Chị Trần Hương Loan (Loan Trần) - cái tên quen thuộc khi chị trong Ban quản trị Webtretho. Chị Loan Trần chuyên tổ chức even sự kiện tại Webtretho, vì vậy, khi tổ chức mô hình giáo dục mang tên Hạnh phúc Việt, chị nhận được nhiều yêu thương tin tưởng từ các bậc phụ huynh.
Từ một người mẹ đam mê con cái và quan tâm tới giáo dục, chị Loan đã rời công ty nước ngoài lương cao để bắt đầu thực hiện một lĩnh vực hoàn toàn mới với mục tiêu vừa được làm việc mình đam mê, yêu thích vừa được vận dụng công việc trong giáo dục con cái và đặc biệt là những công việc có giá trị cho cộng đồng.
Chị tin vào sự lan tỏa những điều tốt đẹp. Từ việc ưa thích mô hình hướng đạo sinh, học kì quân đội và các hoạt động cộng đồng của Đoàn thanh niên, chị Loan học hỏi mô hình các mô hình này ở nước ngoài, và TP HCM. Các nhân viên được đi khảo sát, thực tập. Tại Hà Nội, mùa hè năm 2011, các chương trình trại hè được bắt đầu với sự ủng hộ của một số trường tiểu học dân lập có tư duy hiện đại.
Sau khi tổ chức các khóa trại hè, trại đông và trại cuối tuần, Hạnh phúc Việt đi theo con đường giáo dục sinh tồn. Rèn rũa, thực hành những kỹ năng cơ bản của con người để ứng phó với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Từ những kỹ năng đơn giản như sự thích nghi, thích ứng, tự lập cho đến những kỹ năng xử lý tình huống khi gặp thiên tai, khó khăn, thử thách.
Nội dung các trại hè đa phần được tổ chức ngoài thiên nhiên, trong điều kiện tương đối vất vả, khó khăn với con trẻ. Phần lớn thanh thiếu niên, trẻ em tham gia trại hè được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn xã hội phát triển, được bảo bọc, cưng chiều. Để tham gia trại, các con được thực hành sự tự lo cho bản thân mà không có ông bà, bố mẹ hay người giúp việc.
Các nội dung giáo dục sinh tồn như những kỹ năng vận dụng nút dây, kỹ năng cắm trại, thoát hiểm trên cao, thoát hiểm dưới nước, thoát hiểm trong cháy nổ, động đất, nấu ăn sinh tồn hay cách xử lý tình huống khi đi lạc, đi rừng, bị xâm hại kết hợp cùng các phương pháp giáo dục cảm xúc để thông qua những hoạt động sinh tồn thì có thể đem đến cho các bạn nhỏ những bài học sâu sắc, cảm động về tình yêu thương, giá trị của gia đình, giúp các bạn biết trân trọng hơn cuộc sống mà các bạn đang có.
“Mong muốn thì nhiều nhưng tự đáy lòng tôi mong được lan tỏa tư duy sinh tồn đến học sinh, phụ huynh và xã hội”, chị Loan chia sẻ và nhìn nhận: “Nhất là sau mấy năm đại dịch hoành hành, ai cũng có thể cảm nhận được giá trị của sinh tồn, của tự lực, của khả năng thích nghi và xử lý vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn mà cuộc sống có thể mang đến cho mình bất cứ lúc nào.
Dù ít dù nhiều, những hoạt động mà chúng tôi mang lại sẽ lan tỏa đến với xã hội, với nhà trường và với nền giáo dục Việt Nam. Rèn luyện kỹ năng sinh tồn vô cùng quan trọng và cần được giáo dục, đào tạo và rèn luyện thường xuyên để tất cả học sinh Việt Nam sẽ không chỉ có kiến thức sâu sắc mà còn có kỹ năng mạnh mẽ, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống khi các con phải đối đầu”.
Là một người mẹ song hành trực tiếp với đàn con qua các mùa trại, kỷ niệm trong chị Loan luôn đầy ăm ắp, nhất là ở giai đoạn vừa kết thúc mùa trại tháng Sáu: “Kỷ niệm nhiều cảm xúc nhất luôn là những gương mặt xinh tươi, đủ đầy nhưng nhăn nhó khi vào trại vì không tự nguyện, rồi những giọt nước mắt khi chia tay và nỗi nhớ sau trại mà bọn trẻ hay gọi là “Camp Sick”.
Vì là trại rèn luyện nên có đôi lúc món quà này là do bố mẹ tặng hoặc yêu cầu, đôi khi là bắt buộc tham gia. Vì vậy, có những bạn vì bị ép buộc mới có mặt.
Những ngày đầu vất vả, điều kiện tốt đến đâu cũng không thể như ở nhà, phải ra nắng, tắm mưa, hành quân, hoạt động liên miên ngoài thiên nhiên nên các bạn đều kêu mệt mỏi và đôi khi còn là chống đối nữa. Nhưng rồi 7 ngày qua đi với vô vàn hoạt động rèn luyện kết hợp với những trò chơi tập thể vui nhộn, cùng những lễ hội và bài học cảm xúc thú vị.
Bọn trẻ đều vượt qua bản thân một cách xuất sắc và hoàn thành trại sẽ chia tay trong tiếc nuối. Kỷ niệm đáng quý nữa là những lời cám ơn trân trọng tự đáy lòng của phụ huynh, đặc biệt là của những phụ huynh khó tính, đòi hỏi cao, cầu toàn và đôi lúc là thiếu cảm thông.
Nhìn thấy sự tích cực của các con họ sau 7 ngày thì xúc động cảm ơn, chân thành ghi nhận. Đó là những kỷ niệm đẹp, là động lực cho tôi tiếp tục công việc vất vả nhưng nhiều cảm xúc, đem lại giá trị cho cộng đồng, xã hội này”.
Để tạo được sự tin tưởng nơi phụ huynh, để họ đồng ý gửi con tới, với chị Loan, tất cả chỉ ở cái tâm của người làm mẹ. Chị chọn công việc đang làm bắt đầu từ việc giáo dục con của mình.
Vì thế, khi xây dựng nội dung, lên kế hoạch tổ chức, chạy chương trình và là người trực tiếp lan tỏa yêu thương, chị luôn đặt mình vào vị trí một người làm mẹ để tối ưu hóa tất cả những gì mang đến cho học sinh. “Khi sống và hành động tự đáy lòng thì sức lan tỏa cứ thế lan tới những bà mẹ hiểu biết, có trình độ, kỹ tính trong việc lựa chọn hành trang cho các con bước vào đời”, chị Loan Trần tâm sự.