Sau khi đăng tải nhiều bài viết góp phần ngăn chặn hiểm họa do tác hại của amiăng, sáng 26/9, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm: “Chính sách và nỗ lực dừng sử dụng amiăng trắng vào năm 2020: Bài toán và lời giải”.
Tổng biên tập Báo Đại Đoàn Kết Hồng Thanh Quang
tặng hoa các chuyên gia tham dự tọa đàm.
Tham gia cuộc tọa đàm có các chuyên gia: ThS Nguyễn Văn Khuông - Tổng thư ký, Hội KHKT An toàn và vệ sinh lao động Việt Nam, TS Trần Tuấn - Trưởng ban thường trực hành động, Liên minh vận động chính sách Y tế (EBHPD), TS Nguyễn Quang Minh - Trưởng ban Dân chủ - pháp luật, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và TS Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện SKNN và môi trường.
Amiăng, hại thì có hại...
Trả lời câu hỏi về ảnh hưởng của amiăng tới con người và môi trường, TS Nguyễn Văn Sơn cho hay: Mặc dù bệnh bụi phổi amiăng đã được đưa vào danh sách bệnh nghề nghiệp nhà nước bồi thường từ năm 1976, nhưng với nhiều lý do, cho đến nay mới có 3 trường hợp được công nhận là bệnh bụi phổi Amiăng. Một kết quả nghiên cứu Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 tại 117 trường hợp bị tử vong cho thấy: Có 29 trường hợp (24,79%) được xác định là ung thư màng phổi; 52 trường hợp bị bệnh liên quan đến phổi và 36 trường hợp tử vong do các bệnh khác.
Tại 4 bệnh viện ghi nhận 447 trường hợp nghi ngờ liên quan đến amiăng, trong đó có 46 trường hợp chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi; ung thư phổi chiếm 76,51%; ung thư phế quản là 12,3% và có 4 trường hợp dày màng phổi. Trong số 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô có 13,04% có thông tin về tiền sử tiếp xúc với amiăng.
Điều đáng lo ngại trong vấn đề này, theo ông, người lao động tại phần lớn các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có tuổi nghề rất trẻ, dưới 15 năm, trong khi thời gian ủ bệnh của bệnh do amiăng đem lại từ 15 năm trở lên và người lao động tại các cơ sở sản xuất nhỏ chủ yếu là lao động thời vụ nên ít có điều kiện kiểm tra sức khỏe.
... Nhưng dừng thì chưa
Thực ra, không phải gần đây chúng ta mới bàn tới vấn đề dừng sử dụng amiăng. ThS Nguyễn Văn Khuông cho biết: Ngay từ những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ trước, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, (WHO), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), và các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là Công ước Bassel về vận chuyển xuyên biên giới và quản lý, tiêu hủy hóa chất nguy hại, Chính phủ đã lấy ý kiến của các bộ, các ngành, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đã ra Quyết định số 115.
Theo đó, từ năm 2004, cấm tất cả các loại amiăng trong sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, Chính phủ lại cho phép vẫn sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp.
Cũng từ đó đến nay, một số tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà đi đầu là Hội KHKT An toàn và Vệ sinh Lao động Việt Nam đã gửi Công văn lên Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam (VUSTA) nêu rõ quan điểm về tác hại của amiăng, trong đó có amiăng trắng, và đề nghị VUSTA có ý kiến với Chính phủ không cho phép sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp.
Không có ngưỡng an toàn cho amiăng
Đó là khẳng định của các chuyên gia đến từ WHO, ILO và Bộ Y tế VN…
ThS Nguyễn Văn Khuông khẳng định: Thực tế điều kiện làm việc tại hầu hết các nhà máy đang sản xuất tấm lợp amiăng - ximăng (AC) không đảm bảo ngăn ngừa bụi, sợi amiăng phát tán ra môi trường lao động và môi trường xung quanh. Tại một số nhà máy mà chúng tôi đã khảo sát vào những tháng cuối năm 2014, người công nhân phải xé bao amiăng bằng tay, dùng quạt thổi mát cho công nhân đứng vận hành máy đánh tơi sợi amiăng. Họ còn nghiền khô các mảnh tấm lợp AC thải loại bằng máy nghiền không có bao che để đóng gạch bloc, và dùng lại bao amiăng để may vỏ gối đỡ các tấm AC ở bãi chứa thành phẩm...
Ông nhắc lại: Không có ngưỡng an toàn trong sử dụng amiăng trong sản xuất và đời sống, nên cho dù các nhà máy có cấp đầy đủ trang bị khẩu trang cho người lao động thì bụi, sợi amiăng vẫn có thể thâm nhập vào phổi và các cơ quan tiêu hóa của người lao động vì kích thước các sợi amiăng rất nhỏ, chỉ vài micron và chất lượng cũng như cách bảo quản, sử dụng khẩu trang không tốt làm cho việc ngăn cản bụi amiăng thâm nhập vào cơ thể không tuyệt đối như mong đợi. Không ít công nhân còn có thói quen mang quần áo bảo hộ lao động về nhà cũng là nguyên nhân làm phơi nhiễm amiăng cho các thành viên trong gia đình họ.
Dừng ngay amiăng
Thực thi công văn 7307/VPCP-KGVX của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 19/9/2014, Bộ Y tế triển khai kế hoạch quốc gia thanh toán bệnh liên quan đến amiăng.
TS Trần Tuấn cho biết, kế hoạch này gồm một loạt các hoạt động, trong đó có hoạt động nghiên cứu phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh, khám điều trị sớm các trường hợp bệnh do amiăng gây ra. Và chúng tôi, EBHPD, cũng đag tích cực tham gia. Chúng tôi tin rằng, chỉ vài năm tới, sẽ đưa ra được các bằng chứng rõ ràng về số lượng người tiếp xúc với amiăng, số trường hợp ung thư phổi, ung thư biểu mô, ung thư buồn trứng... quy cho tiếp xúc với amiăng gây ra. Các hoạt động của kế hoạch quốc gia này đều có được sự hỗ trợ và hợp tác với các tỏ chức quốc tế đặc biệt là WHO, ILO, APHEDA (Úc), OXFAM và các nhà khoa học Nhật Bản, EU, Mỹ...
Dưới góc độ “đổi mới khoa học công nghệ, dùng khoa học công nghệ kiểm soát tác hại tiếp xúc với amiăng trắng”, rồi đòi hỏi “cần nghiên cứu để có bằng chứng để rồi mới hành động”, đi kèm lập luận “vì công ăn việc làm của công nhân tại các nhà máy sản xuât tấm lợp”, một số người trong nhóm hưởng lợi từ amiang tìm mọi cách để níu kéo loại vật liệu giết người thầm lặng này, theo TS Tuấn.
Và họ làm được việc này vì, tôi cho rằng, còn một số “con sâu” trong các vị trí soạn thảo văn bản của các bộ ngành liên quan. Đồng thời, vẫn còn những vị mang danh “tiến sĩ” đứng ra bảo vệ làm lá chắn, kèm một số nhà báo. Ngoài ra, còn có một nguyên nhân quan trọng nữa, là sự thiếu vắng giám sát đánh giá độc lập, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, VUSTA...
“Không chậm trễ nữa, dù chỉ một phút - TS Tuấn kêu gọi - Amiăng được coi là kẻ giết người thầm lặng, cho nên theo tôi, chậm dừng amiăng sẽ là tội ác!”