Đọc nhật ký của cha mình, bao giờ tôi cũng có cảm giác như đang được sống với những gì là tự nhiên, chân thật nhất của ông- anh Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tâm sự.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (bên trái) trao đổi với bạn văn tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu.
PV:Từ lâu tôi đã muốn có những cuộc tiếp xúc, trò chuyện với con trai, con gái các nhà văn thuộc “thế hệ vàng” của văn học Việt Nam hiện đại, trong đó nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một trong những gương mặt nổi bật. Biết anh Huy Thắng là con trai duy nhất của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhưng được trò chuyện với anh lần này, tôi cũng tò mò muốn biết, trên anh và dưới anh còn có mấy chị em?
Anh Nguyễn Huy Thắng: Tôi là thứ năm trong sáu chị em. Áp chót, nhưng là con trai duy nhất nên vẫn được là cậu trưởng. “Cậu trưởng con ông hai”, vì cha tôi là thứ trong mấy anh chị em của người.
Anh có từng nghe cha mẹ nói về “nguyên cớ” sinh ra mình và đặt tên là Nguyễn Huy Thắng?
- Cha mẹ sinh ra tôi gần một năm sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Chắc ông bà đặt tên tôi là Thắng để mừng sự kiện đó. Và cũng để mừng cho mình, như cha tôi đã ghi trong nhật ký vào ngày sinh tôi (4/5/1955): “Không lộ vẻ mừng, nhưng trong lòng vui. Đặt tên cho nó là Thắng”. Còn Nguyễn Huy là chung của dòng họ. Ông nội tôi là Huy Liễn, cha tôi Huy Tưởng…
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng qua đời năm 1960, khi ông mới 48 tuổi. Còn khi đó, anh Thắng bao nhiêu tuổi?
- Khi đó tôi mới 5 tuổi.
Giờ anh có còn nhớ gì về cái ngày cha mình nằm xuống?
- Trong ký ức của mình, tôi “nhớ” là đã được vào thăm cha ở bệnh viện, rồi được theo cha mẹ ra ngoài, lên đê ngồi hóng gió. Cũng “nhớ” là hôm cha mất được theo người lớn vào bệnh viện nhìn mặt cha lần cuối… Nhưng không dám chắc đúng là mình nhớ thế, hay nghe người lớn kể, hay do đọc hồi ức của ai đó rồi tưởng tượng thêm ra.
Sau này, có thời gian đọc lại di cảo của cha để lại, hẳn anh đã thấy một chân dung cha qua những trang viết, bên cạnh những ký ức và câu chuyện do những người thân kể lại? Đâu là cá tính của cha mà anh thấy có sự khác biệt giữa những câu chuyện với điều anh “đọc”, “lọc” được qua di cảo?
- Không hề có sự khác biệt nào giữa những gì tôi tự nhận thức về cha qua các trang viết của ông và qua nghe người khác kể. Luôn luôn là một sự nhất quán về một con người trung thực, tử tế. Cùng với thời gian, nếu như tôi có tự nhận biết thêm hay được mọi người nói cho biết thêm điều gì về ông, thì đó vẫn luôn là một sự tiếp nối những gì đã được định hình trong tôi về người cha như mình vẫn nghĩ và vẫn luôn cảm thấy sự hiện diện bên mình như-thế-ấy…
Tuy nhiên, những sự “biết thêm” đôi khi cũng rất bất ngờ, giúp làm phong phú thêm, sống động thêm về một con người hiện hữu chứ không phải như một nhà văn đã được “xếp hạng” trong văn học sử. Ví dụ, tôi đã vô cùng thích thú khi chú Phạm Hổ cho biết cha tôi rất thích bóng đá. Hôm nào có trận đấu ở sân Hàng Đẫy mà cha tôi có vé là cả buổi hôm ấy ông đứng ngồi không yên, chỉ mong đến giờ để đi xem. Hay tôi đã thật sự bất ngờ khi kiến trúc sư kiêm nhiếp ảnh gia Đoàn Đức Thành nêu câu hỏi mà cũng là điều anh phát hiện ra: Cha tôi không có bức ảnh nào chụp với vợ con?! Kể cũng lạ. Ông vốn thích chụp ảnh - với bạn văn, bạn bộ đội. Ông là người rất thương vợ thương con, nhất là tôi, “thằng Thắng” mà ông bảo là“chăm chút hơn cả chính ta đây”. Thế mà tuyệt nhiên không có một tấm ảnh nào của cha với mẹ, cha với các con…
Điều này thật lạ và cũng rất khó lý giải?
- Chỉ có thể giải thích là do duyên số (Cười).
Trong số con cái của các nhà văn của thế hệ vàng của văn học Việt Nam hiện đại, anh Nguyễn Huy Thắng được tiếng là “có hiếu”. Dù không đi theo con đường sáng tác, anh lại có công không nhỏ khi biết chăm lo, vun vén sự nghiệp văn học của cha mình. Hay nói cách khác, anh góp phần làm mới di sản văn học của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Công bằng mà nói, việc anh dành thời gian để đọc lại mấy chục cuốn sổ tay của nhà văn rồi lựa lọc, sắp xếp, công bố bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng dày gần 2.000 trang đã giúp cho giới nghiên cứu văn học tiếp cận gần hơn với chân dung tinh thần của Nguyễn Huy Tưởng. Anh có thể nói gì về sự thôi thúc bên trong, khiến anh làm việc này? Khi ấy, có ai trong gia đình - như mẹ anh chẳng hạn, một người phụ nữ mà tôi biết nhờ có sự gìn giữ của bà, mà cái hòm cất giữ những cuốn nhật ký, ghi chép của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã còn đến nay, bất kể chiến tranh, loạn lạc, đói nghèo - can ngăn hay phản đối anh công bố những trang nhật ký của cha mình?
- Đúng là nhiều người vẫn “khen” tôi có hiếu. Nhưng tôi nghĩ tôi may thì đúng hơn. May được cha để lại nhật ký và được mẹ giữ gìn gần như nguyên vẹn để truyền lại cho mình. May được đọc những trang nhật ký ấy để biết về cuộc đời cha, để được thấy cha như vẫn đang sống bên mình. May được công bố nhật ký của ông mà tôi thấy rất nên chia sẻ vì ở đó có nhiều giá trị nhân văn, giá trị đạo đức bên cạnh những giá trị tinh thần của một nhà văn được nhiều bạn đọc quan tâm. Điều này nữa cũng vô cùng quan trọng: Tôi may mắn được mẹ và các chị em tin cậy giao phó mọi việc về cha mình, không ai phản đối hay can thiệp trong quá trình tôi biên soạn, xuất bản bộ nhật ký của ông.
Không ai phản đối, nhưng khi soạn và công bố nhật ký của cha mình, đâu là điều anh băn khoăn, cân nhắc nhất?
- Điều tôi băn khoăn, cân nhắc hơn cả là làm sao biên soạn cho đúng với tinh thần của ông, giữ được tối đa những gì ông đã gan ruột viết ra, nhưng vẫn phải đảm bảo được những yêu cầu về xuất bản đối với một ấn phẩm thuộc thể tài “nhạy cảm” là hồi ký, nhật ký… Một mặt, phải tôn trọng cái tôi, cái cá tính của người viết nhật ký với những ý nghĩ rất riêng, rất con người. Mặt khác, phải tránh được những gì hoàn toàn có tính cách riêng tư mà người ta chỉ có thể viết ra để giãi bày, tâm sự với riêng mình…
Song cái khó vẫn là thực hiện phương châm ấy như thế nào, vì không phải bao giờ cũng có được sự rạch ròi kiểu như “nên” hoặc “không nên” đưa vào, công bố hay không công bố. Trong không ít trường hợp, tôi luôn phải đắn đo lựa chọn giữa việc nếu không giữ lại thì tiếc, mà để thì liệu có vi phạm nguyên tắc đã đề ra. Chính vì thế, sau khi nhật ký của cha tôi được xuất bản, tôi rất quan tâm xem dư luận nhìn nhận, đánh giá bộ sách như thế nào. Và tôi đã thật mừng khi được một người có uy tín trong ngành nhận xét rằng tôi đã biên soạn nhật ký của cha mình một cách “có trách nhiệm”. Lại càng yên tâm hơn khi một lần, gặp nhà văn Nguyễn Kiên, chú bảo đọc nhật ký của ông Tưởng, thấy ông cũng đáo để lắm…
Đáo để nhưng cũng đầy khôn khéo? Anh có nghĩ cha mình là người khôn ngoan? Ý tôi là, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng rất biết mình biết người, thậm chí biết chờ đợi thời điểm thích hợp để có thể gửi gắm những quan điểm văn chương, những suy nghĩ còn phân vân?
- Tôi thì nghĩ thế này. Cha tôi, theo hồi ức của nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi, người bạn thân nhất của ông, không những không “khôn khéo” mà còn là người vụng nói, vụng ứng xử. Còn nhà văn Tô Hoài trong hồi ký “Cát bụi chân ai” thì nhận xét về ông Tưởng: “Con người chân thành ấy chỉ nghĩ thực, nói thực”. Mà những cái nghĩ thực, nói thực ấy ở cha tôi, vẫn theo bác Tô Hoài, “khác với những lời bình trên các báo”. Một người như Nguyễn Kiên, thuộc lớp nhà văn sau, hẳn đã thấy bất ngờ và thú vị trước những chính kiến mà cha tôi bày tỏ trong nhật ký. Tôi hiểu chữ “đáo để” của nhà văn Nguyễn Kiên theo nghĩa ấy (Cười).
Anh Thắng có nghĩ rằng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng đã trù liệu cho việc những trang nhật ký của mình sẽ in sách?
- Không. Tôi không nghĩ thế. Như tôi hiểu qua những gì đọc được, ông không hề có ý sẽ in nhật ký của mình. Cha tôi viết nhật ký trước hết để ký thác tâm sự của ông.
Có nhiều lắm không những trang, những đoạn nhật ký mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết mà anh và gia đình muốn cất giữ riêng tư, hay chưa đến dịp công bố?
- Cũng có đấy, làm sao có thể khác được. Nhật ký là thế giới riêng tư của người viết. Ở đó có những cái thuộc về bí mật cá nhân, bí mật gia đình; những cái mang tính “nhạy cảm”, “tế nhị” trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, thể chế; thậm chí những cái được coi là cấm kỵ… Trong số đó, có những cái không bao giờ nên công bố, như những gì chỉ thuộc về đời tư của ông, hay quan hệ vợ chồng của hai ông bà. Nhưng những cái gọi là “nhạy cảm”, thậm chí “cấm kỵ” thì đều mang tính thời điểm; có khi lúc này chưa nên nhưng lúc khác lại là chuyện bình thường, nên được “bạch hóa” để mọi người cũng biết.
Khi đọc nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, những cảm xúc nào thường xuất hiện, chi phối anh? Tôi cũng muốn biết, có những giai đoạn nào trong nhật ký anh thấy thương, thậm chí xót xa cho cha mình?
- Đọc nhật ký của cha mình, bao giờ tôi cũng có cảm giác như đang được sống với những gì là tự nhiên, chân thật nhất của ông. Mọi điều ông viết ra, từ một sự việc mà ông trải nghiệm, chứng kiến, đến một suy nghĩ trước một vấn đề hay một nhận xét về ai, tôi đều thấy có sự khả tín, bất luận việc đó là hay hay dở, ý kiến của ông là khen hay chê. Như tôi có thể tự lí giải cho mình, sở dĩ có chuyện đó là vì tôi luôn thấy ông rất mực chân thành, trong văn cũng như trong cuộc sống hằng ngày mà tôi có thể hình dung qua nhật ký của ông.
Cũng vậy là cảm giác xót xa luôn thường trực trong tôi khi đọc nhật ký của người. Cha tôi là người cả nghĩ, gặp phải chuyện gì ông cũng bận tâm, bận lòng. Từ việc bị một người bạn không hiểu mình đến việc mình đã không phải với một ai đó đều khiến ông dằn vặt. Từ nguy cơ bị Pháp bắt trong trận Việt Bắc, nghĩa là sẽ bị hành hạ, bị tra tấn, đến việc không còn được sự tín nhiệm của “trên” nữa (trong vụ việc Nhân văn Giai phẩm), điều cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ “được” cho ra khỏi ban lãnh đạo và có nguy cơ sẽ không còn được đảm bảo về đồng lương để lo cho gia đình… - đó chỉ là một số trong những mối lo có thật mà ông phải đối mặt trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và văn nghệ của mình. Nhưng điều tôi thấy thương ông nhất, khiến tôi thấy bất nhẫn nhất là khi nghĩ về những gì ông phải để lại trước lúc đi xa. Một bên, đó là sự nghiệp dở dang của mình - cha tôi mất đi để lại nhiều bản thảo đang viết dở hay còn chưa in. Vài tháng đến một năm sau khi ông mất, nhiều cuốn sách, trong đó có những tác phẩm thuộc loại nổi tiếng nhất của ông mới được xuất bản: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Lũy hoa”, “Sống mãi với thủ đô”. Riêng vở kịch “Vũ Như Tô” mà cha tôi muốn sửa lại thì mãi mãi là một dự định không thành.
Còn bên kia là…?
- Bên kia, điều khiến cha tôi ra đi khó có thể yên tâm là “vợ và một lũ con nheo nhóc”, như ông đã ghi trong nhật ký ngày 1/6/1960, không lâu trước khi mất. Năm ngày sau, vẫn trên giường bệnh, ông viết, sau một đêm “trằn trọc không ngủ được”: “Thương vợ. Nghĩ đến Thắng, Phương Chi. Rồi Thục, Khánh học sau này sẽ ra sao? Nếu ta có mệnh hệ nào, vợ yếu, con đông, sẽ xoay xỏa ra sao. Ôi cuộc sống bơ vơ lam lũ của vợ con, của thằng Thắng mà ta chăm chút hơn cả chính ta đây.” Và nỗi buồn này dẫn đến nỗi niềm kia: “Chẳng còn nghĩ đến tác phẩm. Chỉ buồn buồn”. Vâng, đó chính là tâm trạng của cha tôi trước lúc ra đi mãi mãi, ngày 25/7/1960!
Tôi đọc nhật ký Nguyễn Huy Tưởng cũng thấy ông là một người thương vợ, thương con. Luôn nghĩ về gia đình. Chẳng hạn, gần đến tết năm 1959, ông viết: “Lo cho sinh kế gia đình. Áo quần không may được cho con. Tết nhất cũng chẳng có gì”… Anh Huy Thắng có lúc nào nghĩ rằng, cái nghèo của thập niên 1940-1950 ấy đã làm giảm bút lực văn chương của nhiều nhà văn, trong đó có Nguyễn Huy Tưởng?
- Cái nghèo đúng là một cái gì cố hữu với các nhà văn ta, và cha tôi không phải là ngoại lệ, ngay cả khi về sống giữa thủ đô sau những năm kháng chiến. Cha tôi từng viết trong nhật ký ngày 16/12/1959, khi nhận nhuận bút cuốn sách mới của ông, tiểu thuyết “Bốn năm sau”: “Bản quyền không được là bao… Ta có mong gì có nhiều tiền đâu. Ta chỉ muốn có thêm phương tiện để mà làm cho được mấy cuốn tiểu thuyết đang dự định. Mà cũng không xong!”
Ông nói vậy thôi, nhưng tôi vẫn nghĩ, “cái nghèo” chưa bao giờ làm giảm “bút lực” của một người như cha mình. Không có chỗ tiện làm việc, cha tôi sẵn sàng lên Bắc Giang với bác Nguyên Hồng cả tháng trời, ở một nơi không điện, không nước máy, ngồi viết văn với bác. Và “đến bữa, hai anh em nâng chén mời nhau mà chuyện về cuộc đời”, như thư bác Nguyên Hồng viết cho mẹ tôi vào ngày giỗ đoạn tang cha tôi. Các ông nghèo nhưng cao sang lắm!
Bản thân cha tôi cũng tự thấy như thế. Ngày 28/12/1959, khi họp Quốc hội, ông đã chạnh nghĩ đến miền Nam với đầy xúc cảm: “Đừng nên quan niệm miền Nam chỉ có đau thương. Đồng bào ta vẫn chiến đấu và hi vọng. Cũng như trong kháng chiến, những kẻ ở Hà Nội cho là ở địa phương khổ sở. Nhưng thực ra, ở ngoài vùng tự do, ta vẫn sống đàng hoàng.”
Có lẽ chính tâm thế “đàng hoàng” ấy đã giúp cha tôi vượt lên hoàn cảnh để luôn theo đuổi nghiệp văn. Cuốn “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” là tác phẩm cuối cùng của cha tôi. Ông bắt đầu viết truyện này vào tháng 2 năm 1960 và hoàn thành ba tháng sau đó, như nhật ký ngày 12/5/1960 cho biết: “Viết xong hoàn toàn: Lá cờ thêu sáu chữ vàng”. Với tác phẩm này, ông viết không chỉ trong cảnh túng bấn, mà còn với một tâm trạng và sức khỏe rất tồi tệ, khi thường xuyên cảm thấy buồn bã, mệt mỏi. Nhật ký vẫn những ngày tháng 5 của ông ghi: “Uống thuốc bắc và châm… Người yếu. Buồn tinh thần và thể chất”.
Tôi dẫn lại hơi nhiều cũng để muốn nói rằng, ngay cả khi thể chất đã suy giảm nhiều, thậm chí đã cận kề cái chết, cha tôi vẫn duy trì một “kỉ luật lao động” đối với mình để viết ra một trong những truyện thiếu nhi huy hoàng và trong trẻo nhất của ông!
Nhờ thói quen ghi nhật ký của các nhà văn như Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng… mà thế hệ sau biết rõ hơn mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ của thế hệ vàng. Anh Thắng cũng đã viết nhiều về những chân dung song hành với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, vậy thì, theo anh, sự trọng người tài, sự khen chê tác phẩm của nhau ở cái thời kỳ đó, nó có cái gì đáng để chúng ta nhìn lại?
- Đứng về phương diện phê bình, sự khen chê tác phẩm vào thời kỳ đó thường là gay gắt. Trong nhật ký của cha tôi không biết bao nhiêu lần ông đã phải thốt ra những lời chua chát, thậm chí phẫn nộ, về cung cách phê bình khi ấy. Xin phép được dẫn vài ba đoạn: “Những ý kiến phê bình có một cái gì máy móc, không đi vào con người”. (nhật ký 10/4/1959); “Suy nghĩ về sự phê bình của ta ngày nay… thường thiên lệch, khi vì cảm tình, khi vì ác cảm, rất nhiều thì vì hèn hạ, ghen tức”. (nhật ký 18/10/1959); “Trong văn nghệ, những anh sáng tác bao giờ cũng lép vế, mà những kẻ phê bình phần lớn là bất tài thì có giọng kẻ cả”. (nhật ký 5/2/1960). Và câu này nữa, để thấy ông Tưởng có thể phản ứng như thế nào trước một ý kiến vin vào lập trường để phê phán tác phẩm: “Một câu viết nhận xét về “Bốn năm sau”: Dù sao Nguyễn Huy Tưởng vẫn còn những lệch lạc. Muốn chửi cha cái giọng rất kỳ cục ấy”. (nhật ký 12/3/1960)...
Thế nhưng, nếu là góp ý kiến chân thành thì ông lại rất phục thiện. Tôi muốn nói đến sự trọng thị của cha tôi đối với các nhận xét, góp ý của bạn bè, đồng nghiệp về tác phẩm của mình. Một lần, ông trích một số trang của cuốn tiểu thuyết đang theo đuổi để đăng báo. Đó chính là bản thảo tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô” mà ông mới viết xong tập đầu. Báo ra, ông nhận được ý kiến của tác giả “Nằm vạ” như ông đã ghi lại trong nhật ký ngày 6/11/1959: “Bùi Hiển nói mấy đoạn trích viết vội. Khi người ta nói anh viết vội, có nghĩa là anh viết tồi”. Và ông quyết định viết lại không chỉ những đoạn trích ấy, mà toàn bộ 500 trang bản thảo!
Nguyễn Huy Tưởng không chỉ là một nhà văn, nhà viết kịch, ông còn là đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946, là Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam, rồi ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ và tham gia tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của NXB Kim Đồng. Thời gian đã lùi xa, theo anh, đâu là giai đoạn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có thăng hoa trong sáng tạo, đâu là quãng mà anh thấy cha mình có sự trầm lặng, thậm chí phí hoài?
- Về sự phí hoài thì tôi nghĩ không hề có gì là phí cả. Nếu như có những khoảng thời gian cha tôi không viết được gì thì điều đó chỉ càng thôi thúc, đòi hỏi ông phải chịu khó hơn nữa, tận dụng thời gian tốt hơn nữa, và nhất là, không để mất thì giờ vào những chuyện vô bổ. Nhà văn Nguyên Hồng từng viết về người bạn văn của mình như thế này: “Người bám ruộng và cày khỏe nhất vẫn là Nguyễn Huy Tưởng”, và “Thằng này mà ngồi viết thì mọc rễ ở đấy!”.
Còn về cái sự “thăng hoa” trong sáng tạo như anh nói thì tôi nghĩ cha tôi không phải là người viết dễ dàng gì, nhiều tác phẩm của ông phải viết đi viết lại đến mấy lần. Sách ra cũng không mấy khi thấy cha tôi nói gì hơi quá, ngay cả với vở “Bắc Sơn” rất thành công mà có đồng nghiệp của ông về sau kể lại, đâu ông chỉ viết trong dăm ngày (?). Duy có một lần tôi thấy ông thực sự phấn khích về tác phẩm của mình là với vở kịch “Vũ Như Tô”! Ngày sách ra, 24/9/1946, như không thể kìm lòng, ông đã ghi vàonhật ký: “Vũ Như Tô đã xuất bản. Khá bằng lòng. Kịch vĩ đại”. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất ông khen tự khen tác phẩm của mình.
Có đánh giá nào của các bậc tiền nhân hoặc đương thời về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà anh cảm thấy cần nói lại cho rõ?
- Không. Nếu có những đánh giá nào như thế, kể cả tích cực và tiêu cực, thì đó là việc của “các cụ”. Tôi không có ý kiến gì. Kể cả khi có ai viết gì về cha tôi mà hỏi tôi có muốn xem bài trước khi đăng, tôi cũng bảo không. Tôi chỉ yêu cầu trích dẫn ông cho đúng.
Tôi vẫn nghĩ, thay vì bận tâm về chuyện khen chê, tốt nhất là làm sao để các cụ chính là các cụ! Đó là cách làm xứng đáng nhất với tiền nhân.
Trân trọng cảm ơn anh!
Một cuộc đời không dài lắm, thậm chí có thể nói là ngắn ngủi, vì cả sống và viết chỉ non nửa thế kỷ, nhưng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã để lại một khối lượng tác phẩm có thể nói là đồ sộ, ở nhiều thể loại. Đến nay, những tác phẩm của ông như “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Tìm mẹ”, “Vũ Như Tô”, “Lũy hoa”, “Sống mãi với thủ đô”… vẫn tiếp tục được tái bản. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Huy Tưởng còn trở nên phong phú, gần gũi độc giả ngày nay hơn khi được chính con trai Nguyễn Huy Thắng chăm chút. Miệt mài với di sản văn chương do cha để lại, anh Huy Thắng đã trở thành “nhà Nguyễn Huy Tưởng học” trong mắt nhiều người, có lẽ cả trong giới nghiên cứu văn học.