Cây xanh nói riêng và không gian xanh được ví như lá phổi của đô thị và cũng là thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Theo Cục Đô thị Việt Nam (Bộ Xây dựng), quy hoạch yêu cầu đất trồng cây xanh tại các đô thị tối thiểu phải đạt từ 4-7m2/người. Nhưng diện tích đất trồng cây xanh ở các đô thị lớn rất ít, các công trình nhà ở, đường sá “chiếm” mất đất của cây, khiến cho mùa hè càng thêm bức bối.
Tại TPHCM, ở thời điểm này độ che phủ của cây xanh là 26,3%, lại phân bổ không đồng đều. Đáng chú ý, độ che phủ chung của khu vực nội thành chỉ có 3,9%. Diện tích đất trồng cây xanh công cộng tại trung tâm TPHCM chỉ đạt 0,55m2/người, thấp nhất cả nước (trung bình cả nước là 7m2/người).
Thống kê của TPHCM, tính đến cuối năm 2023, trên toàn địa bàn có khoảng 11.369ha đất công viên và đất trồng cây xanh. Trong khi đó tốc độ đô thị hóa lại diễn ra rất nhanh. Số cây xanh, diện tích phủ bóng cây xanh ở TPHCM đã thấp, nhưng những năm gần đây đang giảm đi nhiều để nhường đất cho nhiều dự án giao thông hoặc phục vụ quá trình thi công các công trình.
Thời gian qua, người dân TPHCM tiếc nuối khi hàng trăm cây cổ thụ dọc các tuyến đường Tôn Đức Thắng (công trình cầu Thủ Thiêm 2), đường Lê Lợi (công trình tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên), công viên Hoàng Văn Thụ (dự án nâng cấp và mở rộng tuyến kết nối sân bay Tân Sơn Nhất)... đã đốn hạ, di dời. Một số vị trí cây cổ thụ bị đốn hạ đã được trồng lại, nhưng còn nhiều hơn vị trí không thể trồng lại do đất trồng cây trở thành đất công trình.
Người dân cũng bức xúc khi có nhiều tuyến đường cây đang xanh tươi bất ngờ bị cắt bỏ trụi lủi, mặc kệ cho cái nắng chói chang, gay gắt khi bóng râm không còn nữa.
Người Hà Nội vốn tự hào là Thủ đô xanh, với nhiều hàng cây cổ thụ. Trong đó có những hàng cây đã được trồng từ thế kỷ trước, như phố Phan Đình Phùng với hàng sấu cổ thụ trải dài, tán lá dày xanh mướt. Hay phố Lò Đúc với những cây sao đen cao hàng chục mét, vượt lên những ngôi nhà cao tầng.
Cũng không phủ nhận những năm gần đây Hà Nội tích cực trồng cây xanh, nhất là ở dọc hai bên đường dẫn đến những khu đô thị mới. Tuy nhiên, phần lớn là những loại cây nhanh lớn, nhiều hoa mà không phải là những cây thân gỗ có thể trở thành cổ thụ. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa cho rằng, cây xanh trồng ở Hà Nội phải xét tới các yếu như chịu được điều kiện đất đai, thời tiết đặc thù tại Hà Nội; chống chịu được gió bão; hình dáng đẹp, tán có hình khối vừa tạo dáng vừa che bóng được và cây phải ít sâu bệnh, rễ sâu để không bị đổ khi mưa bão và cần thiết phải tạo ra những tuyến phố ấn tượng bởi một loài cây quý đặc trưng.
Một thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khu vực 12 quận có gần 150.000 cây, chủ yếu là xà cừ (khoảng 8.000 cây), phượng (khoảng 12.500 cây), muồng (khoảng 7.000 cây), sấu (khoảng 22.000 cây), bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong đó khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.
Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 200.000 - 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị, nâng tỷ lệ cây xanh 8-10 m2/người vào năm 2025 (hiện là 2m2/người).
Tuy nhiên, người Hà Nội vẫn băn khoăn vì năm nào cũng vậy, khi mùa mưa bão còn xa và nắng nóng đang rất gay gắt thì đơn vị chức năng lại... chặt cành. Lo mưa bão quật đổ cây là đúng, nhưng nào có cần phải cắt cành triệt để đến như vậy, kể cả trên những con đường chỉ toàn cây bóng mát lá thấp. Việc cắt tỉa quá đà như vậy có cần thiết hay không?
Phát triển các công trình xây dựng trong lòng đô thị là không tránh khỏi, chính vì thế lại càng cần một quy hoạch “rắn” về diện tích trồng cây. Không thể vì ưu tiên này mà loại bỏ sự cần thiết khác. Cũng không thể để việc trồng cây xanh trong lòng phố luôn ở “thì tương lai”, mà điều đó phụ thuộc vào trách nhiệm và quyết tâm của chính quyền. Khi đô thị phát triển nóng thì lại càng phải chú ý đến mảng xanh để làm dịu bớt. Cùng với việc trồng mới, trồng cây thay thế còn là các biện pháp gìn giữ, bảo vệ cây xanh chứ không phải bị chặt hạ đốn bỏ, hay là cắt tỉa một cách quá đà.
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày một cực đoan. Suốt mấy tháng qua, nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ trong lòng đô thị tăng cao khi mà trời thì đổ lửa, mặt đất lại bị nung nóng bởi dày đặc xe cộ, hơi nóng ngùn ngụt bốc lên từ mặt đường. Vì thế, người ta lại càng thấy nhớ, thấy tiếc những hàng cây xanh...