Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống tại Cộng hòa Bắc Macedonia công bố ngày 21/4 cho thấy không có ứng cử viên nào giành được trên 50% số phiếu bầu để đắc cử tổng thống.
Ứng cử viên Tổng thống CH Bắc Macedonia, bà Gordana Siljanovska-Davkova, phát biểu với báo giới sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống, tại Skopje ngày 21/4/2019.
Kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống tại Cộng hòa Bắc Macedonia công bố ngày 21/4 cho thấy không có ứng cử viên nào giành được trên 50% số phiếu bầu để đắc cử tổng thống.
Trong 74% số phiếu được kiểm, Ủy ban Bầu cử quốc gia của Bắc Macedonia thông báo ứng cử viên Stevo Pendarovski, được Liên minh Dân chủ xã hội (SDSM) cầm quyền ủng hộ, đang tạm giành tỷ lệ ủng hộ cao nhất - với 42,6% số phiếu bầu. Trong khi đó, đối thủ chính của ông là ứng cử viên Gordana Siljanovska-Davkova thuộc liên minh Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia - đảng Dân chủ Đoàn kết dân tộc (VMRO-DPMNE) theo sát với 41,6% số phiếu. Ứng cử viên Belrim Reka của Liên minh người thiểu số người gốc Albania và phong trào Beka chỉ giành được 11,5% số phiếu ủng hộ.
Với kết quả, hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất là ông Pendarovski và bà Siljanovska-Davkova sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, dự kiến diễn ra ngày 5/5 tới.
Trước đó cùng ngày, các cử tri của Cộng hòa Bắc Macedonia đã đi bỏ phiếu để bầu chọn tổng thống mới. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên tại Cộng hòa Bắc Macedonia kể từ khi đổi tên nước hồi tháng Hai vừa qua nhằm chấm dứt tranh cãi về tên gọi nước kéo dài nhiều thập niên qua với quốc gia Hy Lạp láng giềng.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh xuất hiện quan ngại rằng không có nhiều cử tri đi bỏ phiếu. Theo quy định, kết quả bầu cử chỉ được coi là hợp pháp khi có ít nhất 40% số cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu. Trong trường hợp số cử tri đi bầu thấp, nước này sẽ phải tổ chức bầu cử lại, mà theo các nhà phân tích có thể kéo theo cuộc khủng hoảng chính trị mới, gây áp lực đối với chính quyền của Thủ tướng Zoran Zaev.
Trước đó, hồi tháng Hai vừa qua, Macedonia chính thức đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia theo một thỏa thuận ký với Hy Lạp hồi tháng 6/2018 để đổi lấy sự ủng hộ của Athens đối với nỗ lực trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).