra đã trở thành cây trồng đa mục tiêu, vừa là cây phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ môi trường, vừa cho thu nhập. Ở xã Làng Chếu, sơn tra là “vấn đề thời sự”, vì nhà nhà trồng sơn tra. Năm nay, trung bình giá mỗi kg quả sơn tra 20.000 đồng, bà con rất phấn khởi. Vì thế, người dân xã Làng Chiếu gọi sơn tra là “quả no ấm”.
Ở xã Xím Vàng, không chỉ có những cung ruộng bậc thang mà còn là những cánh rừng sơn tra mang lại thu nhập kép cho người dân. Tới nay, người dân đã biết ươm cây sơn tra giống mang đi trồng ở những đồi, núi trọc để mở rộng diện tích, từ đó nâng diện tích cây sơn tra trên địa bàn xã lên trên 532 ha, trong đó 300 ha đã cho thu hoạch quả.
Còn ở xã Hang Chú, hợp tác xã còn mang quả sơn tra về Hà Nội tiêu thụ, còn việc người dân bán quả cho thương lái lên thu mua tại vườn là chuyện bình thường.
Theo lãnh đạo huyện Bắc Yên, toàn huyện hiện có trên 2.200 ha cây sơn tra, tập trung ở các xã vùng cao, trong đó 3/4 diện tích cây trồng đã cho thu hoạch, với sản lượng hằng năm ước đạt khoảng 800 tấn. Huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng sơn tra, tăng cường hướng dẫn người dân nâng cao chất lượng quả để sơn tra trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, giúp người dân vùng cao thoát nghèo. Đáng chú ý, huyện còn dự định tổ chức Ngày hội quả sơn tra, nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, từng bước đưa sản phẩm sơn tra Bắc Yên đến gần với người tiêu dùng ở mọi miền trong và ngoài tỉnh, kể cả xuất khẩu.
Giống như Sơn La, ở tỉnh miền núi Yên Bái, bà con huyện Trạm Tấu cũng có thu nhập khá từ cây sơn tra. Nhiều gia đình ở bản Suối Giao (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) đã trồng sơn tra từ cách đây 15 năm, nên thu nhập tương đối khá. Người ta nói rằng, cây sơn tra chính là “nguồn thu kép” cho bà con, cùng với những việc làm nương. Trồng cây sơn tra không chỉ để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, mà thực sự đã trở thành hàng hóa. Đến cuối năm 2018, bản Suối Giao đã có trên 100ha cây sơn tra, trong đó có trên 50ha đang cho thu hoạch. Với năng suất trung bình 2 tấn/ha và giá bán trung bình 20 nghìn đồng/kg thì người dân bản Suối Giao cũng có thu nhập đáng kể.
Theo Đề án phát triển cây sơn tra thì, đến năm 2020 huyện vùng cao Trạm Tấu sẽ có trên 4.500ha.
Cây sơn tra còn được biết đến như một loại dược thảo. Y học phương Đông xác định tác dụng dược lý của nó bao gồm: Làm mạnh tim, hạ áp, tăng lưu lượng máu ở mạch vành, giãn mạch và chống loạn nhịp tim. Dùng nước cất sơn còn được cho là có tác dụng phòng và giảm bớt thiếu máu cơ tim.
Y học hiện đại còn cho là sơn tra rất hữu ích trong việc ngăn ngừa và điều trị chứng xơ cứng động mạch, tác dụng hạ Lipid trong máu, giảm xơ mỡ động mạch. Cơ chế chủ yếu là do thuốc có tác dụng tăng nhanh bài tiết Cholesterol chứ không phải chống hấp thu Cholesterol. Sau khi uống sơn tra, lượng enzym trong dạ dày tăng, giúp tiêu hóa chất béo tốt hơn. Nó còn có thể ức chế trực khuẩn thương hàn, lỵ, bạch hầu, tụ cầu vàng…